Chứng khoán và cơn gió ngược lãi suất

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) đang đối mặt với sức ép lãi suất, trong khi rủi ro lạm phát kỳ vọng đang quay lại cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và đưa đến nguy cơ lãi suất sẽ còn tiếp tục đi lên. Mức độ tác…

Fatz Admin lúc 2024-05-30

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) đang đối mặt với sức ép lãi suất, trong khi rủi ro lạm phát kỳ vọng đang quay lại cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và đưa đến nguy cơ lãi suất sẽ còn tiếp tục đi lên. Mức độ tác động của lãi suất lên thị trường tới đâu và nhà đầu tư cần lưu ý điều gì trong tháng 6 tới?

VN-Index đã có sự phục hồi khá mạnh một tháng qua khi tăng gần 9%. Ảnh: LÊ VŨ

Lo… lãi suất tăng

TTCK phiên cuối tuần qua (24-5-2024) giảm mạnh với thanh khoản tăng vọt. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm hơn 19 điểm, thậm chí có lúc trong phiên ghi nhận rớt đến 31 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 1,18 tỉ cổ phiếu trên sàn HOSE, tăng vọt 42% so với phiên trước đó, và cũng là phiên có thanh khoản cao nhất kể từ phiên ngày 16-4-2024 đến nay. Trước đó, trong phiên ngày 22-5, VN-Index cũng giảm 10 điểm, tương đương 0,8%, với hơn 987 triệu cổ phiếu được trao tay.

QUẢNG CÁO

Những phiên thị trường giảm điểm mạnh gần đây đi kèm với thanh khoản tăng mạnh cho thấy dòng tiền đang rất nhạy cảm và dễ dàng thoát ra, trong bối cảnh VN-Index cũng đã có sự phục hồi khá mạnh một tháng qua khi tăng gần 9%. Đặc biệt, trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đang đứng trước rủi ro mô hình hai đỉnh nếu không thể vượt thuyết phục qua vùng kháng cự ngắn hạn 1.280-1.290 điểm, càng khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Trước diễn biến lãi suất đang chịu nhiều áp lực trở lại, nhà đầu tư càng có lý do để thận trọng. Và thực tế là trong hai phiên giảm mạnh ngày 22-5 và 24-5, thị trường bị tác động bởi động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, ngày 22-5, nhà điều hành đã tăng lãi suất phát hành tín phiếu thêm 0,1 điểm phần trăm và tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) thêm 0,25 điểm phần trăm; tiếp đó, ngày 23-5, nhà điều hành một lần nữa tăng lãi suất tín phiếu thêm 0,2 điểm phần trăm, lên 4,2% – cao nhất từ đầu năm đến nay.

Không chỉ khối ngoại tích cực thoát hàng, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đang hành động tương tự trong những ngày qua. Với lực bán từ các nhà đầu tư tổ chức mạnh mẽ như thế trong các phiên thị trường đi xuống, rõ ràng các nhà đầu tư cá nhân có lý do e ngại xu hướng phục hồi đang đảo chiều.

Cùng với động thái tăng lãi suất, NHNN cũng bơm ròng mạnh mẽ trong ba phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi lên theo sau động thái tăng lãi suất OMO của NHNN. Hệ quả là lãi suất trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế cũng không tránh khỏi xu hướng chung, khi chứng kiến thêm nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi trong những ngày gần đây.

Không thể phủ nhận TTCK đang đối mặt với sức ép lãi suất, trong khi rủi ro lạm phát kỳ vọng đang quay lại cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và đưa đến nguy cơ lãi suất sẽ còn tiếp tục đi lên. Ngày càng xuất hiện nhiều dự báo tin rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể phải tăng thêm 0,5-1 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay, theo đó thời kỳ lãi suất thấp đang đi qua và xu hướng tăng đang quay trở lại.

Trong khi đó, sức ép tỷ giá dường như vẫn chưa kết thúc, dù NHNN thời gian qua đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ thị trường ngoại hối, từ bán ngoại tệ can thiệp, hút bớt thanh khoản tiền đồng để kéo tăng lãi suất tiền đồng, thu hẹp chênh lệch lãi suất tiền đồng – đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng. Rủi ro nhập siêu đang quay trở lại là một trong những yếu tố gây lo ngại nhất hiện nay, dù giới phân tích cũng cho rằng nhập khẩu đang hồi phục phản ánh nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động trong nền kinh tế đang sôi động hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn kế tiếp.

Lo ngại rủi ro tỷ giá đang thể hiện qua các phiên bán ròng không ngớt của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK thời gian qua. Trong hai phiên thị trường giảm mạnh ngày 22-5 và 24-5, khối ngoại đã bán ròng lần lượt là 1.760 tỉ đồng 1.541 tỉ đồng trên cả ba sàn. Ngoài ra, còn phải kể đến các phiên ngày 17-5 bán ròng 870 tỉ đồng; ngày 20-5 bán ròng 1.017 tỉ đồng; ngày 21-5 bán ròng 1.097 tỉ đồng và phiên đầu tuần này (27-5) vẫn bán ròng 521 tỉ đồng.

Ảnh hưởng có kéo dài?

Không chỉ khối ngoại tích cực thoát hàng, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đang hành động tương tự trong những ngày qua. Phiên ngày 21-5 nhóm này bán ròng 543 tỉ đồng trên cả ba sàn; ngày 22-5 bán ròng 332 tỉ đồng; ngày 23-5 bán ròng 302 tỉ đồng; ngày 24-5 bán ròng lên tới 623 tỉ đồng. Với lực bán từ các nhà đầu tư tổ chức mạnh mẽ như thế trong các phiên thị trường đi xuống, rõ ràng các nhà đầu tư cá nhân có lý do e ngại xu hướng phục hồi đang đảo chiều.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tác động từ xu hướng lãi suất sẽ kéo dài đến đâu? Đã xuất hiện không ít đề xuất NHNN cần sớm tăng lãi suất điều hành như là giải pháp để giúp ổn định tỷ giá. Thế nhưng, dường như nhà điều hành vẫn chưa muốn sử dụng đến công cụ lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng, vì lo ngại sẽ tác động rộng hơn đến nền kinh tế cũng như khiến mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay khó có thể đạt được.

Thay vào đó, lãi suất tín phiếu và lãi suất OMO đang được lựa chọn như là giải pháp thay thế, với mức độ tác động chỉ mang tính ngắn hạn và đối tượng ảnh hưởng cũng chỉ là các tổ chức tín dụng đang thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Nhưng rõ ràng một hệ quả không thể tránh khỏi là khi lãi suất tín phiếu, lãi suất OMO lên cao hơn kéo theo lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng, lãi suất tiền gửi trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế cũng khó có thể đứng yên được.

Về cơ bản, lãi suất đi lên sẽ tác động tiêu cực lên tổng thể nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Ngay cả nhóm ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng khi mặt bằng lãi suất tăng, vì chi phí vốn đầu vào sẽ cao hơn, trong khi lãi suất cho vay nếu tăng theo lên mức cao cũng sẽ mang đến những rủi ro tín dụng tiềm ẩn cao hơn. Đặc biệt, với nợ xấu đã tăng đáng kể từ năm 2023 đến nay, lãi suất đi lên càng khiến các ngân hàng phải chịu thiệt hại nặng nề hơn với các khoản nợ xấu đang không thu được lãi này.

Thực tế trong hai phiên giảm mạnh của ngày 22-5 và 24-5, chỉ số nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm lần lượt là 0,95% và 0,91%. Thậm chí, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này, dù VN-Index có bật tăng nhẹ trở lại 0,5%, chỉ số nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm nhẹ 0,04%. Với việc tăng trưởng tín dụng vẫn khá trì trệ, nợ xấu tiếp tục lên cao hơn trong khi chi phí vốn đầu vào chịu tác động tiêu cực trước xu hướng lãi suất tăng trở lại, nhóm ngân hàng đang phải đối mặt với khá nhiều yếu tố bất lợi.

Về triển vọng của thị trường trong tháng 6 tới, thị trường sẽ đón chờ kết quả họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 13-6. Nếu như vào năm ngoái, hầu hết các dự báo tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024 vào cuộc họp tháng 6, hiện nay mọi dự báo đã quay 180 độ khi cho rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên nếu có diễn ra cũng sẽ từ tháng 9 tới. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn sẽ chờ đợi một yếu tố bất ngờ nào đó, cũng như tuyên bố sau cuộc họp của Chủ tịch Fed sẽ phát đi tín hiệu về xu hướng lãi suất của Mỹ trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, từ giữa tháng 6 tới nhà đầu tư chứng khoán có thể sẽ bị phân tâm trước giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 kéo dài trong vòng một tháng. Thực tế quá khứ cho thấy trong những giai đoạn diễn ra World Cup hay Euro, khối lượng giao dịch trên TTCK thường khá ảm đạm. Diễn biến của TTCK cũng không mấy tích cực, với không ít luận điểm cho rằng dòng tiền trên TTCK cũng thường bị rút ra trong những giai đoạn như vậy. Về thống kê quá khứ, hiệu suất bình quân của VN-Index thời gian này trong 23 năm qua cũng khá thấp, khi chỉ tăng nhẹ 0,1%.

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.