Theo chuyên gia, so với gửi tiền tiết kiệm, đầu tư chứng khoán đã hấp dẫn hơn. Đây cũng là động lực giúp thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Không có nhiều dư địa giảm mạnh lãi suất Tại hội thảo do Chứng khoán…
Không có nhiều dư địa giảm mạnh lãi suất
Tại hội thảo do Chứng khoán TPS tổ chức mới đây, bà Phan Thị Liên – Kinh tế trưởng Trung tâm Phân tích Chứng khoán TPS cho rằng, trong thời điểm này nhà đầu tư cần quan sát một vài chỉ số.
Thứ nhất, PMI của Việt Nam khá thấp, dưới ngưỡng 50 ở tháng 4 và 5. Không chỉ riêng Việt Nam, một số quốc gia tập trung vào xuất khẩu cũng có mức PMI thấp. Thứ hai, chỉ số đầu tư công – một chỉ số đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP trong bối cảnh xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh.
Mặc dù đã ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế, nhưng để giải pháp thẩm thấu và lan tỏa vào nền kinh tế thì phải có “độ trễ”, tầm 6-8 tháng. Kỳ vọng quý 3, quý 4 nền kinh tế bắt đầu tăng tốc khi chính sách thực sự có tác dụng đến nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Về dư địa giảm thêm lãi suất, bà Liên cho biết lãi điều hành (tái chiết khấu và tái cấp vốn) hiện nay đã khá thấp, thấp hơn so với mức trước dịch. Khả năng vẫn có thêm một đợt giảm nữa, nhưng dư địa NHTW giảm mạnh lãi suất điều hành trong thời gian tới là rất khó.
Mặt khác, mức độ tăng giá của đồng USD được kỳ vọng là không cao trong năm 2023, vì vậy, áp lực lên tỷ giá và lạm phát trong nước không nhiều, nên xác xuất tăng mạnh lãi suất là rất thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu hiện nay rất nhạy cảm, và có nhiều biến động xảy ra bất ngờ không lường trước được, chính sách điều hành sẽ có mức điều chỉnh hợp lý, thích ứng với biến động nền kinh tế toàn cầu.
Thời gian tới, Kinh tế trưởng TPS nghiêng về kịch bản sẽ có nhiều chính sách tài khoản thúc đẩy thị trường trong nước thay vì đẩy mạnh chính sách tiền tệ.
Đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm
Về thị trường chứng khoán, ông Bùi Quốc Hiếu – Trưởng Bộ phận Phân tích kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường TPS nhận định thị trường đã có một đợt hồi phục tích cực xấp xỉ 11% từ đầu năm và 25% từ đáy cuối năm ngoái, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với thời điểm trước đó. Điều đó cho thấy TTCK bắt đầu hấp dẫn, hút dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quay trở lại.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn đã kích thích dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lượng tiền gửi đáo hạn lãi suất cao đầu năm ngoái cũng đóng góp một lượng tiền không nhỏ. Lãi suất huy động ở các ngân hàng quốc doanh thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 6,3% với kỳ hạn một năm. So với gửi tiền tiết kiệm, đầu tư chứng khoán đã hấp dẫn hơn. Đây cũng là động lực giúp thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Mặc dù mức chênh lệch hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ tạo đáy trong nửa đầu năm 2023 và dần được cải thiện trong thời gian còn lại cùng mặt bằng lãi suất huy động khả năng cao sẽ tiếp tục đi lùi khi các chính sách của NHNN đã bắt đầu có kết quả thì kênh chứng khoán sẽ dần trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây vẫn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng hoặc mua vào để đón đầu xu hướng này
Triển vọng thị trường nửa cuối năm duy trì tích cực trong bối cảnh GDP đạt mức đề ra, chính sách đầu tư công, tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy. Trong kịch bản nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu phục hồi trong nửa cuối năm 2023 sẽ giúp VN -Index cải thiện về mặt định giá và trở nên hấp dẫn hơn, mục tiêu trong giai đoạn này là vùng giá quanh mức 1.200 điểm.
Nhịp sống thị trường