(KTSG Online) – Qua vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, một bài học lần nữa được nhắc lại, đó là nguyên tắc đầu tư và nguyên tắc quản trị rủi ro của mỗi nhà đầu tư…
(KTSG Online) – Qua vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, một bài học lần nữa được nhắc lại, đó là nguyên tắc đầu tư và nguyên tắc quản trị rủi ro của mỗi nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Sự việc cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Quyết bị cáo buộc thao túng 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, FLC, ART, “thổi giá” tăng từ 70% đến 1.700%, thu lợi bất chính cả nghìn tỉ đồng. Ngoài ra, ông Quyết còn nâng khống vốn điều lệ của Công ty Xây dựng FLC Faros, chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư(1).
Ngoài các cá nhân có hành vi giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra cũng làm rõ sai phạm của các cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu. Bản thân ông Quyết và những người liên quan tới đây sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm của mình.
Nhưng cũng có không ít nhà đầu tư đã phải trả giá đau đớn khi lạc trong cơn say với nhóm cổ phiếu thuộc “họ nhà ông Quyết”, thậm chí có người còn khuynh gia bại sản. Có thể nói, nhóm nhà đầu tư này đã đặt niềm tin “nhầm chỗ” vào nhóm cổ phiếu có quá nhiều rủi ro và nhiều vấn đề từ trước.
Không phải tới khi ông Quyết bị bắt, thị trường mới có những hoài nghi về các dấu hiệu thao túng giá đối với 5 cổ phiếu FLC, GAB, AMD, HAI và ART. Lịch sử giao dịch trong thời gian dài đã phản ánh điều đó.
Đối với cổ phiếu HAI, trong năm 2017, giá cổ phiếu đã gấp 5,5 lần trong hơn một tháng (từ tháng 7 đến tháng 8) với nhiều phiên tăng kịch trần. Tuy nhiên, cũng chỉ hơn một tháng ngay sau đó, giá cổ phiếu giảm hơn một nửa, về quanh vùng 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hay với cổ phiếu GAB, trong giai đoạn từ cuối tháng 12-2019 đến cuối tháng 3-2020, giá liên tục tăng trần, đẩy từ vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 140.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng hơn 14 lần. Trong giai đoạn từ tháng 4-2021 tới đầu năm 2022, GAB cũng biến động bất thường theo nhịp, cứ sau một phiên tăng là vài phiên giảm giá.
Tình trạng tăng sốc rồi giảm sâu, biến động giá biên độ lớn cũng diễn ra ở các cổ phiếu khác là AMD, FLC và ART. Tuy nhiên, trong những giai đoạn tăng/giảm giá bất thường đó, thanh khoản lại tăng lên rất cao, cho thấy nhóm cổ phiếu này vẫn thu hút được dòng tiền mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.
Điều bất ngờ là ngay cả giai đoạn sau khi ông Quyết bị bắt, nhiều người vẫn hỏi rằng có nên mua cổ phiếu FLC hoặc các cổ phiếu trong nhóm liên quan hay không. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư không chờ được tư vấn đã lao ngay vào “bắt đáy” với lượng mua vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đơn vị. Họ kỳ vọng sẽ có phép màu xảy ra! Nhưng thực tế đến nay, có lẽ những nhà đầu tư này đã có câu trả lời. Cũng có không ít nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn để đợi kết quả mà phải cắt lỗ từ lâu.
Thiết nghĩ, bây giờ là lúc các nhà đầu tư cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và rút ra bài học cho bản thân, bởi đầu tư chứng khoán là một hành trình còn rất dài.
Tại sao nhà đầu tư có thể biết rủi ro mà vẫn liều lĩnh đánh cược vận may để rồi mất tiền? Tại sao ai cũng đổ thừa rằng “chứng khoán là sới bạc” nhưng chính mình lại là người tham gia nhiệt tình vào cái gọi là “sới bạc” đó? Ngược lại, tại sao vẫn còn rất nhiều người đầu tư chứng khoán và vẫn có lãi?
Câu chuyện ở đây nằm ở nguyên tắc đầu tư và nguyên tắc quản trị rủi ro của mỗi nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Khi nhà đầu tư tuân thủ nguyên tắc, rủi ro nếu xảy ra thì thiệt hại cũng ở mức thấp, từ đó vẫn có thể đạt được mức lợi nhuận mong muốn.
Là một người tham gia thị trường chứng khoán nhiều năm, người viết bài này nghĩ rằng muốn đầu tư hiệu quả, điều đầu tiên các nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững mạnh và minh bạch. Doanh nghiệp cần có lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, có sự tăng trưởng qua các năm. Ngoài ra, danh mục cũng cần có sự đa dạng nhằm hạn chế rủi ro.
Thứ hai, nhà đầu tư cần trau dồi thêm kiến thức về chứng khoán để đưa ra được phương pháp đầu tư cho bản thân. Hiện nay, thị trường đang có hai trường phái là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật với các điểm mạnh, yếu khác nhau. Tùy theo khẩu vị, nhà đầu tư có thể lựa chọn phương pháp phù hợp, hoặc kết hợp, tự sáng tạo phương pháp nhằm đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất.
Cuối cùng, sau khi đưa ra được phương pháp đầu tư cho bản thân, nhà đầu tư cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc trong phương pháp đã đề ra, như nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu đầu tư, cân nhắc điểm mua điểm bán, nắm giữ cổ phiếu.
Điều quan trọng hơn hết là trong đầu tư có thắng có thua, do đó nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế vững vàng và tuân thủ nguyên tắc chốt lời cắt lỗ phù hợp. Tâm lý thông thường là khi chọn mua cổ phiếu, chúng ta thường nghĩ tới tỷ lệ lợi nhuận lên đến 20-30%, thậm chí 50% hoặc nhiều hơn, nhưng ít người tính toán mình sẽ làm gì nếu rơi vào tình trạng lỗ ở tỷ lệ tương tự.
————
(*) Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân
(1) https://tuoitre.vn/ong-trinh-van-quyet-bi-de-nghi-truy-to-vi-thao-tung-5-ma-co-phieu-tang-den-1-700-20240224092640143.htm
Kinh tế Sài Gòn Online