6 tháng đầu năm 2023, Chứng Khoán Tiên Phong (TPS) lãi đạt hơn 137,4 tỷ đồng, thực hiện gần 60% kế hoạch

Chứng khoán Tiên Phong (TPS – MCK: ORS) báo lãi trước thuế nửa đầu năm 2023 đạt 137,4 tỷ đồng, thực hiện gần 60% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nhờ có nhiều biện pháp thúc đẩy kinh doanh phù hợp với bối cảnh thị trường cũng như chú…

Fatz Admin lúc 2023-07-20
6 tháng đầu năm 2023, Chứng Khoán Tiên Phong (TPS) lãi đạt hơn 137,4 tỷ đồng, thực hiện gần 60% kế hoạch

Chứng khoán Tiên Phong (TPS – MCK: ORS) báo lãi trước thuế nửa đầu năm 2023 đạt 137,4 tỷ đồng, thực hiện gần 60% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nhờ có nhiều biện pháp thúc đẩy kinh doanh phù hợp với bối cảnh thị trường cũng như chú trọng phát triển công nghệ số trong hầu hết các sản phẩm và dịch vụ.

ORS:

TPS vừa công bố BCTC quý 2, 2023 với kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Doanh thu hoạt động quý 2 đạt 922,3 tỷ, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 bị lỗ gần 129 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động ghi nhận 1.621 tỷ đồng, tăng 10,1% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 110,2 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận 871 tỷ đồng, tăng 45,7% so với nửa đầu năm 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 39,6% xuống còn gần 57 tỷ đồng và doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán giảm 54% xuống còn gần 20 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TPS không ghi nhận doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, cùng kỳ năm 2022 doanh thu này đạt 12,9 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cũng giảm từ mức 31,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn gần 2 tỷ đồng trong điều kiện thị trường trái phiếu chưa hồi phục, tình hình phát hành TPDN vẫn khá trầm lắng khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN toàn thị trường chỉ ghi nhận 42.783 tỷ đồng, tương đương 15,9% giá trị phát hành của cả năm 2022, với 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng và 35 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 37.262 tỷ đồng.

QUẢNG CÁO

Nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho TPS. Hoạt động này đóng góp gần 37% tổng doanh thu hoạt động, đạt gần 599 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng doanh thu hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của TPS đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 10,1%.

Về chi phí, trong 6 tháng đầu năm, tài sản tài chính FVTPL ghi nhận lỗ 874 tỷ đồng, tăng 16,5%. So với cùng kỳ năm 2022, các chi phí hoạt động tự doanh giảm 24% xuống còn 1,6 tỷ đồng, chi phí môi giới giảm 45% xuống còn 26,7 tỷ đồng và chi phí hoạt động tư vấn tài chính giảm gần 58% xuống còn 51 tỷ đồng.

Riêng chi phí nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tăng 33,5% lên mức 269 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với mức tăng gấp 4 lần của doanh thu nghiệp vụ lưu ký thì mức tăng chi phí trên không đáng kể.

Tổng chi phí hoạt động 6 tháng là 1.222,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng kết, lãi sau thuế của TPS đạt 110,2 tỷ đồng, tăng 19,2%, đạt gần 60% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2023.

Tại thời điểm 30/06/2023, tổng tài sản của TPS ghi nhận 9.370 tỷ đồng, tăng mạnh 39,7% so với thời điểm đầu năm, trong đó khoản mục tiền và tương đương tiền tăng mạnh khi ghi nhận đến 2.430 tỷ đồng trong khi thời điểm đầu năm chỉ hơn 15 tỷ đồng. Khoản mục giảm mạnh là phải thu bán các tài sản tài chính từ mức 2.623 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 631 tỷ đồng.

TPS đang nắm giữ 1.564 tỷ đồng các tài sản tài chính FVTPL, giảm 13% so với đầu năm. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán ghi nhận 739 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm.

Thị trường 6 tháng đầu năm có nhiều khó khăn, TPS đã chủ động linh hoạt trong hành động phù hợp với tình hình thực tế để đạt được kết quả kinh doanh khả quan.

Bên cạnh đó, sớm nhận thấy tầm quan trọng của phát triển công nghệ số, ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu, TPS đã không ngừng cải tiến công nghệ. Với lợi thế thừa hưởng từ hệ sinh thái TPBank, TPS đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyển đổi số và tạo những dấu ấn sáng tạo nhất trong hệ sinh thái số từ trải nghiệm tối ưu của khách. Ngoài ra, khách hàng còn nhận được tư vấn tài chính đa kênh từ Trung tâm phân tích như chatbox, email, Zalo, Viber, Tiktok, Facebook và Youtube và chuỗi livestream hỗ trợ Nhà đầu tư hàng ngày. Chiến lược phát triển của công ty đang đi phù hợp với xu hướng số hoá trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo ra lợi thế người đi đầu, bước đệm quan trọng để mở rộng thị phần môi giới trong những năm tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực khi dòng tiền vào thị trường bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường dần đang được cải thiện. Bên cạnh đó, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có dư nợ cao như Bất động sản, Xây dựng và Vật liệu xây dựng. Ngành chứng khoán cũng được hưởng lợi ở cả yếu tố đầu vào và đầu ra nhờ chi phí vốn giảm, thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu vay ký quỹ tăng lên khi mặt bằng lãi suất giảm. Với kỳ vọng lãi suất duy trì xu hướng giảm trong thời gian tới và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi trong 6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được trả về mức định giá cao hơn. Do đó kết quả kinh doanh của các Công ty chứng khoán nói chung, và TPS nói riêng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.

Từ khoá: