Đây là nhận định mà ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT CTCK SBS đưa ra tại toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” diễn ra ngày 19/5. Từ năm 2021 đến…
Từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Phan Quốc Huỳnh, bức tranh thị trường chứng khoán bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen và mảng tối dường như chiếm ưu thế.
Thực tế sau 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nguyên nhân sâu xa đến từ cả sự chủ quan, lẫn khách quan.
“Về nguyên nhân, tôi cho rằng trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự “thanh lọc” là khó tránh khỏi”, ông Phan Quốc Huỳnh khẳng định.
Bên cạnh đó, với một thị trường chứng khoán non trẻ hơn 20 năm tuổi, ông Huỳnh cho rằng phải chấp nhận có những bước đi “chập chững” trước khi hoàn thiện bản thân, tìm đến sự bứt phá dài hơi…
Thời gian vừa qua, những câu chuyện xử lý sai phạm xảy ra cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc thực hiện quyết liệt các biện pháp thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán, để đây thực sự là kênh huy động vốn hiệu quả, là nơi để doanh nghiệp gọi vốn và phát triển lâu dài, bền vững.
“Các sự kiện “thanh lọc” có thể sẽ tiếp diễn và chúng ta sẵn sàng chấp nhận quá trình phẫu thuật để sàng lọc, tinh chỉnh thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Huỳnh cho biết.
Hiện, thanh khoản thị trường chứng khoán còn thấp, là hệ quả sau thời kỳ dịch bệnh, suy thoái thẩm thấu vào nền kinh tế. Việt Nam là nền kinh tế hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, vì vậy khi các quốc gia lớn như Anh, Mỹ… xảy ra tình trạng lạm phát lên đến 10% thì chúng ta cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành thời gian vừa qua, nhờ các chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá kịp thời, hiệu quả nên chúng ta đã cơ bản kiểm soát được lạm phát, tỷ giá hối đoái duy trì ở mức cân bằng.
Các biện pháp miễn giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT và nhiều đợt giảm lãi suất đã từng bước hỗ trợ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều rất tích cực, bởi doanh nghiệp là đơn vị cung cấp hàng hóa ra “chợ” mà gặp khó khăn, thì thị trường chứng khoán làm sao có thể phát triển được?
Kết quả đã thể hiện khá rõ trên thị trường chứng khoán. Thị trường đang ngày càng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản có phiên lên đến 19.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại. VN-Index từ vùng thấp chỉ 900 điểm, nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần.
“Nếu chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá đi đúng hướng, thị trường sẽ cho chúng ta thấy kết quả tốt đẹp, có thể lên 1.300 – 1.400 điểm”, ông Huỳnh nói.
Về câu chuyện thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng hóa, niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường, ông Huỳnh cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung.
Thị trường tài chính tiền tệ