(KTSG) – Ngược dòng diễn biến điều chỉnh chung trên toàn cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa có một tuần giao dịch tương đối khởi sắc. Thị trường mở cửa tuần trong sắc xanh với sự thận trọng của nhà đầu tư nhưng sau đó bật tăng…
(KTSG) – Ngược dòng diễn biến điều chỉnh chung trên toàn cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa có một tuần giao dịch tương đối khởi sắc. Thị trường mở cửa tuần trong sắc xanh với sự thận trọng của nhà đầu tư nhưng sau đó bật tăng mạnh trong hai phiên giữa tuần, qua đó giúp chỉ số chung tiếp cận lại khu vực kháng cự quanh 1.050 điểm.
Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán và hàng không, du lịch với mức tăng xấp xỉ 5%. Thêm vào đó, lực cầu cũng liên tục tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đóng góp tích cực vào chỉ số chung. Kết thúc tuần giao dịch trước, chỉ số VN-Index tăng 28,2 điểm (tương đương 2,75%) lên 1.053 điểm.
Một trong những nguyên nhân giúp thị trường sôi động hơn trong tuần qua là sự trở lại của dòng tiền ngoại. Theo thống kê, khối ngoại đã mua ròng 997 tỉ đồng sau năm phiên giao dịch, trong đó mua ròng 1.003 tỉ đồng trên kênh khớp lệnh nhưng bán ròng khoảng 7 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận. Như vậy, khối ngoại đã ngắt chuỗi ba tuần liên tiếp bán ròng.
Trên TTCK Mỹ, tâm điểm trong tuần qua tập trung trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu 10-3-2023 sau thông tin Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) “sụp đổ”, đánh dấu vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, TTCK Mỹ đã trải qua tuần giảm điểm mạnh khi chỉ số Dow Jones mất 4,44% điểm số; chỉ số S&P 500 giảm 4,55% và chỉ số Nasdaq giảm 4,71%.
Về diễn biến cụ thể của vụ việc, cơ quan chức năng Mỹ đã giành quyền kiểm soát SVB – một ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cấp vốn vay cho các công ty công nghệ – sau khi ngân hàng này không thể tìm được đối tác mua lại.
Cổ phiếu các ngân hàng khu vực khác cũng giảm mạnh sau thông tin liên quan đến SVB, khiến quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF giảm gần 4,4%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng rơi vào trạng thái tạm ngừng giao dịch trong phiên ngày thứ Sáu, như First Republic, PacWest và Ngân hàng tiền ảo Signature Bank.
Tuy vậy, tình hình đang dần ổn định trở lại khi đầu tuần này, trong một thông báo chung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) Martin J. Gruenberg cho biết toàn bộ tiền gửi tại SVB sẽ được bảo đảm, kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC (tức lớn hơn 250.000 đô la Mỹ).
Theo đó, người gửi tiền sẽ được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13-3-2023. Đây là nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng bị rút tiền thêm nữa. Nó cũng đồng thời giúp các công ty gửi số tiền lớn tại SVB tiếp tục trả lương nhân viên và hoạt động bình thường. Thông tin này đã phần nào xoa dịu tâm lý bất an trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch đầu tuần.
Trên thực tế, sự việc liên quan đến SVB đã phần nào “che mờ” sức ảnh hưởng của các số liệu liên quan đến thị trường lao động Mỹ tháng 2. Báo cáo công bố cuối tuần trước của Bộ Lao động Mỹ cho biết các doanh nghiệp đã tuyển dụng thêm 311.000 việc làm mới trong tháng 2, dù thấp hơn so với mức 504.000 việc làm của tháng 1 nhưng vẫn là mức tăng khá mạnh.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 3,6%, trong khi tháng 1 là 3,4%. Số liệu được công bố hôm 10-3 tiếp tục là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng hồi phục mạnh một cách bất ngờ sau gần một năm Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh. Tuy vậy, lạm phát ở mức cao “dai dẳng” vẫn đang là “cơn đau đầu” đối với Fed.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra rằng các quan chức ngân hàng trung ương đang để ngỏ về lựa chọn của họ với việc có nên tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này (diễn ra trong hai ngày 21 và 22-3) thêm 0,25 hay 0,5 điểm phần trăm. Ông cũng cho biết đà hồi phục của nền kinh tế có thể thúc đẩy ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên mức cao hơn so với dự đoán.
Về xu hướng TTCK trong nước, VN-Index trong các phiên gần đây đang được “nâng đỡ’ nhờ thông tin dòng vốn ngoại lớn từ quỹ ETF Fubon sắp rót vào thị trường Việt Nam (giá trị lên tới 4.000 tỉ đồng).
Chỉ số VN-Index đang có sự hồi phục khá tốt xung quanh ngưỡng 1.050 điểm. Nếu dòng tiền được duy trì, chỉ số có thể tiến tới chinh phục các cột mốc cao hơn quanh 1.080 điểm. Đà hồi phục ngắn hạn của thị trường đang mở ra cơ hội để các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, còn việc tăng tỷ trọng mạnh trong giai đoạn hiện tại có lẽ vẫn chưa nên được ưu tiên.
Kinh tế Sài Gòn Online