(KTSG Online) – Các doanh nghiệp niêm yết cần sớm tìm lời giải cho bài toán công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế và gắn với các tiêu chuẩn bền vững. Đây là việc quan trọng trong bối cảnh thị trường…
(KTSG Online) – Các doanh nghiệp niêm yết cần sớm tìm lời giải cho bài toán công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế và gắn với các tiêu chuẩn bền vững. Đây là việc quan trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có cơ hội nâng hạng từ cận biên lên mới nổi thời gian tới.
Những mảng màu đối lập trong bức tranh chung
Ví TTCK là “mạch máu” của nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE nhấn mạnh, cổ phiếu và TPDN là hai kênh huy động vốn vô quan trọng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển trong trung và dài hạn, bên cạnh nguồn vốn vay từ ngân hàng. Theo đó, REE có tám lần phát hành cổ phiếu, qua đó huy động được 2.800 tỉ đồng để đầu tư, mở rộng hoạt động.
Để huy động được vốn từ nhà đầu tư, bà Thanh cho biết REE luôn đặt đúng tầm trách nhiệm cho các vấn đề nhà đầu tư quan tâm và đã được cam kết tại công bố thông tin, hồ sơ phát hành.
“Phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các doanh nghiệp phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao. Hơn ai hết, HĐQT công ty phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động được đặt đúng chỗ và phát huy hiệu quả”, bà Thanh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup khẳng định, việc huy động thành công hàng tỉ đô la Mỹ qua TTCK Việt Nam và quốc tế của Tập đoàn và các công ty thành viên gồm Vinhomes, VinFast là nhờ chủ động với hệ thống quản trị rủi ro tốt, đáp ứng chuẩn mực quốc tế khắt khe.
“Việc niêm yết cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq giúp chúng tôi đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu, đồng thời cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam”, ông Quang cho biết.
Lợi ích nhận được về kinh tế và thương hiệu nhờ đáp ứng các thông lệ quản trị công ty quốc tế là điều được thể hiện rõ qua trường hợp của Vingroup và REE, nhưng thực tế không nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên TTCK Việt Nam đáp ứng được tiêu chí những này.
Chẳng hạn, chỉ 80/1800 DNNY thực hiện công bố thông tin (CBTT) bằng tiếng Anh – một yêu cầu quản trị cơ bản theo thông lệ quốc tế, theo thông tin từ Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD).
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối – phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ của Công ty chứng khoán SSI thừa nhận, trở ngại lớn các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các DNNY theo tiêu chuẩn thế giới. Để hỗ trợ kết nối, các công ty chứng khoán đã thiết kế nhiều báo cáo phân tích bằng tiếng Anh. Nhưng vị này thưa nhận những “thông tin thô” ban đầu từ doanh nghiệp bằng ngôn ngữ quốc tế vẫn rất cần thiết.
Bên cạnh việc thiếu CBTT bằng tiếng Anh, từng xuất hiện tình trạng DNNY không công bố thông tin và đưa ra quy định hạn chế, khiến NĐTNN khó tiếp cận doanh nghiệp, dù các cơ quan quản lý trong nước đã cho phép khối ngoại tham gia.
“Chính doanh nghiệp làm cho nhà đầu tư nước ngoài không thể nhập cuộc, từ đó đánh giá khả năng tiếp cận thị trường kém”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBCKNN nói và cho biết cơ quan quản lý đã đưa ra yêu cầu về công bố/quản trị thông tin, nhưng các doanh nghiệp có thể không thực thi.
Bối cảnh trên khiến ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD lo ngại, các DNNY trong nước bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận dòng vốn đầu tư lớn từ các quỹ nước ngoài, do không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản trị theo thông lệ quốc tế, hoặc thiếu yếu tố bền vững, đặc biệt là ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).
“Thực hành ESG tốt cũng được các quỹ nước ngoài chọn làm chỉ tiêu đánh giá khi tính toán phân bổ vốn đầu tư. Họ có ban rà soát ESG, nếu công ty nào không đạt thì cân nhắc không đầu tư”, ông Long nói tại một buổi họp báo về quản trị công ty.
Tìm “điểm cộng” từ quản trị doanh nghiệp
Xác định quản trị công ty là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời là “đơn vị tiền tệ quốc tế” để thu hút nguồn vốn và các nhà đầu tư có trách nhiệm. Vinamilk là doanh nghiệp niêm yết vốn hoá lớn đầu tiên chuyển đổi sang mô hình quản trị một hội đồng sau khi có quy định trong Luật Doanh nghiệp (năm 2014), dù chưa có hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới luật ở thời điểm chuyển đổi.
Tới năm 2017, các cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên của Vinamilk đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tiểu ban Kiểm toán (nay là Uỷ ban kiểm toán) thay cho Ban Kiểm soát. Theo đó, mô hình Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và là bước đi căn bản trong quản trị công ty của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều cải tiến, bổ sung khác nhằm nâng cao chất lượng quản trị cũng được triển khai như: thực hành các nguyên tắc nâng cao trách nhiệm HĐQT; CBTT tài chính và phi tài chính liên quan tới yếu tố phát triển bền vững, gồm năng lượng, môi trường, xã hội.
Về CBTT bằng tiếng Anh, ông Trần Chí Sơn, đại diện Vinamilk cho biết, doanh nghiệp luôn hợp tác chặt chẽ với các cổ đông lớn trong hoạt động này.
“Theo như quy định, các thông tin họ cung cấp cho UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán sẽ được chuyển giao đồng thời cho DNNY để công bố trên website công ty. Khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ rà soát để đảm bảo tính đầy đủ. Nếu cần thiết, sẽ yêu cầu bổ sung, để đáp ứng đồng thời cả tiếng Anh và tiếng Việt”, ông Sơn nói và cho biết nếu cổ đông không tự bổ sung, bộ phận IR sẽ hỗ trợ điều chỉnh hoặc bổ sung thông tin sao cho phù hợp.
Trước bối cảnh mới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT đánh giá, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng – không chỉ làm tốt công việc quản trị, mà cần định hướng ưu tiên các yếu tố ESG trong kinh doanh.
“Trước khi FPT ký được các hợp đồng lớn, các đối tác luôn đặt câu hỏi ‘FPT xanh đến đâu?’. Đặt vấn đề như vậy để thấy, muốn quản trị được phải dùng công nghệ để chuyển đổi”, ông Bình nói và cho biết FPT đang thực hiện chuyển đổi lớn ở ba khía cạnh là số, xanh và trí tuệ.
Cụ thể, lãnh đạo FPT đã yêu cầu nhân viên ứng dụng AI để nâng cao 30% năng suất lao động. Với năng suất được lao động được giải phóng, nhân viên sẽ tiếp tục tư duy phương pháp đóng gói sản phẩm để bán cho khách hàng sao cho tối ưu hiệu quả.
“Khi đã là doanh nghiệp niêm yết, dưới con mắt của các nhà đầu tư, cùng những yêu cầu cao, thì không thể thiếu yếu tố này”, ông Bình lưu ý.
Bên cạnh khả năng định hướng, vị này cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp luôn cần phải học hỏi. “Chúng tôi học hỏi chặt chẽ từ thế giới. Câu chuyện ứng dụng AI là bài học chúng tôi có được từ Deloitte. Con số tăng trưởng 30% năng suất lao động cũng đã được tính toán bởi các chuyên gia của tổ chức này”, ông Bình thông tin.
Thực tế, FPT, Vinamilk và Dược Hậu Giang là ba DNNY Việt Nam có điểm quản trị công ty tốt nhất trong kỳ đánh giá thẻ điểm quản trị công ty Asean 2021 (ACGS2021). Trong đó, Vinamilk nằm trong danh sách tài sản đầu tư giá trị của ASEAN ở hai kỳ đánh giá liên tiếp.
Về phía chuyên gia, ông Phan Lê Thành Long cho rằng yếu tố đầu tiên là cần quan tâm trong chất lượng quản trị công ty là chất lượng CBTT. Đây là trọng tâm đảm bảo lợi ích của tất cả các bên hữu quan.
“Nhận thức và cam kết của lãnh đạo, đặc biệt Hội đồng quản trị các DNNY sẽ quyết định yếu tố này”, ông Long đánh giá.
Vị này cũng cho rằng tiếp tục hoàn thiện các quy định về CBTT, hướng tới chuẩn mực quốc tế về CBTT trên thị trường tài chính. Theo đó, cần cập nhật các chuẩn mực báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (IFRSs), đưa vào áp dụng các CBTT về phát triển bền vững và các vấn đề môi trường, xã hội (ESG) vào quản trị công ty.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới CBTT bằng tiếng Anh, yếu tố này vừa là tiêu chuẩn để nâng hạng TTCK, vừa giúp NĐTNN tiếp cận tốt hơn và là nền tảng mang đến cơ hội tiếp cận vốn quốc tế tốt hơn cho toàn bộ thị trường.