Trong quá trình khám xét Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC, Cơ quan cảnh sát điều tra trích xuất dữ liệu lưu trữ email em gái bị can Trịnh Văn Quyết, phát hiện ra hình ảnh có công văn đóng dấu tối mật của Cơ quan Thanh tra, giám…
Như Báo Người Lao Động vừa thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (cùng em gái ông Quyết) và Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC, về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, có 16 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán theo khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra tiến hành niêm phong một số tài liệu, thiết bị liên quan đến vụ án. Ảnh: CAND
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn xác minh dấu hiệu tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước của Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết) và các đối tượng liên quan.
Cụ thể, ngày 29-3-2022, Bộ Công an thi hành lệnh khám xét tại Phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC, trích xuất dữ liệu lưu trữ email huetm@flc.vn của Huế từ một máy chủ, phát hiện ngày 10-6-2020 có hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1. Đây là công văn ngày 2-6-2020 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài “Về việc đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, kèm theo Danh sách 5 doanh nghiệp và 5 cá nhân đại diện pháp luật”. Đáng chú ý, phía trên bên trái công văn được đóng dấu “Tối mật”.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu Cục An ninh chính trị nội bộ giám định Công văn 640 nêu trên, để làm rõ việc văn bản này có phải tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành không? Thuộc độ mật và danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực nào?
Vào cuộc xác minh, cơ quan chuyên môn xác định “mẫu giám định không phải là tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành”. Do vậy, Bộ Công an kết luận hành vi lưu trữ hình ảnh bản photo là Công văn số 640 trong email của Trịnh Thị Minh Huế không đủ yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Trong quá trình thực hiện lệnh khám xét 21 địa điểm, chỗ ở, nơi làm việc của một số bị can, Bộ Công an đã phát hiện, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu và 47 phương tiện điện tử gồm điện thoại di động, laptop, máy tính bảng, máy tính bàn…
Theo kết luận, bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân, nhân viên và các công ty con, sử dụng khoản chứng khoán để “thổi giá” các mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART; qua đó hưởng lợi bất chính 723 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Quyết còn “phù phép”, nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Sau đó, cựu chủ tịch FLC đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM để bán, chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Số tiền thu lợi bất chính, bị can Trịnh Văn Quyết dùng để mua cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways; trả nợ; gửi vào tài khoản chứng khoán và chi tiêu cá nhân…
Người Lao Động