(KTSG) – Nhìn lại cuộc bể dâu của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua, đã đến lúc cần bàn sâu hơn về trách nhiệm dân sự của các công ty kiểm toán nói riêng, các tổ chức trung gian nói chung đối với nhà đầu tư và các…
(KTSG) – Nhìn lại cuộc bể dâu của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua, đã đến lúc cần bàn sâu hơn về trách nhiệm dân sự của các công ty kiểm toán nói riêng, các tổ chức trung gian nói chung đối với nhà đầu tư và các bên có liên quan…
Khi “người gác cổng” cũng sai phạm
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị phát hiện và đang lần lượt bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Trong khi nhà đầu tư chịu thiệt hại đang mong ngóng được bồi thường từ những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sai phạm thì thực tế cho thấy, để nhận được bồi thường, phải chờ đợi rất lâu và phải trải qua quy trình tố tụng phức tạp. Chưa kể, vì nhiều lý do, chủ thể thực hiện hành vi sai phạm thường rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính dẫn đến không còn hoặc không đủ tiền để bù đắp thiệt hại.
Đồng thời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ yếu chỉ đặt ra đối với công ty hoặc những cá nhân trực tiếp thực hiện sai phạm mà hiếm khi đề cập đến trách nhiệm liên đới của các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán, điển hình như các công ty kiểm toán.
Quan sát những vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, có thể thấy một trong những thủ đoạn khá phổ biến là gian lận số liệu tài chính để huy động vốn, niêm yết, thao túng giá cổ phiếu…, với mục đích trục lợi bất chính, thậm chí lừa đảo. Những báo cáo tài chính sai lệch, có nhiều dấu hiệu bất thường lần lượt lộ diện với những những con số tài chính “nhảy múa” đã làm tổn hại nghiêm trọng đến tính minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của nhà đầu tư.
Rõ ràng, doanh nghiệp và những người có liên quan trong việc lập những báo cáo tài chính gian lận phải chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư. Thế nhưng, công ty kiểm toán cũng không thể vô can khi cố ý hoặc cẩu thả đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, khẳng định doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về chế độ kế toán và không đưa ra ý kiến ngoại trừ phù hợp đối với những báo cáo tài chính này.
Bởi lẽ công việc chính của kiểm toán là kiểm tra và đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. Ý kiến này là một trong những cơ sở tham chiếu quan trọng để các cổ đông, nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư. Trên thị trường chứng khoán, công ty kiểm toán và kiểm toán viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch về thông tin và quyền được biết (right to know) – một trong những quyền cơ bản của nhà đầu tư.
Trách nhiệm bồi thường?
Nghiên cứu pháp luật nhiều nước, chúng tôi nhận thấy điểm chung đó là trách nhiệm pháp lý khá nghiêm ngặt đối với hoạt động của công ty kiểm toán và kiểm toán viên, như trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trong và ngoài hợp đồng) cũng được xem xét một cách cẩn trọng để các chủ thể sử dụng báo cáo kiểm toán (bên thứ ba) có thể tìm kiếm sự bù đắp những thiệt hại gây ra bởi những sai phạm của công ty kiểm toán nhưng cũng không gây nên những gánh nặng vô lý cho đối tượng này.
Đơn cử như tại Trung Quốc, điều 163 Luật Chứng khoán 1998 (sửa đổi năm 2004, 2005, 2013, 2014, 2019) quy định, trừ trường hợp chứng minh được mình không có lỗi, tổ chức cung ứng dịch vụ chuẩn bị và phát hành các tài liệu như báo cáo kiểm toán, báo cáo thẩm định tài sản, báo cáo tư vấn tài chính, báo cáo xếp hạng tín nhiệm hoặc ý kiến pháp lý cho việc chào bán, niêm yết, giao dịch chứng khoán và các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác phải chịu trách nhiệm chung và liên đới (Joint and Several Liability) với công ty niêm yết trong trường hợp tài liệu do mình soạn thảo và ban hành có bất kỳ yếu tố sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thiếu sót quan trọng nào, dẫn đến thiệt hại cho bất kỳ người nào khác.
Như vậy, ngoài việc buộc doanh nghiệp và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm, điều 163 nói trên đã cung cấp vũ khí cuối cùng cho các nhà đầu tư khi buộc công ty kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới và bồi thường thiệt hại kể cả khi chưa có đủ căn cứ khởi kiện trực tiếp tổ chức phát hành. Quy định này đã cung cấp thêm cho các nhà đầu tư sự lựa chọn khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại, đặc biệt là trong trường hợp các công ty niêm yết gặp vấn đề về pháp lý, tài chính.
Trên thực tế, tình trạng các công ty kiểm toán tắc trách trong hoạt động nghề nghiệp hoặc tiếp tay với tổ chức phát hành làm giả mạo số liệu, tài liệu để đánh lừa các nhà đầu tư không quá mới mẻ tại Trung Quốc, nên quy định nói trên cũng được các nhà đầu tư tận dụng thường xuyên.
Điển hình như vụ việc một cổ đông của Kelong Dianqi Ltd (Kelong) kiện Công ty Kiểm toán Deqing Huayong (DHAF) vào năm 2006, dựa trên bằng chứng giám đốc điều hành của Kelong đã chỉ đạo kế toán giả mạo số liệu của công ty nhằm gây ấn tượng tốt với các nhà đầu tư tiềm năng. Vì sợ mất một khách hàng tốt nên DHAF đã ngó lơ những số liệu sai sự thật này và phát hành một báo cáo kiểm toán tiêu chuẩn mà không có ý kiến ngoại trừ nào về báo cáo tài chính năm 2003 của Kelong.
Cùng với sự tiếp tay của DHAF, Kelong tiếp tục việc bịa đặt các số liệu trong thời gian dài sau đó, góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ của công ty này vào năm 2005. Ở vụ việc này, DHAF bị yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại và gánh chịu toàn bộ chi phí tố tụng. Số tiền bồi thường được xác định theo chi phí và thời gian mua cổ phiếu Kelong của nguyên đơn.
Cần lưu ý là tại thời điểm đó, Kelong đang vướng vào hàng loạt cáo buộc hành chính và hình sự, khiến các nhà đầu tư đứng trước một vụ kiện dài hơi, phức tạp để đòi Kelong bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, do quyết định xử phạt hành chính đối với Kelong vẫn chưa được công bố, cũng không có tài liệu phán quyết hình sự liên quan từ tòa án nên việc kiện trực tiếp Kelong khi đó cũng không có nhiều triển vọng.
Tiếp nối vụ kiện, DHAF tiếp tục trở thành bị đơn cùng Kelong trong các vụ kiện của hơn 200 nhà đầu tư với số tiền yêu cầu bồi thường lên tới hơn 28 triệu nhân dân tệ.
Tương tự, năm 2007, Long Jinwen (một nhà đầu tư cá nhân) cũng đã khởi kiện Công ty Kiểm toán Zhonghuan (ZAF) đòi bồi thường thiệt hại với lập luận vì bị ấn tượng bởi số liệu trong báo cáo thường niên của Công ty Jinglun đã được kiểm toán bởi ZAF nên mới mua 1.000 cổ phiếu của công ty này. Tuy nhiên, sau khi tự mình nghiên cứu và phát hiện lỗi trong báo cáo kiểm toán, ông cho rằng Jinglun lẽ ra phải trong tình trạng chịu lỗ nặng thay vì thu được lợi nhuận khổng lồ như trong báo cáo. Tại tòa, bị đơn ZAF lập luận rằng nguyên đơn là dân nghiệp dư, không có kiến thức và kinh nghiệm về kế toán và do đó không có tư cách chỉ trích báo cáo tài chính thường niên của Jinglun. Cuối cùng, tòa đã tuyên ZAF và Jinglun phải cùng nhau bồi thường cho nguyên đơn số tiền thiệt hại là 3.052,94 nhân dân tệ và toàn bộ chi phí tố tụng.
Thực tiễn xét xử tại Trung Quốc cho thấy, lỗi và mối quan hệ nhân quả là hai yếu tố quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong đó, yếu tố lỗi được xác định dựa trên việc công ty kiểm toán có thực hiện công việc của mình cẩn trọng và trung thực hay không, có vi phạm các chuẩn mực hành nghề và tiêu chuẩn nghề nghiệp không. Còn mối quan hệ nhân quả lại cần phải đi sâu tìm hiểu các tình tiết cụ thể của vụ việc bởi đặc thù của việc xác định lý do thua lỗ của nhà đầu tư trong giao dịch chứng khoán khá phức tạp. Thông thường, dựa vào lý thuyết gian lận thị trường (Fraud-on-the-market Theory) và các hướng dẫn của tòa án tối cao, quan hệ nhân quả có thể được giả định để giảm bớt nghĩa vụ chứng minh của các nhà đầu tư.
Khi đánh giá liệu một công ty kiểm toán có phải chịu trách nhiệm chung và liên đới hay không, các tòa án Trung Quốc sẽ cần tập trung điều tra làm rõ: (i) liệu công ty kiểm toán và tổ chức phát hành có cùng ý định đưa ra thông tin sai lệch hay không; (ii) liệu công ty kiểm toán có ý định che giấu, giúp đỡ tổ chức phát hành thực hiện một báo cáo sai sự thật; (iii) liệu công ty kiểm toán có lỗi hay không và liệu hành vi đó có đủ để gây ra thiệt hại toàn bộ cho nhà đầu tư hay không. Các tòa án cũng được khuyến nghị là nên hiểu điều 163 của Luật Chứng khoán theo nghĩa hẹp, chỉ khi có các tình tiết nêu trên thì công ty kiểm toán mới phải chịu trách nhiệm chung và liên đới, nếu không thì chỉ phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Tại Việt Nam, sau nhiều lần sửa đổi và hoàn thiện, trách nhiệm pháp lý của các công ty kiểm toán tại Việt Nam đã được quy định khá đầy đủ theo hướng ngày càng trở nên nghiêm ngặt. Tuy vậy, trên thực tế việc này lại thiên về xử lý trách nhiệm hành chính, cụ thể là rút giấy phép hành nghề, chủ yếu áp dụng cho kiểm toán viên; một số trường hợp bị phạt tiền, dường như chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự hay xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công ty kiểm toán, dù đã được quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập hiện hành nhưng còn chung chung, sơ sài và thiếu thực tế. Thiết nghĩ, nhìn lại cuộc bể dâu của thị trường chứng khoán vừa qua, đã đến lúc cần bàn sâu hơn về trách nhiệm dân sự của các công ty kiểm toán nói riêng, các tổ chức trung gian nói chung đối với nhà đầu tư và các bên có liên quan để để hướng đến một thị trường chứng khoán phát triển chuyên nghiệp bền vững.
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
Kinh tế Sài Gòn Online