Chứng khoán – có nên sợ tháng 5?

(KTSG) – Dữ liệu quá khứ cho thấy hiệu suất của thị trường trong tháng 5 không phải bao giờ cũng là kém nhất. Đặc biệt càng về những năm sau này, hiệu ứng “bán tháo tháng 5” dường như không còn thể hiện rõ rệt. Liệu nỗi sợ hãi…

Fatz Admin lúc 2023-05-06

(KTSG) – Dữ liệu quá khứ cho thấy hiệu suất của thị trường trong tháng 5 không phải bao giờ cũng là kém nhất. Đặc biệt càng về những năm sau này, hiệu ứng “bán tháo tháng 5” dường như không còn thể hiện rõ rệt. Liệu nỗi sợ hãi tháng 5 có bị thổi phồng quá mức?

Số liệu quá khứ cho thấy hiệu suất của thị trường trong tháng 5 không phải bao giờ cũng là kém nhất. Ảnh: LÊ VŨ

Quá khứ không phải quá tệ!

Sau khi đạt mức tăng 3,7% trong tháng 3-2023, chỉ số VN-Index quay đầu giảm trở lại 2,8% trong tháng 4 vừa qua. Diễn biến này tương tự như giai đoạn hai tháng đầu năm nay,

QUẢNG CÁO

VN-Index cũng tăng 3,1% trong tháng 1 nhưng sau đó mọi thành quả bị xóa nhòa khi giảm trở lại 3,3% trong tháng 2. Sự dao động của điểm số khá tương đồng với khối lượng giao dịch, khi thanh khoản tăng trong nửa đầu tháng 4 nhưng giảm trở lại về cuối tháng khi dòng tiền lướt sóng ngắn rút ra và thận trọng quan sát.

Việc thị trường điều chỉnh giảm trở lại trong tháng 4 bất chấp những chính sách hỗ trợ, thông tin tích cực liên tục được tung ra, bên cạnh lý do kết quả kinh doanh quí 1 của nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm như dự báo, còn được cho là do nỗi ám ảnh về tâm lý của nhà đầu tư dẫn đến hành động thoát khỏi thị trường mỗi khi tháng 5 đến gần.

Dù vậy, số liệu quá khứ cho thấy hiệu suất của thị trường trong tháng 5 không phải bao giờ cũng là kém nhất. Tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập từ tháng 7-2000, trong tháng 5, chỉ số VN- Index có 12 lần giảm, 9 lần tăng. Trong đó, các năm có tháng 5 giảm mạnh nhất là năm 2008 (giảm 21,7%), 2006 (giảm 12,6%), 2011 (giảm 10,5%), 2012 (giảm 9,2%). Ngược lại, các năm có tháng 5 tăng mạnh nhất là năm 2009 (tăng 26,7%), 2001 (tăng 25,6%), 2007 và 2020 (cùng tăng 15,2%) và 2013 (tăng 9,3%).

Điểm đáng lưu ý là càng về những năm sau này, hiệu ứng “bán tháo tháng 5” dường như không còn thể hiện rõ rệt. Cụ thể có đến 8 trong số 12 lần giảm nói trên diễn ra từ năm 2012 trở về trước. Xu hướng này khiến hiệu suất sinh lời của VN-Index trong tháng 5 bình quân trong 21 năm qua là 1,4%, cao thứ 7 trong số 12 tháng trong năm.

Dù tháng 5 này có xảy ra những phiên bán tháo gây ra nỗi sợ hãi đi nữa, thiết nghĩ đó là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy thêm hàng hay tham gia thị trường trở lại, với kỳ vọng về một xu hướng tăng trung và dài hạn đang dần hình thành. Nhưng dĩ nhiên, những thành quả khó có thể đến sớm ngay được…

Liệu nỗi sợ hãi tháng 5 có bị thổi phồng quá mức? Và phải chăng nhà đầu tư đang ngày càng khôn ngoan hơn khi đã sớm chốt lời và thoát hàng từ tháng 4, để tận dụng các đợt bán tháo diễn ra trong tháng 5 như là một cơ hội để “vợt” hàng lại? Rõ ràng khi chiến lược giao dịch này ngày càng phổ biến, dễ hiểu vì sao những năm gần đây thị trường chứng khoán luôn kết thúc tháng 5 với mức tăng trưởng thay vì giảm sâu như giai đoạn trước đó.

Một điểm cần lưu ý khác là những đợt sụt giảm mạnh trong tháng 5 của những năm trước đây diễn ra khi thị trường thường đã trải qua một giai đoạn tăng mạnh trước đó, nên càng kích thích nhà đầu tư chốt lời hoặc cắt lỗ nhanh khi nhận thấy lực tăng đã suy yếu dần khi vào cuối xu hướng đi lên. Còn giờ đây, thị trường dường như vẫn đang loay hoay tạo đáy, các đợt phục hồi từ tháng 11 năm ngoái đến nay nếu có cũng chỉ diễn ra ngắn ngủi, khi dòng tiền lớn dường như vẫn chưa thật sự tham gia.

Nương theo chính sách

Không thể nói trước được gì về thị trường. Thị trường luôn mang đến những bất ngờ, cho cả những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm nhất. Với diễn biến dao động trong biên độ khá hẹp của thị trường gần đây, bên cạnh những nhận định lạc quan kỳ vọng VN- Index có thể sớm phá vỡ thế giằng co để chinh phục mốc 1.100 điểm và tiếp tục đi lên, vẫn có những nhà đầu tư cho rằng chỉ số này có thể rớt trở lại về dưới mốc 1.000 điểm hoặc thậm chí là 900 điểm để tạo thành mô hình hai đáy trước khi bước vào một xu hướng tăng mới trong trung và dài hạn.

Về cơ bản, sau những giai đoạn khó khăn vào năm ngoái do ảnh hưởng bởi biến động của thị trường quốc tế và đặc thù thị trường trong nước, hầu hết ý kiến đều cho rằng những gì xấu nhất đã qua đi. Ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khả năng đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Theo đó, lần tăng lãi suất được dự báo trong cuộc họp đầu tháng 5 này có thể là lần tăng cuối cùng của Fed, trước khi bắt đầu giảm trở lại từ đầu năm 2024.

Tại Việt Nam, sự đảo chiều chính sách tiền tệ thậm chí còn diễn ra sớm hơn, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hai lần giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối tháng 3, còn phía các ngân hàng thương mại thậm chí đã có động thái giảm lãi suất tiền gửi mạnh tay hơn kỳ vọng. Đây là điều mà ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến khi đứng tại thời điểm cuối năm 2022. Nói cách khác, những gì đang diễn ra hiện nay đã cho thấy sự thay đổi căn bản về triển vọng kinh tế thời gian tới, ngoại trừ trường hợp lại xảy ra những sự kiện mang tính “thiên nga đen” mà không ai lường trước mức độ ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản cũng được tập trung tháo gỡ gần đây, thể hiện qua hàng loạt chính sách mới được ban hành bên cạnh những hoạt động xử lý các rào cản pháp lý ở nhiều dự án của các doanh nghiệp bất động sản. Đối với rủi ro nợ xấu gia tăng, chính sách cho phép tái cơ cấu nợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp tục tiếp cận kênh tín dụng và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các ngân hàng cũng đã được ban hành gần đây.

Trong báo cáo phát hành mới đây, Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital dự báo Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa lãi suất huy động 12 tháng năm 2023 giảm 200 điểm cơ bản (xuống khoảng 6%) so với lãi suất đầu năm nay. Chuyên gia này cũng kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối trong năm nay, điều này sẽ bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng một cách đáng kể, có khả năng thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng trưởng thêm 4% trong năm nay.

Việc NHNN mua dự trữ ngoại hối, cùng với các biện pháp khác mà Chính phủ đang thực hiện để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng là những biện pháp nới lỏng tiền tệ quan trọng hơn so với chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN vào tháng trước. Thông thường thị trường chứng khoán có những phản ứng rõ rệt với những thay đổi của chính sách tiền tệ hơn so với chính sách tài khóa, do đó việc nới lỏng tiền tệ trở lại được xem là chất xúc tác quan trọng cho xu hướng thị trường giai đoạn tới.

Đặc biệt với lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể trong hai tháng qua, những khoản tiền gửi tiết kiệm vào cuối năm 2022 với kỳ hạn phổ biến sáu tháng sẽ bắt đầu đáo hạn dần từ giữa năm nay, kỳ vọng có thể chuyển dịch sang thị trường chứng khoán trở lại để tìm kiếm cơ hội mới, nhất là khi định giá thị trường Việt Nam vẫn đang được xem là khá rẻ.

Chính vì vậy, dù tháng 5 này có xảy ra những phiên bán tháo gây ra nỗi sợ hãi đi nữa, thiết nghĩ đó là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy thêm hàng hay tham gia thị trường trở lại, với kỳ vọng về một xu hướng tăng trung và dài hạn đang dần hình thành. Dĩ nhiên những thành quả khó có thể đến sớm ngay được, khi dữ liệu quá khứ cũng cho thấy tháng 6 và tháng 7 thường là giai đoạn thị trường khá ảm đạm, với hiệu suất sinh lời của VN-Index của hai tháng này cũng nằm trong nhóm kém nhất.

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.