(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước với diễn biến đi ngang, kèm thanh khoản khá ảm đạm – trung bình dưới 11.000 tỉ đồng/phiên. Thông tin Quốc hội đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp…
(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước với diễn biến đi ngang, kèm thanh khoản khá ảm đạm – trung bình dưới 11.000 tỉ đồng/phiên. Thông tin Quốc hội đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường vào tháng 1-2024 đã khiến cổ phiếu ngành bất động sản diễn biến tiêu cực. Ngược lại, cổ phiếu bán lẻ hồi phục mạnh, dẫn đầu là MWG với đà tăng 4,31% khi khối ngoại mua ròng mạnh hơn 15 triệu cổ phiếu.
Trong bối cảnh thị trường trồi sụt mạnh, khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi bán ròng mạnh tuần thứ 7 liên tiếp. Lũy kế năm phiên giao dịch từ 18 đến 22-12-2023, khối ngoại bán ròng tổng cộng 2.681 tỉ đồng trên toàn thị trường. Tính chung từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đã xấp xỉ ngưỡng 23.000 tỉ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng hơn 25.000 tỉ đồng trên sàn HOSE.
Dù về tổng thể khối ngoại đang bán ròng rất mạnh nhưng vẫn có một điểm sáng đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Thống kê cho thấy quỹ này đã hút ròng liên tục trong tám phiên gần nhất, từ ngày 13 đến 22-12-2023 khi phát hành tổng cộng 35 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 12,5 triệu đô la Mỹ (khoảng 306 tỉ đồng) và toàn bộ đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
Trong quãng hút ròng trở lại, quỹ này đã mua ròng thêm toàn bộ cổ phiếu trong danh mục, trong đó tập trung mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu VND, gần 6,2 triệu cổ phiếu SHB, 327.000 cổ phiếu HPG… Hiện HPG là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ này với 10,78%, xếp tiếp theo lần lượt là VNM (9,13%), VCB (8,6%), VHM (8,58%), VIC (8,4%)…
Tính chung từ đầu năm 2023 tới nay, tổng giá trị dòng vốn vào Fubon FTSE Vietnam ETF khoảng 68,4 triệu đô la Mỹ (khoảng 1.700 tỉ đồng). Tại cuối ngày 22-12-2023, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF đạt khoảng 818 triệu đô la Mỹ, tương đương 19.830 tỉ đồng, tiếp tục là quỹ ETF có quy mô lớn nhất trên TTCK Việt Nam.
Trên TTCK Mỹ, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận tuần tăng điểm tích cực thứ 8 liên tiếp, một kỷ lục từ năm 2017 với S&P 500 và từ năm 2019 với Dow Jones. Cụ thể, chỉ số S&P 500 đã tăng 0,8% trong tuần qua, trong khi Dow Jones tiến thêm 0,2% còn Nasdaq Composite tăng mạnh 1,2%.
Trong tuần qua, tại Mỹ, một thông tin kinh tế quan trọng được công bố là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi trong tháng 11 chỉ tăng 3,2% so với một năm trước (trước đó, chỉ số này được dự báo tăng 3,4%). Nhìn chung, sự phục hồi của chứng khoán Mỹ gần đây được ủng hộ bởi xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ cũng như các nhà giao dịch ngày càng tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất.
Vào ngày 22-12, chỉ số của cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã tăng 0,8%, ghi nhận tuần tích cực thứ 6 liên tiếp. Ngày 22-12 cũng đánh dấu cho sự khởi đầu của đợt tăng giá “Santa Rally” (thuật ngữ chỉ việc chứng khoán Mỹ thường tăng giá trong năm ngày giao dịch cuối cùng của năm và hai ngày đầu năm mới).
Trong lịch sử, “Santa Rally” diễn ra trong 80% các năm. Chỉ 2 trong số 10 năm qua ghi nhận chỉ số S&P 500 sụt giảm trong thời gian này. Tính trung bình kể từ năm 1950 đến nay, cổ phiếu tại Mỹ đã tăng 1,3% trong “Santa Rally”.
Với TTCK Việt Nam, xu hướng giao dịch trầm lắng nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023. Động thái giảm bán ròng của khối ngoại là điều có thể được kỳ vọng. Tuy vậy, sự quyết liệt của dòng tiền mua lên trong nước sẽ vẫn là ẩn số khi bối cảnh vĩ mô hiện chưa thật sự có nhiều điểm đột phá.
Thời điểm cuối năm là lúc phù hợp để các nhà đầu tư tổng kết lại năm cũ và lên chiến lược, tìm kiếm các nhóm cổ phiếu tiềm năng cho năm mới. Các nhóm ngành như: thép, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dầu khí, đầu tư công đang được coi là ứng cử viên sáng giá cho các hoạt động tích lũy cho danh mục trung và dài hạn.
Trong khi đó, với các vị thế lướt sóng ngắn hạn, việc chờ đợi dòng tiền có sự xác nhận rõ ràng là điều rất cần thiết! Chừng nào khung dao động từ 1.075-1.130 điểm của VN-Index chưa được phá vỡ thì chừng đó việc giao dịch vẫn nên linh hoạt ở cả hai chiều mua/bán và chỉ giới hạn trong tỷ trọng nhỏ.
Khi dòng tiền chưa sẵn sàng, việc xác định sai thời điểm sẽ khiến các giao dịch ngắn hạn rất dễ rơi vào trạng thái mất kiên nhẫn, từ đó có thể dẫn đến các quyết định mua/bán không thật sự có lợi cho nhà đầu tư.
Kinh tế Sài Gòn Online