(KTSG) – Thống kê từ 25 ngân hàng có công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2024 cho thấy mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21% so với năm trước. Đây là mục tiêu khá tham vọng nếu nhìn vào kết quả chưa đến 2% của nhóm này…
(KTSG) – Thống kê từ 25 ngân hàng có công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2024 cho thấy mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21% so với năm trước.
Đây là mục tiêu khá tham vọng nếu nhìn vào kết quả chưa đến 2% của nhóm này trong năm 2023.
Tăng trưởng quí 2-2024 sẽ tiếp tục phân hóa?
Sau quí 1-2024 tăng trưởng khiêm tốn, với tổng lợi nhuận sau thuế quí 1-2024 của 28 ngân hàng đang niêm yết đạt khoảng 72.096 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quí 2-2024 của các ngân hàng được dự báo vẫn duy trì tăng trưởng, dù tốc độ sẽ không còn quá bứt phá như giai đoạn trước.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 57,3% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng lợi nhuận quí 2-2024 có sự tăng trưởng so với quí 1-2024, trong khi 30,9% dự báo giữ nguyên và 11,8% lo ngại sẽ giảm.
Quy mô kinh doanh tiếp tục được mở rộng, chủ yếu nhờ quy mô tín dụng tăng vọt trong giai đoạn những tháng cuối năm 2024, đó vẫn sẽ là yếu tố đóng góp tích cực vào kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2024.
Đáng lưu ý, dù dư nợ tín dụng toàn ngành đến ngày 24-6-2024 chỉ mới tăng 4,45% so với đầu năm, nhưng tốc độ tăng trưởng giữa các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể, kéo theo kết quả lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ phân hóa lớn.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong thời gian qua, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi…, đó là những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phân khúc khách hàng cá nhân tích cực hơn so với giai đoạn trước.
Số liệu từ NHNN TPHCM mới đây cho thấy, tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn đến cuối tháng 4-2024 tăng trở lại 1,61% so với cuối năm 2023; trong đó tháng 1 giảm 0,49%; tháng 2 giảm 0,01%; tháng 3 tăng 0,96% và tháng 4 tăng tới 1,15%.
Một thách thức lớn khác là trong khi tín dụng vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng chậm trong nửa cuối năm, xu hướng nợ xấu vẫn tiếp tục đi lên chưa thấy điểm dừng.
Khi mảng bán buôn chưa tăng trưởng được như kỳ vọng, do các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong hoạt động ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn, mảng cho vay mua nhà ở của nhóm khách hàng cá nhân với biên độ lãi suất cao hơn có thể là lối ra cho nhiều TCTD từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt, việc chi phí vốn đầu vào giảm mạnh đã giúp các ngân hàng có điều kiện liên tục triển khai các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất cực kỳ ưu đãi trong những năm đầu.
Dù mặt bằng lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng trở lại từ cuối quí 1-2024 đến nay, nhưng vẫn đang thấp hơn rất nhiều nếu so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy lãi suất huy động vốn bình quân kỳ hạn 1-5 tháng của 35 ngân hàng nội địa đang niêm yết thấp hơn 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023; kỳ hạn 6-11 tháng thấp hơn 2,6 điểm phần trăm; kỳ hạn 12 tháng và từ 13 tháng trở lên thấp hơn lần lượt là 2,2 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm tiếp tục tăng trưởng.
Rõ ràng việc chi phí vốn đầu vào giảm khi lượng lớn tiền gửi kỳ hạn có lãi suất cao đã đáo hạn và tái tục với mức lãi suất thấp hơn, cộng thêm việc tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có khuynh hướng phục hồi trở lại đã giúp hệ số NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng sau khi tạo đáy vào quí 3-2023 hiện cũng đã cải thiện nhiều so với cùng kỳ.
Thách thức phía trước
Thống kê từ 25 ngân hàng có công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2024 cho thấy mục tiêu lợi nhuận trước thuế của nhóm này tăng hơn 21% so với năm trước. Đây là mục tiêu khá tham vọng nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng chưa đến 2% của nhóm này trong năm 2023. Khảo sát của NHNN cũng cho thấy 86,2% TCTD dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2023, trong khi 10,1% lo ngại sẽ giảm và 3,7% cho rằng sẽ không thay đổi.
Dự báo của nhiều tổ chức cũng khá lạc quan về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay. Như Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm 2024 với mức tăng trong danh mục là 18%. Hay báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) gần đây dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 10% trong năm 2024 nhờ ba động lực chính: tối ưu chi phí vốn, gia tăng thu nhập ngoài lãi và tối ưu chi phí hoạt động.
Dù vậy, không thể phủ nhận những thách thức đối với mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay đang ngày càng hiện rõ hơn.
Đầu tiên là tuy mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay vẫn đang thấp hơn cùng kỳ, nhưng xu hướng tăng trong những tháng qua được cho là sẽ chưa dừng lại. Đặc biệt, thanh khoản hệ thống ngày càng trở nên eo hẹp hơn khi nhà điều hành vẫn hút ròng qua kênh bán ngoại tệ và vàng lẫn trên thị trường mở, rủi ro lãi suất tiền gửi biến động mạnh cần phải được dè chừng.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay theo định hướng của nhà điều hành. Khảo sát lãi suất cho vay được công bố trên trang web của các ngân hàng từ tháng 4-2024 đến nay cho thấy liên tục giảm. Điều này tất yếu sẽ khiến xu hướng phục hồi của hệ số NIM bị chững lại trong thời gian tới, thậm chí có thể đảo chiều theo hướng thu hẹp trở lại.
Công ty Chứng khoán VCBS dự báo NIM sẽ ổn định trong quí 2 và 3, sau đó giảm vào quí 4 khi lãi suất huy động tăng. Lãi suất huy động có thể tăng từ 50-100 điểm cơ bản trong năm, trong khi lãi suất cho vay dự kiến giữ nguyên và có thể tăng nhẹ vào cuối năm 2024 – đầu năm 2025.
Một thách thức lớn khác là trong khi tín dụng vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng chậm trong nửa cuối năm, xu hướng nợ xấu vẫn tiếp tục đi lên chưa thấy điểm dừng.
Nợ xấu tăng cũng là mối lo ngại lớn mà lãnh đạo của các TCTD nhắc đến nhiều lần trong thời gian qua. Với áp lực từ nợ xấu, nhà điều hành mới đây đã quyết định gia hạn chính sách tái cơ cấu nợ cho đến hết năm 2024, qua việc Thông tư 06/2024/TT-NHNN được ban hành vào ngày 18-6-2024 vừa qua.
Tuy nhiên, dù các khoản nợ có được tiếp tục tái cơ cấu, các ngân hàng vẫn phải thoái thu lãi của các khoản vay nếu không thu được theo đúng quy định, cũng như phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ đã tái cơ cấu theo đúng tiến độ được đặt ra.
Với việc nợ xấu tăng nhanh trong hai năm trở lại đây nhưng bộ đệm dự phòng của các ngân hàng lại mỏng dần đi, khi mức độ trích lập dự phòng của các ngân hàng không còn quyết liệt như trước, hệ quả là áp lực trích lập dự phòng sẽ ngày càng gia tăng và có thể dồn lại trong giai đoạn tới, càng ảnh hưởng lên lợi nhuận.
Trong một diễn biến khác, chỉ số nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi lao dốc gần 3,3% trong tuần trước, hai phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 1 và 2-7-2024) đã phục hồi trở lại, trong đó cổ phiếu một số ngân hàng bật lại khá mạnh như TPB và VPB tăng 1,5%, STB tăng 2,8%, MBB và VIB tăng 2,2%, SHB tăng 3,2%, EIB tăng 2,4%, ACB tăng 1%, CTG tăng 4,4%… Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần thận trọng về kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong thời gian tới.