Cổ phiếu “họ” FPT nổi sóng: “gã khổng lồ” công nghệ 25 lần vượt đỉnh từ đầu năm, FPT Telecom tăng bằng lần sau 5 tháng, FPT Retail gần chạm ngưỡng tỷ USD vốn hóa

Từ đầu năm 2024, các cổ phiếu “họ” FPT đều đã tăng hàng chục %, thậm chí bằng lần. Giá trị vốn hóa của FPT, FPT Telecom, FPT Retail, FPTS đều đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay. FPT&FRT&FOX&FTS&FOC: Trong các hệ sinh thái trên sàn chứng…

Fatz Admin lúc 2024-06-05
Cổ phiếu “họ” FPT nổi sóng: “gã khổng lồ” công nghệ 25 lần vượt đỉnh từ đầu năm, FPT Telecom tăng bằng lần sau 5 tháng, FPT Retail gần chạm ngưỡng tỷ USD vốn hóa

Từ đầu năm 2024, các cổ phiếu “họ” FPT đều đã tăng hàng chục %, thậm chí bằng lần. Giá trị vốn hóa của FPT, FPT Telecom, FPT Retail, FPTS đều đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

FPT&FRT&FOX&FTS&FOC:

Trong các hệ sinh thái trên sàn chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu “họ” FPT đặc biệt gây ấn tượng khi đồng loạt bứt phá mạnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, FPT (+45%), FRT (+60%), FTS (+45%), FOX (+100%), FOC (+34%) đều đã tăng hàng chục %, thậm chí bằng lần. Đáng chú ý, FPT, FRT, FTS, FOX đều đang trên vùng đỉnh cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh). Với riêng FPT, cổ phiếu này đã 25 lần vượt đỉnh từ đầu năm.

photo-1717516890237

Cổ phiếu tăng mạnh đẩy vốn hóa thị trường các doanh nghiệp “họ” FPT lên cao kỷ lục. Đặc biệt, giá trị của tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam đã lên đến gần 176.700 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), xếp thứ 5 trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ kém Vietcombank, BIDV, PV Gas và Hòa Phát.

Trong khi đó, vốn hóa FPT Telecom (FOX) đã vượt 49.800 tỷ đồng (2 tỷ USD). FPT Retail (FRT) cũng gần chạm ngưỡng tỷ USD vốn hoá. FPTS (FTS) hiện có vốn hoá 13.800 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD). Khiêm tốn nhất là FPT Online với giá trị xấp xỉ 1.700 tỷ đồng và là cái tên duy nhất trong “họ” FPT chưa vượt đỉnh. Điều đặc biệt là mỗi cổ phiếu trong hệ sinh thái FPT lại có những câu chuyện hấp dẫn riêng.

QUẢNG CÁO

FPT đi lên cùng “trend” bán dẫn

Với vị thế là tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam, FPT đang đi lên mạnh mẽ cùng “trend” bán dẫn trên toàn cầu. Báo cáo phân tích mới đây của VNDirect cho rằng, giá cổ phiếu FPT đã tăng vọt từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện, đẩy P/E lên mức 25,5x, cao nhất mọi thời đại.

Theo VNDirect, thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây. P/E của SOX (Chỉ số Bán dẫn Philadelphia) vượt trội so với thị trường cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư và niềm tin vào câu chuyện bán dẫn. P/E của NVIDIA cũng đã tăng đáng kể trong năm 2023 do niềm tin của thị trường vào triển vọng tương lai của hãng, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư chiến lược vào các ứng dụng hỗ trợ AI vượt xa chip bán dẫn.

“Mặc dù đóng góp trực tiếp của bán dẫn hiện tại vào kết quả tài chính của FPT có thể không đáng kể, nhưng thị trường có thể sẵn sàng trả FPT một mức giá cao hơn và chờ đợi một câu chuyện xa hơn”, báo cáo của VNDirect nhận định. Các câu chuyện liên quan đến chip bán dẫn đều khiến nhà đầu tư đánh giá công ty cao hơn.

photo-1717516913229

Ngoài ra, đà tăng của FPT còn được hỗ trợ khá tích cực bởi thông tin chia cổ tức tiền mặt và phát hành tăng vốn. Theo đó, ngày 13/6 tới đây, FPT sẽ là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%. Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự chi khoảng 1.300 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến là 20/6, tức là chỉ 1 tuần sau khi lăn chốt.

Cùng ngày 13/6, FPT cũng sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. FPT sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới). Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên BCTC kiểm toán 2023. Sau phát hành, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng.

FPT Telecom cùng câu chuyện phủ sóng 5G

Với vị thế top 3 trong mảng viễn thông cố định sau VNPT và Viettel, FPT Telecom đang đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ cộng thêm như truyền hình số tương tác, dịch vụ camera, Playbox và ghi nhận lợi nhuận từ PayTV. FPT Telecom sẽ tập trung hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu đám mây (cloud).

Các chuyên gia kỳ vọng năm 2024-2025 sẽ bắt đầu thời kỳ 5G phát triển đại trà ở Việt Nam. Trong đó 55 tỉnh thành phố đã triển khai thí điểm, giai đoạn đầu thí điểm cho các khu công nghiệp, trường học, cơ quan nhà nước, đặt mục tiêu năm 2030 tỷ lệ 100% dân số có kết nối 5G. Theo đánh giá của Chứng khoán TPS, việc triển khai 5G sẽ có tác động lớn đến ngành viễn thông.

Tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn của 5G sẽ cho phép các dịch vụ và ứng dụng mới không thể thực hiện được trước đây. Điều này sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh của các nhà khai thác viễn thông và có thể giúp các nhà mạng di động tăng doanh thu thêm 300 triệu USD mỗi năm.

FPT Retail kỳ vọng vào “viên ngọc” Long Châu

Với FPT Retail, nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào chuỗi nhà thuốc Long Châu khi mảng bán lẻ ICT vẫn đang hồi phục khá chậm. Theo báo cáo mới đây của MBS, triển vọng của Long Châu được đánh giá cao nhờ (1) tốc độ chi tiêu cho thuốc cao hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam; (2) xu hướng cơ cấu già hóa dân số ngày một rõ rệt cùng với thói quen tiêu dùng cho các sản phẩm vitamin nhiều hơn thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thuốc.

photo-1717516962754

Tỷ trọng thuốc tại Long Châu chiếm khoảng 70-80% trong cơ cấu sản phẩm, cao hơn mức trung bình 50-60% của các chuỗi nhà thuốc hiện nay. Trong thời gian đầu của thời kỳ tăng tốc mở mới, Long Châu hướng đến chiến dịch bán thuốc theo đơn, với tiêu chí ban đầu là đủ thuốc với giá cả hợp lý, cạnh tranh.

Trong bán lẻ dược phẩm, việc quản lý hàng tồn kho và logistic là vấn đề nan giải và tốn khá nhiều chi phí của doanh nghiệp. MBS cho rằng, Long Châu có các thế mạnh về (1) công nghệ, cách thức áp dụng số hóa và AI trong việc quản lý và điều phối hàng hóa đã giúp họ luôn đảm bảo nguồn cung sản phẩm cho người tiêu dùng, (2) giá bán cạnh tranh so với các chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại khác, (3) Dịch vụ tốt, thanh toán nhanh chóng, tiện lợi.

Bên cạnh đó, Long Châu đã mở rộng mạnh mẽ và cán mốc 60 trung tâm tiêm chủng sau chưa đầy một năm (tính theo số liệu tháng 5/2024). Theo MBS, thị trường này tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi tỷ lệ bao phủ vaccine vẫn còn ít, các trung tâm tiêm chủng hiện đại đặc thù chưa có nhiều (dẫn đầu là VNVC với hơn 160 trung tâm).

Tuy nhiên, MBS cho rằng, bước đầu việc mở rộng lớn các trung tâm tiêm chủng sẽ khiến cho Long Châu tốn nhiều chi phí đầu vào và hoạt động chưa ghi nhận lợi nhuận. Theo kế hoạch, FPT Retail có đến 100 trung tâm tiêm chủng vaccine vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến sẽ nâng tổng số nhà thuốc của Long Châu vào cuối năm lên 1.900 cửa hàng.

FPTS tăng vốn lên trên 3.000 tỷ

Cũng giống như các công ty chứng khoán khác, tăng vốn cũng là chủ đề được quan tâm nhất đối với FPTS. Tháng 5 vừa qua, CTCK này đã hoàn tất phát hành tổng cộng 91,3 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và ESOP.

Trong đó, FPTS đã phát hành 85,8 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành là 10:4 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 40 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán.

Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng, trừ trường hợp hưởng quyền nhận cổ phiếu từ cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2022 đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, FPTS cũng đã phát hành 5,5 triệu cổ phiếu ESOP năm 2024 cho cán bộ quản lý với giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm, được giải tỏa dần theo tỷ lệ: 50% số cổ phiếu sẽ được tự do chuyển nhượng sau 1 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành, 50% còn lại sau 2 năm kể từ ngày phát hành.

FPT Online với truyền thống cổ tức

FPT Online là công ty con của tập đoàn FPT chuyên về quảng cáo trực tuyến với nguồn thu chính đến từ khai thác quảng cáo trên báo điện tử Vnexpress. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, doanh nghiệp này lãi ròng đều đặn 200-250 tỷ đồng mỗi năm trước khi bất ngờ giảm mạnh xuống chỉ còn 117 tỷ đồng vào năm ngoái.

Với tình hình kinh doanh tương đối ổn định và không có nhiều đột phá, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FOC chủ yếu trông chờ vào cổ tức. FPT Online cũng là doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức cao hàng năm. Từ khi lên sàn cuối 2018, năm nào cổ đông FPT Online cũng được nhận cổ tức bằng tiền, đỉnh điểm là mức 200% của năm 2020 được thanh toán vào tháng 4/2021.

Ngày 26/6 tới đây, FPT Online sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Đến thời điểm hiện tại, tài liệu họp chi tiết chưa được công bố. Mặc dù lợi nhuận năm 2023 sụt giảm mạnh nhưng cổ đông vẫn kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chính sách cổ tức bằng tiền như mọi năm.

Nhìn chung, các doanh nghiệp “họ” FPT trên sàn chứng khoán đa phần đều hoạt động trong các lĩnh vực “hot” như công nghệ, viễn thông, bán lẻ, tài chính,… Với những câu chuyện riêng, hấp dẫn, các cổ phiếu nhóm này được kỳ vọng sẽ còn chinh phục những đỉnh cao mới. Dù vậy, triển vọng cần được phản ánh lên kết quả kinh doanh thực tế mới thực sự trở thành bệ phóng vững vàng.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.