A.I (KTSG) – Mùa báo cáo tài chính quí 2-2024 đã đi vào giai đoạn cuối cùng. Mẫu số chung cho thấy phần lớn doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh có sự cải thiện vượt trội, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và các doanh…
(KTSG) – Mùa báo cáo tài chính quí 2-2024 đã đi vào giai đoạn cuối cùng. Mẫu số chung cho thấy phần lớn doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh có sự cải thiện vượt trội, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và các doanh nghiệp cũng dần thoát khỏi khó khăn.
Bức tranh sơ bộ
Tính đến sáng ngày 30-7-2024, tức hạn cuối công bố báo cáo tài chính quí 2-2024 của các doanh nghiệp niêm yết, đã có 410 doanh nghiệp trên sàn HOSE và HNX báo cáo kết quả kinh doanh. Trong số này, có 372 doanh nghiệp báo lãi, chiếm tỷ trọng hơn 90%, tăng so với mức 86% của cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn trước.
Bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, môi trường kinh doanh cải thiện, các hoạt động sản xuất dần phục hồi và mở rộng, đơn hàng được nối lại sau giai đoạn bị đứt gãy, thiếu hụt… đã góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong những tháng gần đây. Không ít doanh nghiệp đã thoát lỗ và chứng kiến hoạt động có lãi trở lại.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đảo chiều so với mức giảm 0,8% của kỳ bảy tháng đầu năm 2023. Ở phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7% còn nhập khẩu tăng 18,5%.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động vốn dù có tăng trở lại trong quí 2 năm nay nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng giai đoạn năm trước, do đó vẫn giúp kéo được lãi suất cho vay giảm mạnh so với cùng kỳ. Diễn biến này đã giúp nhiều doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng lợi nhuận. Trong khi đó, tỷ giá sau giai đoạn bất ổn trong tháng 4 cũng đã hạ nhiệt hơn trong tháng 5 và tháng 6, phần nào giúp các doanh nghiệp hạn chế bớt thiệt hại từ rủi ro tỷ giá.
Có 240 doanh nghiệp tăng lợi nhuận so với quí 1-2024, trong đó có đến 85 doanh nghiệp tăng từ 100% trở lên. Còn nếu so với quí 2-2023, số doanh nghiệp duy trì được sự tăng trưởng là 185 doanh nghiệp, với 60 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lợi nhuận gấp đôi. Ngược lại, cũng có xấp xỉ 50 doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận giảm từ 50% trở lên.
Theo đó, tổng lợi nhuận ròng mà 372 doanh nghiệp này mang lại trong quí 2 là gần 44.900 tỉ đồng, nâng mức lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm lên hơn 74.600 tỉ đồng. Riêng 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất đã mang lại lợi nhuận hơn 31.000 tỉ đồng trong quí 2 và gần 51.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm. Điều này cũng cho thấy dù có lãi nhưng sự phân hóa trong mức lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn là rất lớn, chỉ một vài doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận của thị trường. Đáng lưu ý là vẫn còn 38 doanh nghiệp báo lỗ trong quí 2, với tổng mức lỗ gần 4.000 tỉ đồng.
Xét trên góc độ tăng trưởng, có 240 doanh nghiệp tăng lợi nhuận so với quí 1-2024, trong đó có đến 85 doanh nghiệp tăng từ 100% trở lên. Còn nếu so với quí 2-2023, số doanh nghiệp duy trì được sự tăng trưởng là 185 doanh nghiệp, với 60 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lợi nhuận gấp đôi. Ngược lại, cũng có xấp xỉ 50 doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận giảm từ 50% trở lên.
Những doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội
Trong số các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất, đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS), với lợi nhuận quí 2-2024 đạt gần 284 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là nhờ vào việc bán tàu Đại Minh giúp doanh thu có thêm 400 tỉ đồng trong quí 2, từ đó đưa lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm nay đạt hơn 358 tỉ đồng, sớm về đích lợi nhuận kế hoạch cả năm chỉ sau sáu tháng. Cổ phiếu VOS đã tăng hơn 120% kể từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7, sau đó điều chỉnh giảm hơn 25% nhưng đang có dấu hiệu phục hồi lại từ ngày 23-7 đến nay.
Dù thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhưng một doanh nghiệp bất động sản là Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HOSE: NHA) bất ngờ báo lãi ròng quí 2-2024 ấn tượng nhất từ khi niêm yết vào năm 2021, với con số đạt hơn 29 tỉ đồng, gấp 225 lần cùng kỳ và tương ứng 82% kế hoạch năm. Trong đó, 90% doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản là các thành phẩm đã bán, với khoảng 55 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận doanh thu từ mảng này. Cổ phiếu NHA cũng đã tăng đến 80% từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, sau đó cũng có nhịp điều chỉnh trước khi bật tăng lại trong những phiên gần đây.
CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) dù kinh doanh săm lốp nhưng báo lãi tăng mạnh nhờ… bất động sản. Cụ thể lãi ròng quí 2-2024 của công ty này đạt mức cao kỷ lục gần 114 tỉ đồng, gấp 18,5 lần so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch 182% dù mới qua nửa năm. Nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ thực hiện chuyển nhượng quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất, ghi nhận 306 tỉ đồng vào thu nhập khác. Đáng lưu ý là cổ phiếu SRC lại giảm trong những phiên gần đây, với thanh khoản rất thấp, bình quân chỉ vài ngàn cổ phiếu được giao dịch trong phiên.
Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng chứng kiến lợi nhuận quí 2-2024 tăng trưởng rất mạnh là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG), khi báo lãi ròng hơn 125 tỉ đồng, gấp gần 14 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong quí 1 năm nay công ty này ghi nhận lỗ hơn 121 tỉ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu tăng mạnh cũng đến từ mảng kinh doanh bất động sản nhờ các hoạt động chuyển nhượng dự án. Dù vậy, giá cổ phiếu DIG vẫn chưa có màn bứt phá đáng kể nào, tuy đang có dấu hiệu thiết lập đà tăng trở lại.
CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV) chỉ lãi hơn 32,6 tỉ đồng trong quí 2-2024, nhưng so với cùng kỳ năm 2023 thì tăng gần 9 lần. Sự tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà lại nhờ vào việc được hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tài chính ở cổ phiếu TCM mà công ty đang nắm giữ. Cụ thể, giá cổ phiếu TCM đã tăng 40% từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6, kéo theo giá cổ phiếu SAV cũng tăng hơn 90% từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7, trước khi điều chỉnh giảm trong một tuần và đang bật mạnh lại từ ngày 24-7 đến nay, hiện đã leo lên lại gần vùng đỉnh cao 24.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt doanh nghiệp khác cũng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, như CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) báo lãi tăng hơn 390% so với cùng kỳ năm 2023; CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) tăng 377%; CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) tăng 324%; Ngân hàng LPBank (HOSE: LPB) tăng 242%; CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) tăng 216%; CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) tăng 215%; CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) tăng 178%…