Thị trường chứng khoán trong nước phiên cuối tháng 10 (ngày 31-10) tiếp tục duy trì trạng thái kém tích cực. Một lần nữa, áp lực bán lại gia tăng vào cuối phiên chiều, VN-Index sau 14 giờ mất tới hơn 20 điểm trước khi thu hẹp mức giảm còn…
Một lần nữa, áp lực bán lại gia tăng vào cuối phiên chiều, VN-Index sau 14 giờ mất tới hơn 20 điểm trước khi thu hẹp mức giảm còn 14,21 điểm (-1,36%) và chốt tại 1.028,19 điểm nhờ lực mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index và Upcom-Index giảm lần lượt 2,45% và 1,64%.
Tính chung cả tháng 10, chỉ số chính của thị trường Việt Nam mất hơn 125 điểm (-10,91%), đánh dấu tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu trên sàn sụt giảm 20%-30% giá trị. Nhà đầu tư chuyển biến liên tục từ kỳ vọng sang thất vọng rồi chán nản vì thua lỗ khi các mốc hỗ trợ của thị trường liên tục bị phá vỡ. VN-Index trở lại mốc xuất phát kể từ cuối tháng 10 năm ngoái tại 1.027,9 điểm.
Ông Võ Kim Phụng, Phó trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BETA, cho rằng thị trường đang trong xu hướng giảm điểm suốt 2 tháng qua sau khi VN-Index rời khỏi vùng đỉnh 1.250 điểm. “Đặc biệt, một số phiên gần đây thị trường liên tục bị bán mạnh trong phiên ATC khiến nhà đầu tư lo lắng. Điều quan trọng nhất lúc này là thị trường phải tìm được điểm cân bằng để nhà đầu tư bớt dè dặt và thu hút dòng tiền trở lại” – ông Phụng nêu ý kiến.
Liên quan tới những dấu hiệu bất thường của thị trường trong phiên ATC, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết dù không có bằng chứng cụ thể nhưng qua diễn biến của thị trường có thể thấy đã có một số lệnh bán lớn và chủ động vào phiên ATC khiến giá hàng loạt cổ phiếu sụt giảm, thậm chí giảm kịch sàn. “Một số nhà đầu tư bắt đầu bị bán giải chấp cổ phiếu trong vài phiên vừa qua trong khi lực cầu mua vào không đủ đối ứng cũng làm thị trường khó phục hồi” – ông Phương nói.
Phân tích những yếu tố tiêu cực tác động tới thị trường, chuyên gia của KIS Việt Nam cho biết nhà đầu tư đang quan ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để kiểm soát lạm phát. Dòng tiền trên thế giới có dấu hiệu rút khỏi thị trường mới nổi và cận biên chuyển về Mỹ. Ở trong nước, tỉ giá USD/VNĐ chịu áp lực tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp, lãi suất liên ngân hàng tăng khi cơ quan quản lý rút tiền về qua kênh tín phiếu cũng khiến tâm lý nhà đầu tư lo lắng, dù thực tế giải pháp này là phù hợp. “Ở chiều ngược lại, với định giá P/E của VN-Index hiện đạt khoảng 11 lần, dù chưa phải vùng đáy nhưng có thể xem là vùng tương đối hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Các chính sách tích cực trong nước tiếp tục được duy trì cũng có thể xem là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán” – ông Trương Hiền Phương nói.
Người lao động