Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu lương thực!

(KTSG) – Với kỳ vọng bức tranh xuất khẩu tiếp tục sáng, giá bán gạo tăng trong khi chi phí đầu vào và chi phí vốn vay giảm, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp ngành gạo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi xem xét…

Fatz Admin lúc 2023-07-28

(KTSG) – Với kỳ vọng bức tranh xuất khẩu tiếp tục sáng, giá bán gạo tăng trong khi chi phí đầu vào và chi phí vốn vay giảm, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp ngành gạo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi xem xét danh mục cho nửa cuối năm 2023.

Cổ phiếu nhóm ngành nông nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: N.K

Giá lương thực thế giới phục hồi

Cổ phiếu nhóm ngành nông nghiệp đang cho thấy đà hồi phục mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Việc giá lương thực toàn cầu duy trì ở mức cao kể từ những tháng đầu năm 2023 được cho là yếu tố chính giúp cho cổ phiếu nhóm ngành này đi lên, bất chấp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quí đầu năm không hoàn toàn tích cực. Cụ thể, doanh thu của 27 công ty niêm yết trong lĩnh vực nông nghiệp trong quí 1-2023 giảm 29% so với quí trước, do xu hướng giảm cả về sản lượng trồng trọt lẫn thức ăn chăn nuôi.

QUẢNG CÁO

Biên lợi nhuận gộp của các công ty nông nghiệp cũng giảm từ 15,9% trong quí 1-2022 xuống còn 11,4% trong quí 1-2023, do các chi phí đầu vào như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cao. Mặc dù vậy, kỳ vọng điểm xấu nhất trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp đã qua. Xu hướng hồi phục của giá lương thực toàn cầu và mặt bằng lãi suất trong nước cũng như các loại chi phí đầu vào giảm đang là những “chất xúc tác” để kỳ vọng các doanh nghiệp nhóm ngành lương thực sẽ dần khởi sắc trong thời gian tới.

Trong bối cảnh dòng tiền đang xoay chuyển không ngừng giữa các nhóm ngành trên sàn chứng khoán như hiện tại thì việc tìm ra những nhóm cổ phiếu tiềm năng có triển vọng phục hồi và luồng thông tin hỗ trợ như cổ phiếu lương thực sẽ luôn là ưu tiên đối với các nhà đầu tư ngắn hạn.

Điển hình trong số này là nhóm doanh nghiệp sản xuất gạo. Xét ở khía cạnh vĩ mô thì gạo thuộc nhóm xuất khẩu tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023 với kim ngạch ước tính đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam diễn ra sôi động nhờ nhu cầu tăng cao trên thế giới, nhất là tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia…

Trong khi đó, sản lượng gạo của các đối thủ cạnh tranh với gạo Việt Nam như Ấn Độ và Thái Lan đang bị ảnh hưởng bởi El Nino nên năng suất giảm. Đáng chú ý, giá bán gạo của Việt Nam cũng cao hơn so với Thái Lan và Ấn Độ. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tháng 6-2023 đạt khoảng 498 đô la/tấn, trong khi của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 đô la/tấn và 453 đô la/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam ghi nhận mức giá 478 đô la/tấn, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10 đô la/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 50 đô la/tấn. Những ngày đầu tháng 7-2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, đạt khoảng 508 đô la/tấn loại 5% tấm và 488 đô la/tấn loại 25% tấm.

Nhìn chung, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội khi thời tiết nắng nóng và khô hạn do El Nino tại nhiều nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực làm gia tăng lo ngại về nguồn cung gạo trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng. Trong báo cáo tháng 6-2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 lên 512,5 triệu tấn, tăng 4,1 triệu tấn so với dự báo trước đó, nhưng vẫn thấp hơn 1,34 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022. Về nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu, niên vụ 2022-2023 tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022, lên mức kỷ lục 521,4 triệu tấn. USDA cũng dự báo, năm 2023, Việt Nam tiếp tục đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo với khối lượng 7,2 triệu tấn, tăng so với mức 7,05 triệu tấn của năm 2022.

Tự tin với kế hoạch tăng trưởng

Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên sàn chứng khoán đều lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho năm 2023.

Điển hình như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm An Giang (AFX) đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 2.558 tỉ đồng, lợi nhuận 36,9 tỉ đồng, lần lượt tăng 52,9% và 29% so với mức thực hiện của năm 2022.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho công ty này xuất khẩu gạo vào thị trường EU. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giúp nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng. Đây là hai thị trường xuất khẩu chính của Lộc Trời. Theo đó, mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Lộc Trời trong năm 2023, nhất là khi có thành viên mới là Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, giúp gia tăng công suất. Ước tính năm 2023, Lộc Trời có thể đạt 14.028 tỉ đồng doanh thu và 465,8 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 13% so với năm 2022.

Với Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR), hoạt động xuất khẩu gạo chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. Dự phóng năm 2023, Trung An đạt doanh thu 3.994 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 80 tỉ đồng, tăng lần lượt 5,2% và 13,9% so với năm 2022. Trung An cho biết, trong năm nay, công ty sẽ đầu tư cải tiến máy móc, đầu tư sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo chất lượng gạo xanh, sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.

Còn với Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), mục tiêu doanh thu trong năm nay là 15.156 tỉ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế là 402 tỉ đồng, tăng 10,7% so với mức thực hiện của năm ngoái. Riêng mảng nông nghiệp, Tập đoàn PAN dự kiến doanh thu và lợi nhuận tăng 10-15% do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao, tạo thuận lợi cho sản xuất – kinh doanh giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật.

Với kỳ vọng bức tranh xuất khẩu tiếp tục sáng, giá bán gạo tăng trong khi chi phí đầu vào và chi phí vốn vay giảm, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp ngành gạo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi xem xét danh mục cho nửa cuối năm 2023. Các cổ phiếu như PAN, LTG, AFX… đều đã tăng trên 30% trong vòng hai tháng trở lại đây. Trong bối cảnh dòng tiền đang xoay chuyển không ngừng giữa các nhóm ngành trên sàn chứng khoán như hiện tại thì việc tìm ra những nhóm cổ phiếu tiềm năng có triển vọng phục hồi và luồng thông tin hỗ trợ như cổ phiếu lương thực sẽ luôn là ưu tiên đối với các nhà đầu tư ngắn hạn.

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.