Một số tên tuổi lớn cũng đã nộp hồ sơ và được Sở Giao dịch chấp thuận giao dịch, “chờ” ấn định ngày chào sàn. Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đón chào một số doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Thống kê tới thời điểm hiện…
Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đón chào một số doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Thống kê tới thời điểm hiện tại, 6 cổ phiếu sẽ chào sàn dịp đầu năm, trong đó 1 cổ phiếu niêm yết HOSE còn lại là đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Sớm nhất, gần 9 triệu cổ phiếu NEM của Công ty Thiết bị điện Miền Bắc sẽ lên sàn UPCOM trong phiên 5/1 với giá tham chiếu 10.200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt hơn 88 tỷ đồng. NEM có tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Sản xuất thiết bị điện Miền Bắc được thành lập năm 2004. Tới năm 2016, công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Ngày 5/12/2023, cổ đông lớn Tổng Công ty điện lực Miền Bắc (EVNNPC) nắm giữ hơn 2,3 triệu cổ phiếu tương ứng 26,26% vốn đã thoái vốn thành công qua phương thức bán đấu giá công khai cổ phiếu NEM tại HNX với giá 12.200 đồng/cp.
Hiện, ba cổ đông lớn nắm hơn 88% vốn NEM, gồm Tổng giám đốc NEM Trần Thị Thu Thủy là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu (35,98% vốn), cùng 2 cá nhân và bà Vũ Thị Thư nắm 2,3 triệu cổ phiếu (26,04% vốn) và bà Nguyễn Thị Phương nắm 2,3 triệu cổ phiếu (26,26% vốn).
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, doanh thu của NEM đạt 25 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế hơn 560 triệu đồng, giảm 86% so với thực hiện năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của NEM đạt hơn 15 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 344 triệu đồng. Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 30/9/2023 đạt 91 tỷ.
Tới phiên 8/1, hơn 8 triệu cổ phiếu KTW của Cấp nước Kon Tum và hơn 5 triệu cổ phiếu D17 của Đồng Tân cũng sẽ lên giao dịch trên UPCoM. Cụ thể hơn, Cấp nước Kon Tum đăng ký giao dịch toàn bộ 8,33 triệu cổ phiếu KTW với giá tham chiếu 10.900 đồng/cổ phiếu. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là khai thác, xử lý và cung cấp nước.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần cả năm 2022 của KTW đạt 32 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7 tỷ đồng, lần lượt đi ngang và tăng 97% so với thực hiện năm 2021. Sang tới 9 tháng đầu năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần gần 29 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 7 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm đã đề ra.
Công ty Đồng Tân cũng sẽ đưa hơn 5 triệu cổ phiếu D17 lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa công ty đạt 116 tỷ đồng. Hiện Đồng Tân hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình giao thông cầu đường, san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà.
Theo tìm hiểu Đồng Tân (tiền thân là công ty TNHH MTV Đồng Tân) được thành lập theo Quyết định số 556/QĐ-QP ngày 11/8/1993 của Bộ trưởng Quốc phòng. Doanh nghiệp này có ngành nghề ban đầu chủ yếu là trồng cây công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ. Ngày 23/7/2017, Bộ Quốc phòng ra Quyết định của số 2908/QĐ-BQP về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Đồng Tân thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải/Quân khu 7 thành công ty cổ phần.
Hiện nay, công ty TNHH MTV Đông Hải – một công ty thuộc Bộ Quốc Phòng đang là cổ đông lớn nhất của Đồng Tân khi nắm giữ 45% vốn. Công ty TNHH Xăng dầu tân Phong và công ty TNHH MTV Xây dựng Ngọc Hạnh – hai doanh nghiệp có cùng một người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Minh Ngọc cùng đang sở hữu 22,1% vốn.
Về kết quả kinh doanh, hàng năm công ty này vẫn đều đặn mang về hàng trăm tỷ đồng doanh thu và hàng chục tỷ đồng lợi nhuận. Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Đồng Tân ở mức khá cao, khoảng 40%-50%.
Năm 2023, Đồng Tân ước đạt 71 tỷ đồng doanh thu và gần 19 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành lần lượt 60% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay. Tổng tài sản của D17 tại thời điểm 30/6/2023 đạt 176 tỷ đồng và không ghi nhận nợ vay tài chính.
CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) cũng gây chú ý khi được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên Upcom với 297 triệu cổ phiếu mã TAL.
Taseco Land là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng, cao gấp gần 500 lần so với thời điểm thành lập năm 2009. Hiện Tập đoàn Taseco nắm hơn 215 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 72,49% vốn).
Cái tên “xông đất” HoSE năm 2024 là một doanh nghiệp thuỷ điện. Theo đó vào phiên 12/1, hơn 235 triệu cổ phiếu HNA của CTCP Thủy điện Hủa Na sẽ niêm yết mới trên HoSE, trước đó cổ phiếu HNA đã giao dịch trên UPCoM từ năm 2017.
Được biết, Thủy điện Hủa Na được thành lập bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào năm 2007 với số vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng, hiện hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng.
Tình hình kinh doanh của Hủa Na phụ thuộc lớn vào tình hình thủy văn. Năm 2022, điều kiện thủy văn trên lưu vực hồ thủy điện Hủa Na thuận lợi giúp doanh thu của HNA đạt 1.176 tỷ đồng và LNST 583 tỷ, gấp hơn 4 lần lợi nhuận năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức rất cao là 60%, gần gấp đôi so với năm trước.
Sang năm 2023, tình hình thuỷ văn không thuận lợi, doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 521 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 152 tỷ đồng, giảm 63% so với thực hiện trong cùng kỳ năm trước nhưng đã hoàn thành 99% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho cả năm 2023.
Trong một chia sẻ gần đây với nhà đầu tư, lãnh đạo HNA ước tính sẽ ghi nhận 755 tỷ đồng doanh thu và 217 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023, vượt xa kế hoạch. Công ty cho biết đang có kế hoạch tìm kiếm các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ tại Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Nguyên, đồng thời nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời.
Một số tên tuổi đã được chấp thuận niêm yết, “chờ” ngày chào sàn
Một số công ty khác đã nộp hồ sơ và được Sở Giao dịch chấp thuận giao dịch. Cụ thể, hơn 1 tỷ cổ phiếu NAB của Ngân hàng Nam Á cũng được HOSE chấp thuận niêm yết, thuộc diện chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang. Chốt phiên 2/1, thị giá NAB đạt 15.800 đồng/cổ phiếu, tăng 135% từ đầu năm 2023.
Tới cuối năm 2023, nhóm chứng khoán đón nhận thông tin mã T CI của Chứng khoán Thành Công được HoSE chấp thuận niêm yết gần 101 triệu cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu TCI cũng đang giao dịch trên UPCoM.
Năm 2023 là năm tương đối thành công với TCI khi thị giá tăng gần 96% so với đầu năm 2023, vốn hóa tương ứng gần 1.400 tỷ đồng, tăng hơn 730 tỷ sau một năm. Tại thời điểm 30/9/2023, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital nắm 55,3 triệu cổ phiếu TCI tương ứng 54,79% vốn; theo sau là Công ty TNHH Sài Gòn 3 Jean sở hữu 3 triệu cổ phiếu tương ứng 2,97% vốn.
Trước đó, HoSE cũng vừa ban hành quyết định chấp thuận niêm yết gần 122 triệu cổ phiếu Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã VTP).
Dự kiến, thời gian chính thức giao dịch của cổ phiếu VTP trên HOSE sẽ diễn ra trong tháng 2 – 3/2024. Việc chuyển sàn thành công sẽ góp phần giúp Viettel Post củng cố danh tiếng, thuận lợi hơn trong hoạt động huy động vốn để phát triển kinh doanh.
Hiện Viettel Post có vốn điều lệ gần 1.218 tỷ đồng, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Cổ phiếu VTP giao dịch tại UPCoM với giá đóng cửa phiên 2/1/2024 là 58.300 đồng/cp.
Doanh thu ước tính năm 2023 của VTP tăng 30%, lợi nhuận năm dự kiến tăng 47% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng rất lớn so với mức tăng trưởng trung bình của ngành của năm 2023, dự báo chỉ ở mức khoảng 10%.
Nhịp Sống Thị Trường