(KTSG) – Để có thể đạt được sự cân bằng hơn trong phân bổ mạng lưới, bên cạnh lựa chọn mở thêm các điểm giao dịch mới tại các địa phương khác mà dĩ nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các ngân hàng giờ đây đã có…
(KTSG) – Để có thể đạt được sự cân bằng hơn trong phân bổ mạng lưới, bên cạnh lựa chọn mở thêm các điểm giao dịch mới tại các địa phương khác mà dĩ nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các ngân hàng giờ đây đã có thêm tùy chọn di chuyển các điểm giao dịch từ những tỉnh, thành dư thừa sang những tỉnh, thành còn thiếu.
Chiến lược phát triển mạng lưới sẽ thay đổi?
Sau thời gian lấy ý kiến cho bản dự thảo, cuối tháng 6-2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 32/2024/TT-NHNN (Thông tư 32) quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM), thay thế cho Thông tư 21/2013/TT-NHNN (Thông tư 21) và Thông tư 01/2022/TT-NHNN (Thông tư 01). Từ 35 điều quy định ở Thông tư 21, Thông tư 32 đã mở rộng lên 41 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2024.
Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất là quy định thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch. Nếu như Thông tư 21 ban hành cách đây 11 năm tại điều 17 quy định “NHTM chỉ được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, thì tại điều 19 Thông tư 32 đã mở rộng thành “NHTM được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể linh hoạt chuyển đổi địa điểm giao dịch giữa các tỉnh, thành với nhau, thay vì chỉ trong nội bộ tỉnh, thành như quy định cũ. Trong tình hình mạng lưới ngân hàng tại các đô thị lớn đã trở nên quá dày đặc, khiến hiệu suất hoạt động của một số đơn vị tập trung lớn tại một vài khu vực trung tâm trở nên suy giảm do chịu sự cạnh tranh quyết liệt, chiến lược dịch chuyển những điểm giao dịch này sang các tỉnh, thành lân cận vốn có mạng lưới ngân hàng còn thưa thớt, là điều cần xem xét khi đã có cơ sở pháp lý hỗ trợ.
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, trong khi sự phát triển kinh tế của một số thành phố lớn đang có dấu hiệu chậm lại do những tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động, thu hút vốn đầu tư, nhiều khu vực kinh tế mới, thành phố vệ tinh đã nổi lên như là động lực tăng trưởng hàng đầu với thu nhập bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, các NHTM sau giai đoạn phát triển mạng lưới quá nhanh trong nhiều năm về trước, mà chỉ tập trung ở những tỉnh, thành lớn và thành phố trực thuộc trung ương, gần đây muốn mở thêm các điểm giao dịch mới không phải là điều dễ dàng.
Ngoài những khó khăn về việc xin giấy phép, nguồn nhân sự thiếu hụt tại các địa bàn tỉnh, các quy định về việc phải đáp ứng nguồn vốn điều lệ khi muốn mở thêm điểm giao dịch ngày càng thắt chặt hơn, thì quy định về số lượng phòng giao dịch được thành lập cũng ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng mạng lưới của các ngân hàng. Điều này đã từng được phân tích trong bài viết “Ngân hàng trước cơ hội và thách thức mở rộng mạng lưới”(1) được đăng trên Kinh tế Sài Gòn cách đây hơn nửa năm.
Vì vậy, để có thể đạt được sự cân bằng hơn trong phân bổ mạng lưới, bên cạnh lựa chọn mở thêm các điểm giao dịch mới tại các địa phương khác mà dĩ nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các ngân hàng giờ đây đã có thêm tùy chọn di chuyển các điểm giao dịch từ những tỉnh, thành dư thừa sang những tỉnh, thành còn thiếu, nhằm tăng hiệu suất hoạt động mạng lưới và mở rộng tệp khách hàng, phát triển thêm các phân khúc khách hàng mới.
Mở đường về nông thôn?
Trước đây, Thông tư 21 xác định rõ “NHTM không được phép thay đổi địa điểm chi nhánh, phòng giao dịch từ khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội hoặc khu vực ngoại thành TPHCM đến khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc khu vực nội thành TPHCM”. Tinh thần này tiếp tục được duy trì trong Thông tư 32, thậm chí còn theo hướng thắt chặt hơn nhằm hạn chế việc các ngân hàng tập trung mạng lưới giao dịch quá lớn ở các khu vực trung tâm.
Cụ thể, điều 19 Thông tư 32 ngoài quy định NHTM không được phép thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch từ ngoại thành thành phố Hà Nội hoặc ngoại thành TPHCM hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác đến nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành TPHCM, còn bổ sung thêm quy định NHTM “không được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch từ khu vực nông thôn đến khu vực không phải vùng nông thôn”.
Điều này cho thấy định hướng của nhà điều hành rõ ràng muốn các NHTM chuyển bớt các phòng giao dịch tại các thành phố, đô thị lớn về các khu vực nông thôn, nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch chiến lược tài chính toàn diện đã đặt ra, đảm bảo các sản phẩm, tiện ích tài chính cơ bản nhất được phủ rộng trên khắp đất nước.
Về phía các ngân hàng, ngoài mạng lưới tại các đô thị lớn đã trở nên chật chội như đã nói, việc kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính của người thành thị đã phát triển trong những năm qua, cộng thêm xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại các thành phố đã trở nên phổ biến, càng tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển các kênh giao dịch tự động tại các thành phố, thay cho các trụ sở vật lý.
Ngược lại, với người dân nông thôn, ít nhiều có những hạn chế trong kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản, việc phát triển mạng lưới là các điểm giao dịch vật lý với những cán bộ, nhân viên trực tiếp hướng dẫn và cung cấp sản phẩm dịch vụ đến nhóm khách hàng này lại trở nên cần thiết hơn rất nhiều. Do đó, việc chuyển dịch các điểm giao dịch của ngân hàng từ thành thị về nông thôn, nội thành ra ngoại thành càng được khuyến khích.
Bên cạnh những lợi ích đạt được, sự chuyển dịch mạng lưới này nếu thực hiện cũng sẽ đặt ra một số khó khăn cho các NHTM.
Đầu tiên là việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự. Nếu như chuyển địa điểm giao dịch chỉ đơn thuần trong nội bộ tỉnh, thành không gây ra quá nhiều xáo trộn, thì việc chuyển một chi nhánh, phòng giao dịch từ tỉnh này qua tỉnh khác rõ ràng sẽ khiến cán bộ, nhân viên tại đơn vị bị chuyển phải xem xét lại công việc hiện tại.
Khi đó, các ngân hàng một mặt phải bố trí lại công việc cho các nhân sự ở đơn vị bị dịch chuyển, mặt khác phải tuyển dụng nhân sự mới tại các địa bàn mà đơn vị đó chuyển đến. Hệ quả là bộ máy nhân sự có thể phình to ra thêm nhưng lại cũng có những thời điểm bị thiếu hụt vì đối mặt với sự xáo trộn nhất thời gây ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, nhân viên.
Thứ hai là chiến lược kinh doanh của các ngân hàng cũng đứng trước thách thức mới. Đơn cử như những ngân hàng từ trước đến nay đã xác định phân khúc khách hàng trọng tâm là nhóm có thu nhập cao hoặc nhóm nhân viên văn phòng có thu nhập ổn định, với biên lợi nhuận cao, nếu giờ đây phải phân bổ lại mạng lưới từ khu vực thành thị chuyển sang bớt khu vực nông thôn, phân khúc khách hàng sẽ đứng trước lựa chọn có phải thay đổi sang nhóm đại chúng và bình dân hay không? Đây không phải là một lựa chọn dễ dàng, xét từ cả yếu tố lợi nhuận, rủi ro và cách thức phục vụ.
Thứ ba là đứng ở góc độ khách hàng tại các đô thị, những người trước đây đã giao dịch quen thuộc tại một điểm kinh doanh của một ngân hàng, nhưng giờ điểm đó bị chuyển đi và khách hàng này được chuyển giao lại cho các điểm lân cận của chính ngân hàng đó chăm sóc. Khi đó, khoảng cách có thể xa hơn, sự bất tiện lớn hơn và do đó cũng làm giảm đi mức độ hài lòng của các khách hàng này, nên khách hàng có thể thay đổi sang ngân hàng khác. Đây cũng là một trong những rủi ro mà các ngân hàng cần tính tới.
(1) https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-truoc-co-hoi-va-thach-thuc-mo-rong-mang-luoi/).