Sau những nhịp giằng co, đà tăng của VN-Index hạ nhiệt về cuối phiên hôm nay (4/6),khi sắc đỏ trở lại chiếm ưu thế trên HoSE. Dù chỉ số chính đóng cửa tăng hơn 3 điểm, nhưng sự phân hoá rõ rệt ở nhiều nhóm ngành. Trở lại vùng đỉnh…
Trở lại vùng đỉnh cũ 1.280 điểm, VN-Index diễn biến khá tích cực trong phiên sáng, với nỗ lực của nhóm vốn hóa lớn. Đà tăng gặp trở ngại trong chiều, đặc biệt khi áp lực bán gia tăng cuối phiên. Cổ phiếu lớn rổ VN30 hầu hết đều thu hẹp đà tăng. VCB đóng cửa chỉ tăng 0,6%, nhưng với lợi thế vốn hoá lớn, vẫn đứng đầu nhóm dẫn dắt thị trường.
FPT theo sau, cổ phiếu công nghệ tiếp tục duy trì sức hút với nhà đầu tư. Thanh khoản cổ phiếu này đạt gần 974 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn sàn. Thị giá tăng tiếp 1,6% lên 139.100 đồng/đơn vị sau khi FPT thông báo 13/6 là ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền nhận cổ phiếu thưởng. Theo đó, công ty sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20:3 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng.
Cũng nằm trong nhóm dẫn dắt thị trường, đồng thời có thanh khoản dẫn đầu toàn sàn, HPG gia tăng sức nóng cùng với đà tăng của các mã ngành thép. Đồng loạt HSG, NKG, TVN, TLH… tăng giá.
Thanh khoản của HPG, HSG đều trên 30 triệu đơn vị. Khối ngoại cũng dành sự quan tâm cho cổ phiếu thép, mua ròng HSG, NKG lần lượt 64 tỷ đồng, 44 tỷ đồng, giá trị cao thứ 2,3 toàn sàn.
Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh VN-Index thu hẹp đà tăng, nhiều nhóm ngành trở lại trạng thái phân hoá. Nhóm bất động sản ghi nhận loạt cổ phiếu giảm giá như DIG, NVL, VRE, KBC, DXG, PDR, IJC… Ngay cả nhóm vốn hoá lớn nhất là ngân hàng cũng thiếu sự đồng thuận, khi SHB, EIB, ACB, VPB… điều chỉnh.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,52 điểm (0,27%) lên 1.283,52 điểm. HNX-Index giảm 0,4 điểm (0,16%) xuống 244,32 điểm. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,07%) lên 97 điểm. Thanh khoản “hụt hơi” so với phiên trước, giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 20.100 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục thu hẹp bán ròng, giá trị giảm còn 160 tỷ đồng, tập trung vào MWG, VND, VHM… Ở chiều ngược lại, vốn ngoại giải ngân vào FPT, HSG, NKG…
Tiền phong