Bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định bản chân chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Sáng 23/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về các tội Thao túng thị…
Sáng 23/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên xét hỏi, bị cáo Trịnh Văn Quyết thừa nhận toàn bộ nội dung có nêu trong cáo trạng và tôn trọng mọi phán quyết của Hội đồng xét xử.
HĐXX cho hay, bị cáo thừa nhận toàn bộ nội dung như cáo trạng quy kết về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Vậy mục đích thực hiện hành vi của bị cáo là gì?
Bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định bản chân chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
“Bị cáo chủ trương mua lại và thành lập Công ty Faros với mong muốn sở hữu một công ty trong lĩnh vực xây dựng để chủ động cho các hoạt động đầu tư xây dựng để phát triển hệ thống Tập đoàn FLC. Nếu phát triển hơn nữa sẽ thực hiện các dự án ngoài tập đoàn. Thực tế, đến thời điểm bị bắt, bị cáo đã thực hiện được những ý tưởng đó”, Trịnh Văn Quyết khai nhận.
Cũng tại phiên xét xử, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế – em gái Trịnh Văn Quyết đã có cũng thừa nhận toàn bộ cáo trạng quy kết. Trong đó có những hành vi như mượn giấy tờ tuỳ thân của người thân, quen để mở tài khoán chứng khoán, mở tài khoản ngân hàng để thực hiện việc giao dịch (mua đi bán lại cổ phiếu). Bà Huế khai nhận, tất cả đều do ông Quyết chỉ đạo.
Trước phiên toà, các luật sư bào chữa cho ông Quyết cho biết, thời gian qua ông Quyết vô cùng ăn năn, hối hận và bày tỏ thái độ sẵn sàng khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án trước toà.
Đến nay, ông Quyết vẫn luôn giữ nguyên yêu cầu luật sư khi bào chữa không đưa nội dung mang tính chất phản biện, phủ nhận trực tiếp đối với các hành vi đã được xác định tại kết luận điều tra và cáo trạng, chỉ tập trung trình bày các lý do khách quan, đề xuất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để được hưởng sự khoan hồng.
Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, ông Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng và hoàn thiện các thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhóm thuộc cấp thân cận của ông Quyết đã nhờ một số người đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Faros. Lãnh đạo công ty ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán và cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS.
Từ đó, nhóm bị cáo thuộc Ủy ban chứng khoán nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và cán bộ thuộc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.
Việc làm này tạo điều kiện cho ông Quyết bán thành công 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Đây là hành vi khiến ông bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, cơ quan tố tụng cáo buộc cựu Chủ tịch FLC là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán. Đồng thời quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
An ninh Tiền tệ