(KTSG) – Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong tuần giao dịch từ 20 đến 24-3-2023. Lực cầu xuất hiện sau khi VN-Index giảm dưới vùng 1.020 điểm, giúp thị trường lấy lại sắc xanh, phục hồi lên sát khu vực 1.050 điểm. Tuy vậy, thanh…
(KTSG) – Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong tuần giao dịch từ 20 đến 24-3-2023. Lực cầu xuất hiện sau khi VN-Index giảm dưới vùng 1.020 điểm, giúp thị trường lấy lại sắc xanh, phục hồi lên sát khu vực 1.050 điểm. Tuy vậy, thanh khoản lại sụt giảm gần 20% so với tuần trước đó khi giá trị giao dịch trung bình trên sàn HOSE chỉ đạt khoảng 10.000 tỉ đồng/phiên, cho thấy sự thận trọng nhất định của giới đầu tư.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, VPB và KDC là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất trong tuần. Về diễn biến nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán như CTS (+7,58%), FTS (+5,61%), VCI (+5,43%), MBS (+4,38%), HCM (+3,16%)… duy trì đà tăng điểm tích cực với kỳ vọng dòng tiền sẽ quay lại thị trường khi lãi suất đạt đỉnh. Nhóm bất động sản cũng có diễn biến phục hồi tích cực, với VHM tăng 13,03%, CEO tăng 5,85%, NLG tăng 4,40%, NVL tăng 3,48%…
Trong khi đó, các nhóm ngành khác không có nhiều điểm nhấn trong bối cảnh VN-Index đang kéo dài xu hướng tích lũy khi nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin về tình hình kết quả kinh doanh quí 1-2023 cũng như kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 của doanh nghiệp.
Về giao dịch khối ngoại, sau tuần cơ cấu ETF, lực mua của nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm đáng kể, thậm chí họ quay đầu bán ròng mạnh trong phiên đầu tuần trước. Theo thống kê, khối ngoại chỉ mua ròng 399 tỉ đồng sau năm phiên giao dịch trong tuần trước, giảm rõ rệt so với giá trị hơn 2.300 tỉ đồng của tuần trước đó nữa.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cả ba chỉ số chứng khoán chính cùng hoàn tất một tuần tăng điểm, bất chấp mối bất an về hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu.
Tuy vậy, “sóng gió” đối với ngành ngân hàng thế giới vẫn chưa hoàn toàn biến mất khi trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết ở Mỹ lại bất ngờ bị bán tháo. Nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu của Deutsche Bank sau khi giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng mạnh dù không có một chất xúc tác cụ thể nào.
Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu. Mới đây, nhà chức trách Thụy Sỹ đã buộc ngân hàng lớn nhất nước này là UBS mua lại ngân hàng lớn thứ nhì là Credit Suisse.
Về tin tức vĩ mô trong nước, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay tiền đồng bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên ngày 22-3-2023 đã giảm thêm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 1,55%/năm – mức thấp nhất kể giữa tháng 7-2022. So với cuối tuần trước đó nữa, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa và giảm 4,85 điểm phần trăm so với mức cao điểm ghi nhận hồi đầu tháng 3-2023.
Về cơ bản, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm phần trăm đối với một số loại lãi suất điều hành kể từ ngày 15-3-2023. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, NHNN cũng đã tạm dừng phát hành tín phiếu mới. Ngoài ra, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn do nhu cầu tín dụng còn thấp. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 24-2-2023 mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng một phần ba mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong khi lãi suất tiền đồng liên ngân hàng liên tục đi xuống thì lãi suất đô la Mỹ liên ngân hàng lại đang duy trì khá ổn định. Điều này khiến chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ đảo chiều sang trạng thái âm với khoảng chênh lệch ngày càng được nới rộng. Dù vậy, khác với giai đoạn trước, chênh lệnh lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ ở trạng thái âm không gây nhiều áp lực lên tỷ giá.
Thậm chí, trong những ngày gần đây, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng còn có xu hướng giảm. Khảo sát tại Vietcombank cho thấy, giá đô la Mỹ niêm yết tại ngân hàng này vào cuối ngày 23-3-2023 đã giảm khoảng 70 đồng so với mức ghi nhận trước khi NHNN giảm lãi suất điều hành và lãi suất liên ngân hàng lao dốc.
Về xu hướng thị trường, VN-Index được dự báo có thể kéo dài diễn biến đi ngang tích lũy thêm một thời gian nữa. Rủi ro chỉ số giảm sâu thêm không còn quá lớn do lãi suất trong nước đã tạo đỉnh và đang trong đà đi xuống.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, dòng tiền cần một “cú hích” tâm lý đủ lớn mới có thể thoát ra được sự thận trọng duy trì suốt hơn nửa năm qua. Vùng 1.030-1.060 điểm nhiều khả năng sẽ là vùng điểm dao động chủ yếu của VN-Index trong tuần này.
Kinh tế Sài Gòn Online