Novaland cho biết, công ty đã nỗ lực hỗ trợ hoàn tất công tác phát hành báo cáo kiểm toán và thực hiện ngay trong đêm 17 và rạng sáng ngày 18/4. NVL: Giá hiện tại Thay đổi Xem hồ sơ doanh nghiệp CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc…
Xem hồ sơ doanh nghiệp
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã NVL) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) giải trình khắc phục diện cảnh báo của cổ phiếu NVL.
Novaland cho biết, dưới áp lực lớn của bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, cùng với việc công ty đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, các thủ tục kiểm toán và thu thập, đánh giá thông tin liên quan để hoàn thành báo cáo tài chính (BCTC) soát xét năm 2022 của NVL đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với thực tế.
Nhận thức được điều này, công ty đã phối hợp cùng đơn vị kiểm toán Công ty TNHH PwC Việt Nam nhằm hoàn tất và công bố BCTC đúng thời hạn là ngày 15/4/2023. Tuy nhiên, ngày 15/4 rơi vào thứ 7 nên các công việc cuối cùng nhằm hoàn tất báo cáo gặp trục trặc, khiến Novaland phải dời sang ngày 17/4 để hoàn tất. Công ty đã nỗ lực hỗ trợ hoàn tất công tác phát hành báo cáo kiểm toán và thực hiện ngay trong đêm 17 và rạng sáng ngày 18/4.
“Novaland cam kết sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định và quy chế liên quan đến việc công bố thông tin nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà đầu tư và tính minh bạch của công ty” , văn bản của Novaland nhấn mạnh. Công ty cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc trường hợp của Novaland và tạo điều kiện cho cổ phiếu NVL được gỡ trạng thái cảnh báo trong thời gian tới.
Trên thị trường, cổ phiếu NVL đang giao dịch quanh mức 14.000 đồng, tăng gần 40% kể từ đầu tháng 3 và tương đương mức thị giá với thời điểm đầu năm. Giá trị vốn hoá tương ứng ở mức 28.000 tỷ đồng.
Trước khi vào diện cảnh báo, cổ phiếu NVL cũng đã có tên trong danh sách không đủ điều kiện cho vay ký quỹ (margin) của HoSE do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022. Sau đó, công ty đã khắc phục tình trạng trên.
Theo BCTC kiểm toán năm 2022, Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 2.182 tỷ đồng, giảm 36,85% so với năm 2021 và chỉ đạt hơn 33% kế hoạch cả năm.
Trong phần ý kiến kiểm toán, PWC không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng nhấn mạnh ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland, và Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
Giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng công ty có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.
Giải trình về việc hoạt động liên tục, Novaland cho biết, tại ngày 31/12/2022, tập đoàn đang có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Novaland đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.
Tính đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất (17/4/2023), Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Ban Tổng giám đốc cho rằng Novaland sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 19/4, Novaland cùng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons ký kết thỏa thuận về việc hợp tác triển khai xây dựng hoàn thiện dự án Tổ hợp căn hộ – thương mại dịch vụ The Grand Manhattan (Quận 1, TP HCM). Theo thỏa thuận, TPBank sẽ hỗ trợ tài chính để đảm bảo dự án The Grand Manhattan tiếp tục triển khai thi công sau thời gian tạm ngưng cũng như cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà, trong khi Ricons đảm nhiệm vai trò tổng thầu thi công, cam kết đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng.
Nhịp Sống Thị Trường