Yêu cầu hướng dòng vốn đi đúng địa chỉ, giảm tiêu cực cho vay

(KTSG Online) – Không hạ chuẩn nhưng các nhà băng cần đẩy mạnh tín dụng đi đúng địa chỉ, hướng đến ba động lực tăng trưởng quan trọng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần đẩy mạnh chống tiêu cực, cho vay sân…

Fatz Admin lúc 2023-12-19

(KTSG Online) – Không hạ chuẩn nhưng các nhà băng cần đẩy mạnh tín dụng đi đúng địa chỉ, hướng đến ba động lực tăng trưởng quan trọng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần đẩy mạnh chống tiêu cực, cho vay sân sau.

Các nhà băng cần hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ cần đến. Ảnh: LÊ VŨ

Đây là những chỉ đạo được nêu trong Thông báo số 527 do Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 18-12, về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, được tổ chức ngày 7-12 trước đó.

Thông báo nêu rõ bối cảnh hiện nay tăng trưởng tín dụng còn thấp, không đồng đều, trong khi đó doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống còn lớn.

QUẢNG CÁO

Ngoài ra, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là 120.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Điểm đáng lo nữa là nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Các nguyên nhân được xác định là từ hai phía. Với các tổ chức tín dụng thì hồ sơ cho vay vẫn còn phức tạp, lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Thị trường ngân hàng vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại.

Với doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cả về tín dụng tiêu dùng và đầu tư đều bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đủ điều kiện, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn.

Quan điểm của Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Các ngân hàng cần hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, bao gồm ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Dù không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc thực tế.

Với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì rà soát, nghiên cứu sửa đổi hoặc kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02, 03 và 06 ban hành năm 2023 của NHNN, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nhằm hoàn thiện khung pháp lý.

NHNN nghiên cứu về việc công bố lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng, chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay… để doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chính sách tín dụng ưu đãi, chẳng hạn như gói 120.000 tỉ đồng cần phải được đẩy mạnh, nghiên cứu xây dựng đề án riêng với đối tượng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Ngoài ra, thông báo cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.

Ngành ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NNHN, đồng thời chú ý phòng ngừa nợ xấu.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.