Gỡ khó cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu

(KTSG Online) – Các tổ chức phát hành trái phiếu cần nhanh chóng điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay giai đoạn 2025-2026 trong bối cảnh Nghị…

Fatz Admin lúc 2023-03-18

(KTSG Online) – Các tổ chức phát hành trái phiếu cần nhanh chóng điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay giai đoạn 2025-2026 trong bối cảnh Nghị định 08/2023 của Chính phủ chỉ vai trò bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành, chủ sở hữu có thêm thời gian đàm phán thanh toán gốc, lãi vay.

Nghị định 08/2023 của Chính phủ là bước đi đầu tiên trong tiến trình gỡ rối cho thị trường trái phiếu và là giải pháp tháo gỡ quan trọng dành cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước. Với nhà đầu tư, chính sách này đã tạo cơ sở pháp lý để họ cởi mở và sẵn lòng hơn trong việc nhận chuyển đổi trái phiếu bằng tài sản. Tuy nhiên, tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao là mấu chốt sẽ phải đàm phán.

Khung pháp lý với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua nhiều lần thay đổi trong gần 4 năm qua. Ảnh minh họa: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

KTSG Online đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW xung quanh chủ đề này.

QUẢNG CÁO

– KTSG Online: Những chính sách liên quan tới phát hành TPDN riêng lẻ liên tục thayđổi chỉ sau một thời gian ngắn, kể từ thời điểm chính thức có hiệu lực. Chỉ báo này thể hiện điều gì, thưa ông?

– LSNguyễn Thanh Hà: Với thị trường, sau khi Nghị định 65/2022, là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP, được ban hàng thì thị trường TPDN bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ và một số vụ việc xử lý hình sự với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn lực để thanh toán các trái phiếu đến hạn tập trung cao vào năm 2023-2024 và huy động vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh.

Với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, khoản 6, Điều 1 thuộc Nghị định số 65/2022 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Do tình hình thị trường có sự thay đổi đáng kể so với bối cảnh khi xây dựng Nghị định số 65/2022, việc ban hành Nghị định 08/2023 là hết sức cần thiết, cho thấy những điều chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý trong tình thế cấp bách để “gỡ khó” cho thị trường TPDN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, việc liên tục ban hành các văn bản điều chỉnh thị trường trái phiếu cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng trong việc dự báo tình hình và chưa có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thị trường trái phiếu, từ hướng mở rộng điều kiện phát hành sau đó lại thắt chặt và dẫn tới thị trường bị tắc, sau đó lại mở ra. Điều đó thể hiện sự không nhất quán và chưa dự báo tốt thị trường.

– Chính sáchliênquan tới phát hành TPDN riêng lẻ được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, vì sao tới Nghị định 08/2023 vẫn phát sinhnhững vướng mắc nhất định?

– Nghị định 08/2023 được Chính phủ vừa ban hành nhằm giải quyết những điểm bất cập của Nghị định 65/2022 được ban hành cách đây không lâu. Phải thừa nhận rằng thị trường trái phiếu Việt Nam đã gặp phải nhiều thách thức trong thời gian qua, gây ra sự mất niềm tin cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Để có thể ổn định và phục hồi niềm tin cho thị trường, tôi cho rằng đây là một vấn đề cần rất nhiều thời gian.

Vậy nên, Nghị định 08/2023 vẫn phát sinh những vướng mắc nhất định về bất bình đẳng giữa các trái chủ, khó khăn gia hạn các trái phiếu có số nhà đầu tư lớn, yêu cầu kiểm toán định kỳ mục đích sử dụng trái phiếu, quy định trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác là điều không tránh khỏi, dù chính sách liên quan tới phát hành TPDN được sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW. Ảnh: H. Thắng

– Với quy định trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác, Nghị định 08/2023 đã tạo cơ sở cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản khác một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Nhưng dường như vẫn tồn tại một số điểm chưa phù hợp khi triển khai thực tế?

– Với quy định mới, thay vì “ép” người sở hữu trái phiếu, thì doanh nghiệp phát hành phải đàm phán, thỏa thuận và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán. Quy định này góp phần bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vốn yếu thế về sức mạnh đàm phán, cũng như không có nhiều kiến thức về tài sản, sự am hiểu thị trường.

Với các doanh nghiệp có tài sản như bất động sản, đủ điều kiện chuyển nhượng thì đây là một giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp phát hành chưa thể thanh toán bằng tiền mặt. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại, doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn.

Tuy nhiên, cần lưu ý là Nghị định 08/2023 nhấn mạnh đến hai chữ “đàm phán”, tức là doanh nghiệp phát hành không được tự động giãn các khoản nợ, hay tự động chuyển thanh toán tiền mặt sang tài sản khác nếu không được trái chủ đồng ý. Theo đó, mấu chốt vấn đề là nhà đầu tư có thể chấp nhận những phương án hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác hay không?

Việc dùng tài sản khác để thanh toán nợ, nói cách khác là “hoán đổi rủi ro” vẫn tồn tại những rủi ro pháp lý. Với tài sản là bất động sản, nhiều sản phẩm dùng để hoán đổi trái phiếu là tài sản được hình thành trong tương lai, có thể không đủ điều kiện chuyển nhượng. Vậy trách nhiệm pháp lý phát sinh sẽ thuộc về ai?

Hơn nữa, không phải chủ đầu tư nào cũng có sản phẩm để trả ngay vì nhiều dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và đưa vào thi công.

Với những chủ đầu tư muốn đổi sản phẩm bất động sản để lấy trái phiếu cũng nên cân nhắc về mức giá. Hiện mức giá bất động sản đang khá cao, nếu vẫn giữ nguyên giá niêm yết có thể các trái chủ sẽ khó chấp nhận. Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác như bất động sản cũng đang gặp tình trạng khó khăn thanh khoản, trái chủ trái phiếu đến hạn sớm có cơ hội lựa chọn tài sản tốt hơn trái chủ của các trái phiếu đến hạn sau.

Như vậy, việc thực hiện quy định này, trên thực tế, vẫn có thể phát sinh những vướng mắc nhất định liên quan đến sự phụ thuộc vào quan điểm về giá trị tài sản bảo đảm, hay sự bất bình đẳng giữa các trái chủ.

– Vậy yếu tố nào, theo ông, là vướng mắc lớn nhất khi thực thi Nghị định 08/2023?

– Nghị định này có hiệu lực với nhiều điểm mới như: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác ngoài tiền mặt; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Những điểm mới này được coi là những giải pháp tạm thời giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 – 2024. Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư gia hạn sang năm 2025 – 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, cuối cùng thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải thu xếp nguồn tiền, tài sản đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư.

Cụ thể, có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp tính đến 5-3-2023. Gần 38.500 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm. Những con số này cho thấy áp lực đáo hạn TPDN thực tế vẫn còn rất lớn trong năm nay và những năm tiếp theo. Nghị định này không phải là giải pháp để xử lý dứt điểm các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những khúc mắc về tình hình tài chính của nhiều tổ chức phát hành.

– Đề xuất của ông nhằm giải quyết những vướng mắc giữa nhà phát hành trái phiếu và nhà đầu tư?

– Như đã phân tích ở trên, sự ra đời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ có thể bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành, chủ sở hữu có thêm thời gian đàm phán thanh toán gốc, lãi vay. Do đó, để giải quyết những vướng mắc giữa nhà phát hành trái phiếu và nhà đầu tư như tình trạng chậm trả lãi trái phiếu như hiện nay, các tổ chức phát hành cần tận dụng thêm thời gian mà quy định pháp luật cho phép để tái cấu trúc tài chính, và có phương án hoán đổi tài sản tối ưu trả nợ cho nhà đầu tư…

Nghị định 08/2023/NĐ-CP cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ là giảm áp lực thanh toán đáo hạn hiện tại (giai đoạn 2023 – 2024), nhưng sẽ đẩy áp lực đó về tương lai trong 1-2 năm tới đây (giai đoạn 2025 – 2026). Trong quãng thời gian đó, bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu phải điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó về dòng tiền, các kênh huy động vốn đều tắc thì liệu rằng trong thời gian 1-2 năm tới tổ chức doanh nghiệp phát hành trái phiếu có chi trả đúng hạn cho các nhà đầu tư, đây hiện vẫn đang là câu hỏi chúng ta cần lưu tâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Vân phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.