Ngày mai, 15-2 (mùng 6 Tết), sàn chứng khoán giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các công ty chứng khoán định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để đầu tư tích lũy. Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam…
Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nêu VN-Index đã có chuỗi tăng điểm tháng thứ 3 liên tiếp, hồi phục từ ngưỡng 1.020 điểm được thiết lập vào đầu tháng 11-2023 lên mức cao nhất là 1.187 điểm vào giữa tháng 1-2024.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 1-2024, VN-Index đóng cửa tại 1.164 điểm; khối lượng giao dịch đạt 17 tỉ cổ phiếu, tăng 10,3% so với tháng trước đó. Góp phần vào đà tăng điểm tích cực trong tháng đầu năm 2024 là nhóm cổ phiếu ngân hàng với các mã BID, CTG, MBB, ACB…
Chỉ số P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) hiện khoảng 15,5 lần; mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục và kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong năm nay là những yếu tố giúp KBSV định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung – dài hạn.
Trong tháng 2-2024, KBSV duy trì kịch bản thị trường giằng co với xu hướng phục hồi là chủ đạo nhờ kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 của doanh nghiệp khá tích cực. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng cũng là yếu tố hỗ trợ cải thiện thanh khoản thị trường và nâng đỡ chỉ số chung. Dù vẫn còn rủi ro liên quan căng thẳng địa chính trị thế giới, tỉ giá… song các yếu tố vĩ mô đang có phần hỗ trợ tâm lý đầu tư.
KBSV dự báo thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh đáng kể tại vùng cản 1.185 – 1.205 điểm và quay xuống kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh 1.145 điểm. Tuy nhiên, VN-Index cũng có thể duy trì đà tăng để bứt phá qua vùng 1.185 – 1.205 điểm, sau đó mới điều chỉnh ngắn hạn.
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính P/E toàn thị trường ở mức 13,6 lần sẽ khiến thị trường ít chịu áp lực từ khối ngoại, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu đầu ngành. Vùng dao động kỳ vọng của VN-Index trong tháng 2-2024 có thể ở 1.160 – 1.200 điểm.
Về danh mục đầu tư, KBSV khuyến nghị trong tháng 2 này, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu SSI của Công ty CP Chứng khoán SSI với giá mục tiêu 38.000 đồng nhờ hưởng lợi từ xu hướng lãi suất giảm. Kỳ vọng triển khai hệ thống giao dịch KRX và đưa vào giao dịch trong ngày (T0) cũng giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.
Một cổ phiếu “sáng giá” khác là FPT của Công ty CP FPT, có giá mục tiêu là 108.500 đồng. Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cổ phiếu FPT đã có phiên tăng điểm tích cực, đem lại kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư vào phiên mở cửa ngày mai, 15-2.
Cổ phiếu FPT được đánh giá có tiềm năng nhờ các mảng kinh doanh chính như công nghệ thông tin nước ngoài, giáo dục và đặc biệt là động lực dài hạn đến từ mảng chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, các mã triển vọng khác là GVR (giá mục tiêu 27.400 đồng/cổ phiếu), PVT (29.100 đồng/cổ phiếu), PVD (34.300 đồng/cổ phiếu), TNG (25.000 đồng/cổ phiếu), PC1 (32.600 đồng/cổ phiếu), CTD (76.200 đồng/cổ phiếu), VTP (75.000 đồng/cổ phiếu), MWG (51.600 đồng/cổ phiếu).
VDSC cho rằng trong ngắn hạn, tháng 2 này, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua – bán ở cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam và QNS của Công ty CP Đường Quảng Ngãi.
Nhận định này dựa trên dự báo giá một số loại nông sản tiếp tục hạ nhiệt, xu hướng giảm của giá sữa bột và đậu nành giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.
VDSC cũng đề xuất mua cổ phiếu LHG của Công ty CP Long Hậu trong vùng giá 31.000 – 32.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi trong quý I và cả năm 2024.
Người Lao Động