(KTSG Online) – Những vụ sụp đổ và chao đảo của các ngân hàng quốc tế có ảnh hưởng đến quyết định hạn chế tham gia hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa đổi, bổ…
(KTSG Online) – Những vụ sụp đổ và chao đảo của các ngân hàng quốc tế có ảnh hưởng đến quyết định hạn chế tham gia hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-NHNN để phù hợp với tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện không có quy định nào yêu cầu các ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đã giới thiệu đến trái chủ trong quá khứ.
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu đã phát hành.
Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Ngân hàng khó mua lại trái phiếu doanh nghiệp
Một trong những vướng mắc trong các quy định về tín dụng khiến nhiều trái chủ không thể đưa ra yêu cầu mua lại chính thức trái phiếu doanh nghiệp là do hoạt động mua trái phiếu của trái chủ diễn ra qua tổ chức trung gian, cụ thể ghi nhận trên thị trường có sự tham gia của cả ngân hàng thương mại lẫn công ty chứng khoán.
Tuy nhiên trên hợp đồng, không hề có thông tin các bên giới thiệu có thực hiện hoạt động đại lý phát hành; các bên giới thiệu cũng không hề có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại; trách nhiệm của các bên “giới thiệu” trái phiếu có khối lượng lớn và nhiều rủi ro ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định rõ tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Một trong những nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được đưa ra, là tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
TTXVN đưa tin, việc các ngân hàng quốc tế đầu tư trái phiếu tại thời điểm lãi suất thấp; khi lãi suất tăng lên làm giá trái phiếu trên thị trường giảm xuống; khi các ngân hàng cần tiền để thanh toán cho trái chủ hoặc phục vụ cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, đã buộc phải chấp nhận bán lỗ trái phiếu, khi không bán được, đã dẫn đến mất khả năng thanh toán, sụp đổ và chao đảo.
Bên cạnh đó, kết quả thanh tra, giám sát hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro đối với một số mục đích phát hành trái phiếu, việc giám sát sử dụng tiền thu từ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Chưa có quy định điều kiện phát hành trái phiếu về năng lực tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các khoản phát hành trái phiếu chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông qua việc phát hành nhằm mục đích đặt cọc, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh, bổ sung vốn lưu động… Một số doanh nghiệp phát hành và các doanh nghiệp liên quan cũng thực hiện tăng vốn lớn trong thời gian ngắn để chứng minh năng lực tài chính.
Trong một báo cáo vừa phát hành gần đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thuê trả tiền hàng năm chưa đủ điều kiện để nhận làm tài sản bảo đảm, hợp đồng thế chấp chưa công chứng và chưa thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm lớn nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm không cao. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng thu hồi nợ của ngân hàng khi doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán. Đây là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại e ngại khi mua lại trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, báo cáo VCCI cho biết.
Điều chỉnh hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp
Để phù hợp với tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước trong tháng 4-2023 sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN, ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đến hết ngày 31-12-2023 nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
Tiêu chí xác định phương án khả thi và tiêu chí xác định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn theo quy định nội bộ tại điểm b khoản 3 Điều 6 dự thảo thông tư này.
Quy định cũng nhằm hướng đến việc tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ, trong đó cụ thể về tiêu chí xác định phương án khả thi và tiêu chí xác định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính.
Hệ số nợ phải trả, bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.
Quy định sẽ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn ngân hàng trong bối cảnh phát sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với quy mô khá lớn để huy động vốn, trong khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đã cao, có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Mục đích để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác; mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác. Đây là những nhu cầu vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng quản lý vốn của tổ chức phát hành và việc sử dụng vốn đúng mục đích của doanh nghiệp nhận hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư.
Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động tương ứng với giá trị trái phiếu theo các vòng quay vốn lưu động trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.
Khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng thu hồi số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Trong thời gian kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2023, các tổ chức tín dụng chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:
Đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 dự thảo thông tư); Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Kinh tế Sài Gòn Online