A.I (KTSG) – Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp đà phục hồi đi cùng sự hạ nhiệt của giá vàng và tỷ giá, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua tháng 5-2024 tương đối tích cực. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua…
(KTSG) – Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp đà phục hồi đi cùng sự hạ nhiệt của giá vàng và tỷ giá, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua tháng 5-2024 tương đối tích cực.
Kinh tế trên đà phục hồi
Báo cáo kinh tế – xã hội tháng 5-2024 cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục theo chiều hướng phục hồi.
Về phía tổng cung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước với sự phục hồi từ hầu hết các nhóm ngành chủ chốt như nội thất (+18,8%), điện tử (+17,4%), sản xuất trang phục (+9,4%), kim loại (6,8%)… Bên cạnh đó, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) cũng duy trì đà mở rộng tháng thứ hai liên tiếp, trong đó sản lượng sản xuất ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9-2022.
Về phía tổng cầu, tiêu dùng trong nước cho thấy mức tăng yếu hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 5 giảm 0,1% so với tháng 4 nhưng vẫn tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nếu loại trừ lạm phát, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,2% (so với mức tăng 9,3% trong năm 2023). Một tín hiệu tích cực là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng đầu năm đạt 7,58 triệu lượt người, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Về hoạt động ngoại thương, mức tăng trưởng hai con số cũng được ghi nhận. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu tháng 5 (+29,9% so với cùng kỳ năm trước) tăng mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu (+15,8% so với cùng kỳ năm trước) là tín hiệu cho thấy thời điểm này có thể đang là mùa cao điểm của nhập khẩu để chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu vào cuối năm.
Theo ước tính, các cổ phiếu có KQKD tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thép – tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Ngoài ra, sự chú ý của thị trường có thể sẽ còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm thực phẩm đồ uống, nhóm tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Về khía cạnh đầu tư, giải ngân vốn FDI tăng khá (+7,8%), đạt 8,25 tỉ đô la Mỹ và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (chiếm 78%). Trong khi đó, tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh lại có sự bứt phá khi đạt 10 tỉ đô la Mỹ (+33%). Ở chiều ngược lại, giải ngân vốn đầu tư công lại có phần chậm lại. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong năm tháng đầu năm mới đạt 22,4% kế hoạch Thủ tướng đề ra. Bên cạnh các nguyên nhân như công tác giải phóng mặt bằng hay công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn bị chậm, việc giải ngân trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn hơn do tập trung thi công các dự án đã được tạm ứng trong năm 2023.
Ở khía cạnh giá cả, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt khi chỉ tăng nhẹ 0,05% trong tháng 5 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá xăng dầu, lương thực và giáo dục điều chỉnh giảm đã cân bằng mức tăng từ giá thực phẩm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng. Theo đó, lạm phát bình quân năm tháng đầu năm vẫn đang trong vùng kiểm soát (tăng 4,03%).
Tuy vậy, điểm đáng lo ngại nhất của kinh tế vĩ mô thời gian vừa qua nằm ở câu chuyện tỷ giá. Tỷ giá liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá thị trường tự do đều dao động trong vùng đỉnh lịch sử và tăng 4,8% so với cuối năm 2023. Để giảm áp lực lên tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước đã phải kết hợp nhiều giải pháp như phát hành tín phiếu, tăng lãi suất vay qua thị trường mở và bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để cân đối cung – cầu.
Nhiều cơ hội vẫn hiện hữu trên thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp đà phục hồi đi cùng sự hạ nhiệt của giá vàng và tỷ giá, TTCK Việt Nam đã trải qua tháng 5 tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index tăng hơn 50 điểm (tương ứng tăng 4,3%) trong tháng 5, qua đó đưa mức tăng lũy kế trong năm tháng đầu năm lên 11,6%. Mặc dù vậy, thị trường thể hiện tính sàng lọc cao khi tập trung nhiều hơn vào triển vọng từng nhóm ngành.
Các chủ điểm đầu tư chính trong tháng 5 vẫn xoay quanh câu chuyện phục hồi và triển vọng tích cực với điểm tựa gần nhất là mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quí 1, điển hình là nhóm du lịch giải trí (HVN, +61%), bán lẻ (MWG, +16%) hay nhóm dầu khí (PLX, +19,3%; PVS, +9%). Các nhóm điện (POW, +20%), phân bón (DCM, +22%) cũng ghi nhận hiệu suất ấn tượng. Cùng với đó, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE duy trì ở mức cao với 21.800 tỉ đồng/phiên.
Về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn, theo Công ty Chứng khoán SSI, nhà đầu tư có thể xem xét tận dụng vùng giá cao để bảo toàn thành quả cho danh mục sau một tháng tăng điểm tốt của nhiều cổ phiếu. Ở chiều mua vào, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro. Đồng thời, việc mua gom chỉ nên thực hiện trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng KQKD cao và ổn định. Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm ngoái.
Theo ước tính, các cổ phiếu có KQKD tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thép – tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Ngoài ra, sự chú ý của thị trường có thể sẽ còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm thực phẩm đồ uống, nhóm tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Về trung và dài hạn, triển vọng của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá khá tích cực. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Nhờ vậy, kỳ vọng về KQKD của các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng sẽ là một trong những động lực chính cho TTCK trong quí 2 và nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel cũng sẽ được cụ thể hóa hơn. Ở chiều hướng ngược lại, rủi ro về địa chính trị và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất sẽ là những thách thức đối với các cân đối vĩ mô trong nước, điển hình là lãi suất và tỷ giá. Mặc dù vậy, xét trên bức tranh tổng thể, cơ hội đang có phần lớn hơn rủi ro và đây có thể là thời điểm thuận lợi để các dòng tiền lớn nhập cuộc.
Kinh tế Sài Gòn Online