Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn trong bối cảnh các kênh huy động như vay vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu… đều đang bị tắc nghẽn. Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với các doanh…
Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với các doanh nghiệp (DN) về giải pháp ổn định thị trường chứng khoán, nhiều DN phản ánh việc huy động vốn đang bị ách tắc và kiến nghị cơ quan quản lý có giải pháp tăng khả năng huy động vốn trên thị trường.
Mong sớm nới room tín dụng
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc tài chính Tập đoàn Vingroup, kiến nghị trong bối cảnh hiện nay, DN rất mong chờ nhà nước xem xét hỗ trợ nới hạn mức (room) tín dụng để có thể thu xếp được nguồn vốn ngắn hạn, vốn lưu động.
Theo ông Võ Quốc Đức, Giám đốc tài chính Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, một số DN đã dồn sức đầu tư dự án trong khi lãi suất ngân hàng tăng khiến khả năng trả nợ trong ngắn hạn giảm và nguồn tiền đầu tư trong tương lai bị thiếu hụt. Do đó, DN đề xuất vẫn bảo đảm kỳ hạn trái phiếu nhưng có phương án hỗ trợ DN có thời gian trả nợ linh hoạt hơn. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu qua kênh trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán còn cao nên cần có cơ chế để nhà đầu tư tiếp cận trực tiếp nhiều hơn.
Đối với Nghị định 65/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế, các DN cho rằng cần nới lỏng hoặc có lộ trình áp dụng một số quy định. Bên cạnh đó, các DN đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 16/2021 để ngân hàng có thể mua lại trái phiếu đã phát hành bởi lượng trái phiếu DN do ngân hàng nắm giữ hiện rất lớn.
Đại diện nhiều DN khẳng định mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng DN vẫn nỗ lực tìm nhiều giải pháp huy động vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, tạo dòng tiền và ưu tiên trả gốc, lãi trái phiếu DN cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để bảo đảm thanh khoản thị trường, cung ứng vốn cho nền kinh tế, các DN phát hành kiến nghị các địa phương rà soát, xử lý nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện. Từ đó, DN bất động sản mới có điều kiện triển khai dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khơi thông dòng tiền.
Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sửa đổi Thông tư 16/2021 để ngân hàng có thể mua lại trái phiếu đã phát hành bởi lượng trái phiếu do ngân hàng nắm giữ hiện rất lớn. Ảnh: BÌNH AN
Nhiều lựa chọn tái cấu trúc trái phiếu
Cơ cấu nợ trái phiếu là giải pháp được quan tâm trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp và thị trường chứng kiến sự suy giảm niềm tin mạnh mẽ. Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng Phòng Nghiên cứu FiinRatings (thuộc FiinGroup), nhìn nhận việc DN đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn để giảm áp lực rủi ro nợ đáo hạn đã ảnh hưởng đến tình hình thanh khoản và tiến độ triển khai nhiều dự án. Tuy vậy, đây vẫn là giải pháp khá tích cực giúp giảm gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay, nhất là với những DN có đủ tiềm lực tài chính. “Phương án tái cấu trúc trái phiếu DN nên được xây dựng và đàm phán trước khi nợ đến kỳ đáo hạn. Có thể áp dụng một số phương án tái cấu trúc như: gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán một phần; gia hạn kỳ trả nợ không thanh toán gốc và hàng đổi hàng” – ông Tùng Anh góp ý.
Phân tích cụ thể, ông Tùng Anh cho rằng phương án gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán một phần có thể áp dụng với DN có năng lực và mong muốn đáp ứng nghĩa vụ nợ nhưng gặp khó khăn trong ngắn hạn, cần giãn nợ để vượt qua giai đoạn này. Việc chủ động thanh toán một phần và được giãn, hoãn phần còn lại giúp DN tuân thủ trả nợ gốc và lãi, qua đó giữ được mức độ tín nhiệm cho hoạt động huy động vốn trong tương lai.
Với phương án gia hạn kỳ trả nợ không thanh toán gốc, theo chuyên gia của FiinRatings, nên áp dụng trong trường hợp nhà phát hành gặp khó khăn lớn, không thể duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh và cần chấp nhận một mức chiết khấu nhất định để có thể hoàn thành dự án. Nhờ vậy, DN có cơ hội thu lại tiền gốc và lãi trong tương lai. Còn với phương án hàng đổi hàng, các chuyên gia đánh giá hiệu quả tương đối khả quan song cần sự đồng thuận giữa nhà đầu tư với đơn vị phát hành và phụ thuộc lớn vào bản chất hoạt động kinh doanh cũng như sản phẩm của mỗi DN.
TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nêu giải pháp DN phát hành trái phiếu có thể bán tài sản đang nắm giữ để mua lại trước hạn hoặc vận động các nhà đầu tư lớn đứng ra mua lại thay cho DN để củng cố niềm tin thị trường, tiếp tục phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn cho các dự án đang và sẽ triển khai. “Bộ Tài chính nên nghiên cứu phát triển thị trường nợ song song với thị trường chứng khoán, nếu không thì sẽ khó phát huy hiệu quả từ thị trường trái phiếu vốn rất có lợi cho nền kinh tế. Cần quy định trách nhiệm của đơn vị tư vấn phát hành, thay đổi quy trình phát hành để bảo vệ người mua, đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm để tạo niềm tin cho nhà đầu tư” – TS Lê Đạt Chí góp ý thêm.
Nâng cao năng lực nhà đầu tư
Ở góc nhìn vĩ mô, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng trong dài hạn, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông. Song song đó, chú trọng phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức; phát triển các quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản đóng vai trò dẫn dắt thị trường, hạn chế tình trạng tăng “nóng” hay giảm sâu do sự hưng phấn hoặc bi quan quá mức của một số nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường ổn định, phát triển bền vững và cung cấp thêm kênh đầu tư phù hợp.
“Các chính sách, giải pháp cần được xây dựng theo hướng nhất quán, rõ ràng, có lộ trình và cập nhật công khai. Bên cạnh đó, cần quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, bảo đảm liên thông giữa hệ thống ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – bất động sản bởi 4 lĩnh vực này có mối quan hệ tương tác chặt chẽ. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp hiệu quả trong việc nhìn nhận hiện tượng, trao đổi thông tin và quản lý, giám sát toàn hệ thống thay vì điều hành rời rạc, cục bộ, giật cục trong ngắn hạn” – TS Cấn Văn Lực nói.
ThS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nêu quan điểm nhà nước chỉ nên kiểm soát chặt điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN, yêu cầu công bố thông tin đúng sự thật… thay vì can thiệp sâu vào thị trường. Bởi vì, theo TS Vũ, bản chất của hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ là đơn vị phát hành và người mua tự chịu trách nhiệm.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng không nên khuyến cáo DN giảm giá bất động sản để gia tăng thanh khoản. DN lĩnh vực bất động sản kiến nghị nhà nước có giải pháp hỗ trợ DN một cách đồng bộ để giải quyết khó khăn chung cho thị trường, từ đó khơi thông dòng vốn.
Sẽ báo cáo giải pháp hỗ trợ dự án dở dang
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đối với thị trường trái phiếu DN, cần quán triệt nguyên tắc “tự vay – tự trả, tự chịu trách nhiệm”. Trong đó, DN phát hành phải có trách nhiệm giữ đúng cam kết với nhà đầu tư và chủ động đàm phán về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trong trường hợp có khó khăn; cơ cấu lại hoạt động sản xuất – kinh doanh để tránh dàn trải, không hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cam kết sẽ xem xét sửa đổi Nghị định 65/2020 theo hướng tạo điều kiện cho thị trường phát triển phù hợp hoàn cảnh, trong đó có quy định về việc cho nhà đầu tư đàm phán trả nợ trái phiếu bằng căn hộ, đất đai, sản phẩm. Về đề xuất nới room tín dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ báo cáo Chính phủ giải pháp hỗ trợ những dự án dở dang.
Nguồn lực từ 1 triệu tỉ đồng đầu tư công
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận định giải pháp cấp bách là tăng cung tiền cho nền kinh tế, trong đó cần lưu ý giải phóng 1 triệu tỉ đồng phục vụ đầu tư công đang nằm trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, có thể tạm ứng cho DN có dự án đầu tư công để có nguồn tiền triển khai dự án, đồng thời trích lập quỹ bảo lãnh trái phiếu DN từ gói 1 triệu tỉ đồng này. Với cách làm này, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho trái phiếu DN đến hạn, người mua lại trái phiếu và việc phát hành trái phiếu mới để đáo hạn với điều kiện DN phát hành có tài sản bảo đảm tại quỹ bảo lãnh trái phiếu DN.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước không bơm tiền vào lưu thông thì việc nới lỏng room tín dụng không có ý nghĩa, ngược lại có thể khiến các ngân hàng thương mại đua tăng lãi suất huy động, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao hơn” – TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-11
Người lao động