A.I (KTSG) – Thời gian gần đây, giá vàng quốc tế biến động mạnh, có lúc vượt mức 2.400 đô la Mỹ/ounce, kéo theo giá vàng trong nước cũng biến động mạnh. Hiện tượng giá vàng quốc tế biến động khiến nhu cầu đầu tư vàng trong nước tăng nhanh,…
(KTSG) – Thời gian gần đây, giá vàng quốc tế biến động mạnh, có lúc vượt mức 2.400 đô la Mỹ/ounce, kéo theo giá vàng trong nước cũng biến động mạnh. Hiện tượng giá vàng quốc tế biến động khiến nhu cầu đầu tư vàng trong nước tăng nhanh, trong đó một phần lớn đến từ tâm lý sợ bị bỏ lỡ hay còn gọi là FOMO (Fear Of Missing Out).
Việc nhu cầu đầu tư vàng của người dân tăng, trong khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đang bị kéo rộng ra, gây nên nhiều rủi ro cho người mua vàng. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo nhanh chóng xử lý tình trạng giá vàng chênh lệch ở mức cao, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24).
FOMO khi mua vàng có thể khiến người mua gặp nhiều rủi ro
Giá vàng miếng SJC bán ra đã tăng từ mức khoảng 67 triệu đồng/lượng lên mức hơn 85 triệu đồng/lượng trong một năm qua. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng miếng SJC bán ra đã liên tục “nhảy múa” từ mức 73,5 triệu đồng/lượng lên mức hơn 85 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 15%. Điều đáng nói là mức chênh lệch giá mua vào và bán ra đã được nới rộng ra từ mức chỉ 500.000-700.000 đồng/lượng năm 2023 lên mức 2-3 triệu đồng/lượng năm 2024, tức khoảng 2-3% trên giá mua của người dân.
Nhà đầu tư mua vàng hiện nay không chỉ phải chịu mức chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra rất rộng mà còn phải chịu thêm rủi ro về mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Theo tính toán, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện nay từ 15-20 triệu đồng/lượng tùy thời điểm. Điều này gây ra tình trạng bất bình đẳng trong hoạt động mua bán vàng giữa người dân và doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Mặc dù đã có nhiều chuyên gia chia sẻ về những rủi ro như trên khi tham gia hoạt động mua vàng hiện nay, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn mua vào và bị dẫn dắt bởi một tâm lý được gọi là FOMO như nói trên. Việc người dân đổ xô đi mua vàng không chỉ có thể gây nên rủi ro cho chính họ mà còn gây nên nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Dễ thấy nhất là khiến cho giá đô la Mỹ tự do biến động mạnh, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cũng như giá mua bán vàng bị nới rộng ra. Ngoài ra, việc tích trữ vàng vật chất sẽ khiến một lượng tiền lớn không được đưa ra lưu thông trong hệ thống, làm cho việc điều hành vĩ mô trở nên phức tạp.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng gì về giá vàng thời gian tới?
Một số nguyên nhân có thể khiến cho người mua vàng có niềm tin rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới như:
Thứ nhất, xung đột ở dải Gaza giữa Hamas và Israel, kéo theo rủi ro lan rộng ra khắp Trung Đông thành cuộc chiến khu vực. Xung đột giữa Nga – Ukraine có thể tiếp tục lan rộng.
Thứ hai, xu hướng đa cực đang được hình thành sau khi nhiều quốc gia nhận thấy thiếu niềm tin hơn ở đô la Mỹ và euro. Nhiều quốc gia thấy rằng, việc đa dạng hóa tài sản dự trữ là một lựa chọn an toàn hơn, trong đó vàng là một lựa chọn truyền thống được ưu tiên sử dụng.
Thứ ba, trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và dự báo nhiều quốc gia có thể quay lại thời kỳ nới lỏng tiền tệ, vàng là một lựa chọn để phòng chống lạm phát hiệu quả.
Nhà đầu tư vàng liệu có đang lo lắng quá mức và có thể gặp rủi ro gì nếu tiếp tục FOMO?
Ngoài đặc tính vật lý đóng góp vào hoạt động kinh tế thì vàng cũng được coi là một tài sản tài chính được sử dụng trong hoạt động đầu tư. Vì vậy, giá vàng cũng chịu nhiều yếu tố tác động và cũng có thể khiến cho nhiều nhà đầu tư gặp rủi ro thua lỗ.
Nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo trong việc đầu tư vàng trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng phải chờ tới khi Chính phủ thể hiện quan điểm rõ ràng hơn sau khi sửa Nghị định 24.
Thứ nhất, trong ngắn hạn tâm lý FOMO của nhà đầu tư khi mua vàng khiến cho giá vàng bị chênh lệch giữa mua và bán rất cao, lên đến 2-3% trên giá bán mỗi lượng. Điều này khiến cho hoạt động mua bán rất khó có thể kiếm lợi nhuận, trong khi rủi ro nếu giá vàng giảm thì nhà đầu tư vàng có thể bị lỗ kép.
Thứ hai, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rộng (khoảng 10-20% trên giá mua vàng) và Chính phủ đang có xu hướng điều chỉnh lại vấn đề này có thể gây ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư đang nắm giữ vàng. Cụ thể, theo Nghị định 24, hiện nay việc sản xuất vàng miếng SJC đang là độc quyền của Nhà nước, cộng với việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng là lĩnh vực độc quyền.
Do đó, nếu Nghị định 24 được sửa đổi theo hướng Nhà nước bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, tăng hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu hoặc thêm đầu mối được nhập khẩu vàng nguyên liệu, khi đó chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước giảm, sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư đang nắm giữ vàng.
Thứ ba, giá vàng biến động rất khó lường và chịu nhiều yếu tố tác động, do đó nếu chỉ lo lắng về vấn đề xung đột địa chính trị để mua vàng thì sẽ chưa hợp lý. Cụ thể, tương quan giữa biến động giá vàng và các cuộc xung đột địa chính trị từ năm 1975 đến nay là rất yếu. Điều này có nghĩa là, giá vàng không chịu tác động nhiều bởi các cuộc xung đột địa chính trị.
Cuối cùng, một số nhà đầu tư lựa chọn vàng như một kênh trú ẩn lạm phát, điều này có vẻ hợp lý vì vàng có tính phòng lạm phát. Tuy nhiên, xu hướng lạm phát hiện nay cũng rất khó dự báo, và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều đang dự báo lạm phát sẽ giảm trong năm 2024 và 2025.
Do đó, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo trong việc đầu tư vàng trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng phải chờ tới khi Chính phủ thể hiện quan điểm rõ ràng hơn sau khi sửa Nghị định 24.
Kinh tế Sài Gòn Online