Ông Trương Thái Đạt đánh giá bối cảnh hiện tại vẫn còn đủ dư địa cho một nhịp tăng tiếp diễn, dù có thể là nhịp tăng ngắn và rủi ro cao. Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một pha “quay xe” ngay đầu tháng 2 khi VN-Index…
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một pha “quay xe” ngay đầu tháng 2 khi VN-Index bất ngờ giảm sâu 35 điểm để vụt mất mốc quan trọng 1.100. Không ít cổ phiếu vốn hoá lớn “phút chốc đảo chiều” để kết phiên với biên độ giảm sâu trên 5% như VPB, MSN, VHM, STB, BID, thậm chí GVR giảm sàn.
Mức giảm 3,17% đưa VN-Index vào top các chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á, đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực. Theo đó, giá trị vốn hóa HoSE tương ứng bị thổi bay 140.500 tỷ đồng chỉ sau một phiên giao dịch.
Cú đảo chiều bất ngờ của thị trường chứng khoán tạo ra tâm lý không mấy tích cực cho nhà đầu tư. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích Chứng khoán DSC nhận định chỉ số VN-Index đã chứng kiến nhịp giảm nhanh, giảm sâu và có phần bất ngờ. Trong bối cảnh như vậy, hành động phù hợp nhất với nhà đầu tư để đối phó cho những pha rơi bất ngờ tương tự lại cần phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị.
Trên thực tế, ông Đạt cho biết kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, các chỉ báo đo lường động lượng của VN-Index hay bối cảnh định giá thị trường đều chỉ ra rằng nhà đầu tư cần chốt lời một phần tỷ trọng cổ phiếu. Đặc biệt khi yếu tố chu kỳ “mua tháng 12, bán tháng 1” không còn tiếp sức cho thị trường. Do đó, mục tiêu của chốt lời từng phần là làm giảm biến động tài khoản trong các nhịp rung lắc, giúp nhà đầu tư duy trì tâm lý vững vàng, đồng thời có lượng tiền mặt nhất định để chủ động cho các vị thế mua mới.
Trở về hiện tại, đối với nhà đầu tư dài hạn, Giám đốc DSC khuyến nghị nên chờ đợi vùng giá dưới 1.000 điểm trước khi có các vị thế thăm dò. Giá giảm sâu đôi khi kích hoạt các cơ hội mua giá rẻ, tuy nhiên các hành động “bắt dao” ở các nhịp rơi đầu tiên là không phù hợp. Mức P/E gần 12 lần cũng chưa thực sự hấp dẫn để mua gom quyết liệt, nếu so sánh với các vùng đáy định giá trong quá khứ.
Trong khi đó, với đại đa số nhà đầu tư có xu hướng lướt sóng ngắn hạn, ông Đạt cho rằng hành động phù hợp lúc này là chờ đợi điểm mua khi VN-Index chặn đứng quán tính giảm điểm. Phiên giao dịch ngày 1/2 là tiêu cực với khối lượng giao dịch rất lớn, nhưng vị chuyên gia này đánh giá bối cảnh liên thị trường và nội bộ thị trường Việt Nam vẫn còn đủ dư địa cho một nhịp tăng tiếp diễn (dù có thể là nhịp tăng ngắn và rủi ro cao). Cụ thể hơn, điều kiện cần cho nhịp hồi là việc VN-Index hạ nhiệt sau khoảng thời gian tăng nóng, có thể là kiểm chứng mạnh dưới hỗ trợ tâm lý 1.050 điểm. Bên cạnh đó, điều kiện đủ là chờ đợi giai đoạn chỉ số ổn định hơn và tích lũy chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco cho rằng nhà đầu tư nên quan sát thêm và chưa vội giải ngân trong bối cảnh hiện tại, chờ thị trường ổn định thêm. Phiên kế tiếp, nếu chỉ số tiếp tục giảm mạnh thì khả năng cao tâm lý thị trường sẽ chuyển biến xấu và “gãy trend”. Trong kịch bản đó, nhà đầu tư nên giảm danh mục cổ phiếu.
Ngược lại, trong kịch bản thị trường không giảm mạnh mà đi ngang hoặc tăng nhẹ thì ông Khoa cho rằng đâylà tín hiệu tốt và nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục giải ngân để mua vào những cổ phiếu triển vọng tốt với mức giá hợp lý. Tựu chung lại, diễn biến của thị trường vào phiên liền sau nhịp giảm sâu sẽ mang yếu tố quyết định.
Nhịp Sống Thị Trường