Áp lực chốt lời mạnh mẽ vào cuối phiên khiến VN-Index lao dốc, rời xa khỏi mốc 1.300 điểm và xóa sạch thành quả cả tuần. Nhiều nhà đầu tư lại ngỡ ngàng, không biết chuyện gì xảy ra khi thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh vào cuối…
Nhiều nhà đầu tư lại ngỡ ngàng, không biết chuyện gì xảy ra khi thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh vào cuối phiên ngày 14-6.
VN-Index mất hơn 21,6 điểm, còn 1.279,91 điểm (-1,66%); HNX-Index giảm mạnh 4,39 điểm, còn 243,97 điểm trong khi Upcom giảm 1,16 điểm, còn 97,87 điểm.
Thanh khoản tăng đột biến lên hơn 29.300 điểm. Một loạt cổ phiếu giảm điểm rất mạnh thuộc các nhóm ngành từ chứng khoán, ngân hàng, thép, bất động sản…
Các cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường gồm: GVR, VPB, VCB, CTG, BID…
Phiên giảm điểm mạnh vào cuối tuần cũng xóa sạch thành quả tăng điểm trước đó. Nhiều nhà đầu tư băn khoăn: “Thị trường có tin gì xấu không?”, “có tin đồn gì không?” khi VN-Index vừa vượt 1.300 điểm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên.
Nhiều nhà đầu tư đã “đua lệnh” (mua vào cổ phiếu trong 2 phiên vừa qua sau khi thị trường vượt 1.300 điểm) và bị lỗ ngược trong phiên hôm nay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động sau phiên giảm điểm mạnh chiều 14-6, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM), nhận định sau khi VN-Index vượt 1.300 điểm, rất nhiều cổ phiếu đều vượt đỉnh nên việc điều chỉnh giảm cũng là không quá bất ngờ.
Trong xu hướng đi lên, thị trường rung lắc điều chỉnh giảm là cần thiết và đây là cơ hội cho những nhà đầu tư đang cần tiền mặt.
“Nhà đầu tư nên duy trì tỉ lệ tiền mặt nhất định, khi có đợt giảm điểm của VN-Index và giá cổ phiếu về mức hợp lý có thể mua vào. Những đợt điều chỉnh như phiên hôm nay là cơ hội cho nhà đầu tư đang chờ đợi bên ngoài” – ông Bùi Văn Tốt nhận xét.
Ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng phân tích Công ty Chứng khoán BETA, cho rằng thị trường đang duy trì xu hướng tích cực cả trong ngắn hạn và trung dài hạn nhưng vẫn có rủi ro khi mặt bằng định giá đang dâng cao. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu đầu ngành đã và đang thiết lập vùng đỉnh lịch sử khiến tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn bị thu hẹp.
“Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng rất mạnh, dòng tiền nội đang cân rất khỏe nhờ mặt bằng lãi suất thấp. Do đó, không loại trừ khả năng rủi ro điều chỉnh bất ngờ” – ông Phụng nhận định.
Người Lao Động