Theo ông Bùi Văn Huy, vẫn có nhiều yếu tố tương đối ổn trong ngắn hạn để ủng hộ cho xu hướng hồi phục của thị trường. Khoảng thời gian tích lũy 1-3 tuần là cần thiết trong mỗi đợt tăng giá. Sau ba tuần bứt phá, VN-Index bắt đầu…
Sau ba tuần bứt phá, VN-Index bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi”, quay đầu giảm điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 28,2 điểm để lui về quanh mốc 1.050 điểm, tương đương mức giảm 2,61% so với tuần trước.
Thanh khoản có giảm đôi chút so với tuần trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước cho thấy áp lực cung lớn ở các mức điểm số cao hơn so với vùng đáy ngắn hạn là 950-1.000 điểm. Giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn đạt gần 20.000 tỷ đồng/phiên.
Đáng chú ý, dòng vốn ngoại dù vẫn duy trì mua ròng, nhưng giá trị đã thu hẹp còn phân nửa so với giá trị tuần trước đó. Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào, chúng tôi đã có trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Theo dõi sát diễn biến khối ngoại – lực đỡ quan trọng của thị trường
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank
Động lực chính giúp VN-Index tạo đáy và bật tăng mạnh mẽ trước đó được kích hoạt chủ yếu bởi lực giải ngân mạnh mẽ từ khối ngoại. Mặc dù lực mua ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì, song đã giảm đáng kể. Kết hợp điều này với áp lực chốt lời ngắn hạn lớn hơn sẽ lý giải được hiện tượng giằng co và điều chỉnh nhẹ của thị trường trong tuần qua.
Thời điểm này, tôi không quá lạc quan với bối cảnh của thị trường, nhưng cũng cần lưu ý rằng mọi sự cải thiện phải có thời gian và hiện tượng “chuyển trạng thái” đang dần xảy ra. NĐT sẽ cần có sự nhìn nhận rất cân bằng, tránh rơi vào trạng thái FOMO, nhưng cũng cẩn thận không bị rơi vào trạng thái “chim sợ cành cong” sau giai đoạn có rất nhiều mất mát trước đó.
Trở lại với góc nhìn ngắn hạn cho các tuần tới, cá nhân tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ phải theo dõi sát diễn biến dòng vốn của khối ngoại – lực đỡ quan trọng nhất dành cho thị trường giai đoạn tăng vừa qua. Nếu khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng tốt, quá trình giằng co/điều chỉnh của thị trường sẽ diễn ra ở mức vừa phải và ít có khả năng chỉ số “nhúng” dưới vùng 1.000 điểm trước khi tăng trở lại sau đó. Trong tình huống khối ngoại đảo chiều trở lại bán ròng, kịch bản điều chỉnh về dưới khu vực 1.000 điểm sẽ dễ xảy ra hơn.
Về việc tăng tín dụng vào thời điểm lúc này, tôi cho rằng đây là hành động có ý nghĩa biểu tượng lớn hơn là ý nghĩa thực tế. Thứ nhất là chỉ còn 25 ngày nữa là hết năm; thứ hai là chi phí đồng vốn – lãi suất cho vay – vẫn còn cao, nên sẽ chỉ có một số lượng người đi vay nào kẹt thanh khoản mới chấp nhận mức lãi suất này.
Do đó, rất khó để sử dụng hết room tín dụng mới tăng thêm này trong vòng 1 tháng. Với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ đón nhận thông tin này với quan điểm rằng ít nhất cơ quan quản lý cũng đã có sự lưu ý đối với tình hình thiếu thanh khoản trong nền kinh tế. Đây được xem là một bước cải thiện nhưng chưa thể chuyển trạng thái từ thận trọng sang rất lạc quan chỉ với động thái này.
Dự báo về cuộc họp tăng lãi suất của Fed trong tuần tới, khả năng cao mức tăng thêm thêm sẽ là 50 bps cho lần điều chỉnh này, giảm so với 4 lần tăng 75 bps trước đó. Mặc dù những phát biểu của các thành viên Fed gần đây cho thấy mức lãi suất mục tiêu cuối cùng có thể cao hơn (trên 5%) để có thể kéo lạm phát dài hạn về mức 2% mục tiêu, nhưng việc giảm tốc của Fed cũng đã giảm áp lực tỷ giá lên các đồng tiền thế giới khi đồng USD đã yếu đi. Đồng Việt Nam cũng đã tăng giá trở lại so với đồng USD, về lại mức cuối quý 3.
Cần nhắc lại là áp lực tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính buộc SBV phải tăng lãi suất chính sách thêm 200 bps chỉ trong tháng 9 và 10, nên khi áp lực tỷ giá giảm thì áp lực tăng lãi suất thêm của SBV cũng giảm và điều này đang tích cực hỗ trợ thị trường hồi phục trong 2 tuần vừa qua. Tôi nhìn nhận vấn đề này đang giúp cải thiện hơn tâm lý thị trường nhưng để kỳ vọng về sự bật tăng mạnh mẽ của TTCK Việt Nam, sẽ cần quay lại nhìn nhận và xử lý các nút thắt nội tại, vốn là nguyên nhân chính hơn tạo ra sự sụt giảm mạnh giai đoạn trước của thị trường.
Trước bối cảnh trên, nhà đầu tư cần định hình tình huống hiện tại cho phù hợp. Sự cải thiện của thị trường đúng là đang diễn ra, nhưng nó là sự cải thiện từ những gì rất xấu trước đó, từ một trạng thái quá bán cực đoan đi lên những vùng cân bằng hơn.
Động lực chính giai đoạn hồi phục vừa qua vẫn có phần chính đến từ hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại và điều này có thể bị thay đổi và cũng cần nhìn nhận những vấn đề là nút thắt lớn nhất trong nội tại (đơn cử như câu chuyện thị trường trái phiếu), dù đang nhận được sự quan tâm lớn hơn từ cơ quan điều hành, vẫn chưa rõ ràng về giải pháp xử lý trong khi áp lực cho năm 2023 của các vấn đề này là rất lớn.
Do đó, NĐT nên giữ một tỷ trọng cân bằng trong giai đoạn hiện nay, bởi chúng ta đang có sự cải thiện nhưng không phải đang ở một giai đoạn rất tích cực của thị trường. Ngoài ra sự phân hóa cho giai đoạn tới khả năng sẽ rất cao, sự lựa chọn danh mục đầu tư vì vậy theo tôi sẽ có quyết định lớn hơn đến hiệu quả thay vì vấn đề tăng giảm của chỉ số.
“Con sóng” tiếp theo sẽ đến từ NĐT cá nhân
Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, thị trường rung lắc trong tuần qua là diễn biến rất hợp lý và bình thường. Với đà tăng nhanh và vượt ngoài kỳ vọng của rất nhiều người, việc điều chỉnh và tích lũy làrất cần thiết.
Đánh giá về phiên họp của FED trong tuần tới, tôi cho rằng mang nhiều màu sắc tích cực hơn khi diễn biến liên thị trường vẫn rất ổn với việc lợi suất trái phiếu chính phủ và Dollar Index vẫn duy trì đà giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu có điều bất ngờ thì thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ứng mạnh. Việc điều chỉnh giúp các bên tham gia thị trường xác định lại kỳ vọng của mình.
Nếu cuộc họp của Fed trong tuần sau có những tín hiệu tốt, nhà đầu tư trong nước cũng sẽ tự tin và quyết liệt hơn. Khi đó, có thể có nhịp tăng mới trong ngắn hạn giai đoạn kết thúc năm cũ và đầu năm mới.
Bối cảnh ở thời điểm hiện tại, theo tôi vẫn tương đối ổn trong ngắn hạn để ủng hộ cho xu hướng có thể tiếp tục hồi phục của thị trường. Khoảng thời gian tích lũy 1-3 tuần là cần thiết trong mỗi đợt tăng giá.
Với góc nhìn đó, tôi đưa ra kịch bản là thị trường có thể tiếp tục tích lũy tạo nền trong những phiên đầu tuần trước khi xu hướng sẽ rõ ràng hơn về cuối tuần. Hỗ trợ hiện tại của VN-Index quanh 1.040 điểm. Vùng hỗ trợ rất mạnh quanh 980-1.000 điểm, nơi khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức mua ròng cực kỳ mạnh mẽ.
Động thái nới room tín dụng của NHNN có thể đoán được từ trước khi sức ép liên thị trường giảm đi, tỷ giá hạ nhiệt, Dollar Index hạ nhiệt trong 3 tháng qua tạo khoảng không gian chính sách cho việc nới room tín dụng.
Tuy vậy thị trường phản ứng không mấy tích cực với thông tin trên cũng là điều dễ hiểu. Bởi trong trading có câu nói phổ biến “Buy the Rumor, Sell the Fact”, nghĩa là khi tin tốt, đặc biệt là tin tốt dễ đoán được công bố, động thái chốt lời được diễn ra. Động thái chốt lời càng mạnh hơn khi như đã nói VN-Index hồi phục nhanh kể từ đáy.
Còn nhớ hồi tháng 9, khi thông tin nới room tín dụng đợt đó được chốt, thị trường cũng điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên bối cảnh hiện tại rất khác, hồi tháng 9 gần như thông tin nới room là tâm điểm, là tin tốt duy nhất, là động lực chủ đạo của thị trường nên khi ra tin, mức độ chốt lời là cực lớn.
Ở thời điểm hiện tại, động lực đẩy thị trường trong thời gian qua là dòng tiền của NĐT nước ngoài và tổ chức, nới room là thông tin tích cực nhưng không trọng yếu lúc này. Do đó áp lực chốt lời khi thông tin nới room được công bố đã xảy ra, nhưng thị trường không quá tệ vì còn nhiều động lực khác.
Nếu như có sóng tăng tiếp tục trong thời gian tới, cá nhân tôi cho rằng thị trường cũng sẽ có sự phân hóa rất cao chứ không “dễ ăn” như nhịp hồi trong gần 1 tháng trở lại đây.
Có thể thấy từ đáy, thị trường đã có 2 nhịp tăng chính, đầu tiên là nhịp hồi quá bán và tiếp theo là nhịp tăng nhanh nhờ dòng tiền khối ngoại. Thị trường hồi phục mạnh khiến mặt bằng giá cổ phiếu đã lên cao, do đó việc giao dịch không cẩn trọng có thể tiếp tục gây ra những khoản lỗ lớn trong thời gian tới.
Đặc biệt, tôi cho rằng “con sóng” tiếp theo sẽ là nhịp của NĐT cá nhân, một bộ phận không nhỏ chưa tham gia kịp trong những nhịp vừa qua. Khi bối cảnh thực sự cải thiện trong ngắn hạn, số đông sẽ tự tin hơn trong việc tham gia.
Tận dụng nhịp tích luỹ để cơ cấu danh mục sang những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT
Tuần giao dịch tới sẽ có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra như công bố số liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ vào thứ ba (13/12), phiên họp quyết định chính sách tiền tệ của FED vào thứ 4-thứ 5 (14-15/12) và phiên đáo hạn phái sinh vào thứ 5 (15/12).
Trước những sự kiện quan trọng đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trong tuần giao dịch tới. FED nhiều khả năng sẽ hành động như kịch bản kỳ vọng của thị trường là tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tới, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là những bình luận trong cuộc họp báo sau đó của chủ tịch FED về triển vọng lạm phát, thị trường lao động cũng như hé lộ những bước đi tiếp theo về chính sách tiền tệ.
Khi vẫn còn những điều không chắc chắn ở phía trước, chúng tôi cho rằng thị trường khó có thể bứt phá trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng tích lũy trong vùng 1.030-1.070 điểm.
Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tích lũy này của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuyển hướng sang những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng (nới room tín dụng, NHNN có động thái hỗ trợ thanh khoản), chứng khoán (điểm số và thanh khoản TTCK phục hồi), bảo hiểm (hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng, vật liệu xây dựng và hạ tầng giao thông (tăng tốc giải ngân đầu tư công), điện (dòng tiền và cổ tức ổn định).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu ở mức vừa phải ở mức tối đa 80/20 và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin để hạn chế rủi ro phòng trường hợp thị trường bất ngờ đảo chiều khi có những rủi ro không dự tính trước xuất hiện.
Nhịp sống thị trường