(KTSG Online) – Tháng 5 thường là tháng khó khăn trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong giai đoạn tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định như hiện nay. Các nhà phân tích cho rằng kịch bản thị trường giảm vẫn còn để ngỏ, nhưng là cơ…
(KTSG Online) – Tháng 5 thường là tháng khó khăn trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong giai đoạn tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định như hiện nay. Các nhà phân tích cho rằng kịch bản thị trường giảm vẫn còn để ngỏ, nhưng là cơ hội tích lũy trong góc nhìn trung và dài hạn vẫn còn “sáng cửa”.
Nhịp chỉnh mạnh, ngắn và bất ngờ
Chỉ số VN-Idnex tính đến ngày 8-5 đã có 6 phiên xanh liên tiếp, nhưng sự phục hồi này với nhiều nhà đầu tư cá nhân dường như vẫn mang tính “bấp bênh” vì sợ còn giảm nữa.
Cuối tuần trước, thị trường cũng “thở phào” khi VN-Index có hai ngày hồi phục tiếp tục dù thanh khoản thấp, sau kỳ nghỉ lễ dài. “Với những diễn biến này, chúng tôi cho rằng rủi ro “điều chỉnh tạo đáy hai sâu hơn đáy vừa qua” đã phần nào được giải tỏa”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect bình luận.
Sau 5 tháng đi lên liên tiếp, tháng 4 là tháng đáng quên với nhiều nhà đầu tư cá nhân khi chỉ số giảm mạnh vài phiên liên tiếp, gợi nhớ đến những giai đoạn trước đây với hiện tượng nhiều mã cổ phiếu cùng “nằm sàn”.
Nhịp giảm diễn ra nhanh, bất ngờ với mức điều chỉnh của VN-Index lên đến 9,2%, tính từ mức đóng của cao nhất là 1.284 điểm vào đầu tháng. Hết tháng 4, chỉ số VN-Index giảm 5,8% so với tháng trước, thu hẹp mức tăng kể từ đầu năm chỉ còn 7%, đồng thời vẫn xoay quanh vùng tâm lý “lâu năm” là 1.200 điểm.
Ảnh hưởng tâm lý trên thị trường cũng rõ rệt khi dòng tiền rút đi, thanh khoản giảm mạnh. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE giảm 19% so với tháng 3, về mức 21.600 tỉ đồng.
Trong khi dòng tiền phần lớn chủ yếu đến từ nhóm tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại lại rút ròng đáng kể. Theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI, các quỹ ETF tiếp tục có tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp, với tổng giá trị là gần 3.000 tỉ đồng, nâng tổng số rút ròng từ đầu năm lên 10.580 tỉ đồng, chiếm 13% tổng tài sản quỹ. Tương tự, dòng tiền ở các quỹ chủ động cũng cũng đã rút khoảng 1,1%.
Lý giải hiện tượng giảm, các nhà phân tích cho rằng thị trường khó có thể tăng tiếp khi nhiều thông tin vĩ mô tiêu cực, rủi ro về lãi suất, tỷ giá, các biến động khác trong nước. Một điểm mà nhiều nhà đầu tư thất vọng nữa là hệ thống KRX không thể vận hành vào đầu tháng 5 dù đã nhắc đến rất nhiều trước đó.
Dù vậy, nỗ lực phục hồi của VN-Index gần đây lại được hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô. Các yếu tố tích cực bao gồm số liệu vĩ mô tháng 4 cho thấy xu hướng phục hồi kinh tế vẫn được giữ vững. Mùa báo cáo tài chính quí 1 với kết quả tăng trưởng “nhẹ”. Rủi ro giảm điểm cũng hạ nhiệt với bài phát biểu mang tính ôn hòa của Chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ trong tuần trước, theo đại diện VNDirect.
Kỳ vọng gì ở tháng 5?
Chỉ số VN-Index đã có sự phục hồi đáng kể từ mức đáy gần nhất, nhưng trên thực tế nhiều cổ phiếu vẫn còn thấp hơn đỉnh cũ khá nhiều. Sự kỳ vọng hồi phục của nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ thêm gặp khó vì tâm lý thị trường trong tháng 5, thường là tháng giảm điểm.
Một thống kê của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) cho thấy từ năm 2010 đến nay, hiệu suất trung bình trong tháng 5 ở mức âm 0,5%, vào loại thấp nếu so với các tháng còn lại trong năm.
Hiện tượng này thường xảy ra vì tháng 5 thường là giai đoạn ít có thông tin khi kết quả kinh doanh quí 1 đã được công bố, cũng như mùa đại hội cổ đông sôi động đã đi qua.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối khách hàng cá nhân, MSVN, cho rằng trong ngắn hạn, tháng 5 là giai đoạn “điểm trũng thông tin” và nhà đầu tư vẫn nên giữ quan điểm có phần thận trọng.
“Vẫn cần có thêm thời gian để tâm lý thị trường “cảm thấy ổn” nếu có xuất hiện trở lại một số đợt nhích tăng về mặt bằng lãi suất, do đó một chiến lược nghiêng về phòng thủ sẽ vẫn là lựa chọn phù hợp”, ông Lâm bình luận.
Khả năng điều chỉnh của thị trường vẫn còn để ngỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng khi chỉ số về những vùng đáy cũ, đây là cơ hội để mua tích lũy.
Theo đại diện VNDirect, bối cảnh thị trường hiện nay có hai luồng thông tin trái chiều ảnh hưởng khác nhau, nên nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi một xu thế mới được xác lập.
“Kịch bản VN-Index chạm đáy thứ 2 thấp hơn đáy cũ đã giảm đáng kể, mở ra kịch bản thị trường bước vào giai đoạn tích lũy với vùng hỗ trợ mạnh quanh vùng 1.170 điểm trước khi hình thành xu hướng mới”, ông Hinh bình luận vào cuối tuần trước.
Trong diễn biến từ đầu tuần đến nay, thị trường đi ngang tại mốc kháng cự 1.250 điểm nhưng ghi nhận thanh khoản cải thiện, cho thấy động lực thị trường đang dần trở lại. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường trong ngắn hạn, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh những rủi ro ngắn hạn được nêu lên, các nhà phân tích vẫn tập trung nói nhiều về cơ hội trung và dài hạn. Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường rơi vào khó khăn trong tháng 4 vì ảnh hưởng rủi ro từ tỷ giá và lạm phát, nhưng xu hướng dài hạn vẫn đang ở trạng thái “tăng”.
Còn đại diện MSVN cho rằng đến cuối năm nay và nửa đầu năm sau, thị trường sẽ có bức tranh lớn hơn với nhiều hứa hẹn, đặc biệt là các câu chuyện lên quan đến sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết và mục tiêu nâng hạng thị trường. “Những điều này sẽ giúp đảm bảo cho đà tăng trong trung dài hạn của thị trường thời gian tới”, ông Lâm bình luận.
Kinh tế Sài Gòn Online