Tính đến hết ngày 23/11, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,4 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 520 nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh ngắn hạn giữa tháng 9. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm phiên giao dịch 23/11 đáng thất vọng với…
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm phiên giao dịch 23/11 đáng thất vọng với việc Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Lực bán bất ngờ dâng cao từ giữa phiên chiều khiến chỉ số chính quay đầu giảm sâu, chốt phiên mất hơn 25 điểm (-2,27%), một lần nữa thủng mốc 1.100 điểm. Sàn HoSE ghi nhận 397 cổ phiếu giảm trong đó 30 mã giảm sàn, áp đảo với 109 mã tăng.
Điểm đáng chú ý là việc thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE khoảng 18.000 tỷ đồng, cao hơn vài phiên liền trước cho thấy áp lực bán có phần chủ động.
Mức giảm trên 2% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất châu Á trong ngày. Phiên giảm mạnh cũng đã “thổi bay” gần 102.000 tỷ đồng (~ 4,2 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 23/11, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,4 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 520 nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh ngắn hạn giữa tháng 9.
Xét về mức độ đóng góp, hai bluechips ngành thép và ngân hàng – HPG và VCB đã trở thành “tội đồ” lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tổng cộng gần 4 điểm, trong đó HPG giảm 5% xuống 25.850 đồng/cp trong khi VCB mất 1,4% về mức giá 85.500 đồng/cổ phiếu.
Chưa dừng lại, GAS tiếp tục là nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lấy đi hơn 1,1 điểm của VN-Index với mức giảm 2,5% trong phiên hôm nay. Tương tự, SAB và MWG cũng lấy đi gần 2 điểm của chỉ số chính, jai ông lớn đầu ngành F&B và bán lẻ này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi SAB mất gần 5% thì MWG cũng giảm sát sàn 6,3%.
Việc những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại đồng loạt giảm biên độ mạnh cho thấy mức độ tiêu cực của phiên giao dịch hôm nay. Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như nhóm ngân hàng VPB, BID, ACB, TCB, CTG hay các bluechips rổ VN30 như FPT, VIC…
Thực tế, kể từ đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái sideway down với những phiên hồi phục nhẹ sau đó là nhịp điều chỉnh mạnh. Biên độ giảm lớn hơn đáng kể so với những phiên tăng trong bối cảnh dòng tiền chưa thực sự sẵn sàng trở lại thị trường. Bức tranh kết quả kinh doanh là điểm trừ khi tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 vừa qua tiếp tục ghi nhận giảm, khác với những dự báo tăng trưởng trở lại của giới đầu tư.
Thêm vào đó, lực đỡ từ khối ngoại cũng không còn, nhà đầu tư nước ngoài đã miệt mài bán ròng hơn 6.300 tỷ đồng trên HOSE trong vòng ba tháng qua. Yếu tố cản trở dòng vốn ngoại có thể xuất phát từ mức định giá thị trường không còn quá rẻ, bên cạnh đó câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn gặp cản trở. Diễn biến tỷ giá leo thang cũng một phần tác động tới dòng tiền đầu tư rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.
Trong một chia sẻ gần đây, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup đánh giá mặt bằng định giá cao đang là yếu tố gây thách thức với thị trường chứng khoán. Theo đó, định giá P/E hiện ở mức 13,1 lần – thấp hơn trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và nhiều nhận định cho rằng định giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vị chuyên gia của FiinGroup cho rằng nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường.
“Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay. Nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá và điều này cho thấy câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu ở thời điểm hiện tại”, bà Vân nhận định.
Chuyên gia của FiinGroup cho rằng VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp niêm yết phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở phía trước. Chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên mới có thể giúp nhà đầu tư tránh việc mua cổ phiếu giá cao quá đà.
Dù vậy, vĩ mô ổn định và sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam mở ra triển vọng hồi phục cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital dự phóng tăng trưởng lợi nhuận EPS sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2023 và tăng 20% trong năm 2024 sau khi nền kinh tế đã bớt khó khăn. Theo quan điểm của VinaCapital, điểm mấu chốt là tất cả các yếu tố tiêu cực nhất lúc này đã hoặc đang giảm bớt và triển vọng hồi phục của TTCK Việt Nam trong những tháng tới được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận phục hồi, nền kinh tế phục hồi và định giá rẻ của thị trường.
Nhịp Sống Thị Trường