Yêu cầu xác minh doanh nghiệp gạo Việt ‘bỏ thầu giá thấp’ xuất Indonesia

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo ‘bỏ thầu giá thấp’. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo thông tin cơ quan…

Fatz Admin lúc 2024-05-31

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo ‘bỏ thầu giá thấp’.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo thông tin cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp này có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

“Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xác minh thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp”, văn bản của Bộ Công Thương yêu cầu.

QUẢNG CÁO

Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng đề nghị VFA tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại. VFA cũng phải tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan nếu có. Việc báo cáo phải thực hiện trước ngày 31/5.

Yêu cầu xác minh doanh nghiệp gạo Việt 'bỏ thầu giá thấp' xuất Indonesia- Ảnh 1.

Hàn Quốc mới đây cũng thông báo kế hoạch đấu thầu nhập khẩu gạo trong đó dành cho Việt Nam hơn 55.000 tấn.

Trước đó, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5. Theo số liệu công bố, Bulog chỉ mua được số lượng gạo bằng phân nửa so với kế hoạch 300.000 tấn do trả giá quá thấp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tham gia thầu không đồng ý bán.

Theo công bố, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đại Tài (đơn vị thành viên của Lộc Trời) trúng thầu 100.000 tấn gạo, trên tổng số 300.000 tấn mà Perum Bulog đấu thầu đợt này. Công ty Lộc Trời trúng thầu với mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, Lộc Trời cùng Công ty Đại Tài sẽ thu về trên 1.300 tỷ đồng.

Đơn vị khác của Việt Nam là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn nhờ chào giá thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn. Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do VFA công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch VFA, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Ước đến ngày 15/5, tổng sản lượng 3,6 tấn, kim ngạch thu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% về giá trị. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Cụ thể, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định. Một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

“Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Sơn cho hay.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.

Từ khoá: