VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp “tay ngang” đem tiền đầu tư chứng khoán “thở phào”

Không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp mà nhiều doanh nghiệp tay ngang nhẹ nhõm phần nào khi khoản đầu tư của họ đã giảm lỗ, dẫu vẫn chưa thể “về bờ”. Thị trường chứng khoán hồi phục khá tích cực trong nửa đầu năm 2023, qua đó chạm…

Fatz Admin lúc 2023-08-05
VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào"

Không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp mà nhiều doanh nghiệp tay ngang nhẹ nhõm phần nào khi khoản đầu tư của họ đã giảm lỗ, dẫu vẫn chưa thể “về bờ”.

Thị trường chứng khoán hồi phục khá tích cực trong nửa đầu năm 2023, qua đó chạm mốc cao nhất trong vòng 10 tháng khiến nhiều nhà đầu tư tham gia “thở phào”. Không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp mà nhiều doanh nghiệp tay ngang đem tiền đầu tư chứng khoán cũng nhẹ nhõm phần nào khi khoản đầu tư của họ đã giảm lỗ, dẫu vẫn chưa thể “về bờ”.

Giảm lỗ, song chưa thể “về bờ”

Trong bối cảnh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sâu, “nữ hoàng cá tra” CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn âm thầm đầu tư chứng khoán. Thời điểm cuối quý 2/2023, Vĩnh Hoàn chi tới 175 tỷ đầu tư vào danh mục gồm có NLG, DXS, KBC và phần nhỏ là các cổ phiếu khác.

QUẢNG CÁO

Hiện, doanh nghiệp đang trích lập gần 51 tỷ đồng cho toàn bộ danh mục, tương ứng tạm lỗ 29%, trong số đó, khoản lỗ lớn nhất thuộc về DXS của Dịch vụ BĐS Đất Xanh với mức trích lập dự phòng hơn 27 tỷ đồng cho khoản đầu tư giá gốc gần 58 tỷ đồng, tương đương tạm lỗ 47%.

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2023 của VHC

Tương tự, Thép Tiến Lên (TLH) vẫn tiếp tục với công cuộc đầu tư chứng khoán bên cạnh lĩnh vực chính là thép. Tại thời điểm 30/6/2023, doanh nghiệp thép này còn “ôm” hơn 96 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh tính theo giá gốc, song giá trị hợp lý của khoản đầu tư này còn 70 tỷ đồng (tạm lỗ 27%). Dù vậy, con số này đã khá khẩm hơn so với mức tạm lỗ gần 60% hồi đầu năm.

Các khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục vẫn là SHB, VIX và IJC lần lượt tạm ghi lỗ 38%, 27% và 24%. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp thép này đã bán bớt khoảng 14 tỷ đồng cổ phiếu VIX và 5 tỷ đồng cổ phiếu IJC (tính theo giá gốc).

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quý 2/2023 của TLH

Cùng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Đá Hóa An (DHA) ghi nhận khoản mục chứng khoán kinh doanh có giá gốc 89 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023, không thay đổi so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn tỷ trọng là 2,64 triệu cổ phiếu HPG, giá gốc hơn 80 tỷ đồng.

DHA hiện dự phòng giảm giá đầu tư hơn 14 tỷ, giảm khoảng 22 tỷ đồng so với đầu năm. Khả năng cao diễn biến hồi phục của cổ phiếu HPG trong quý 2 đã giúp khoản đầu tư của Hóa An bớt lỗ.

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC quý 2/2023 DHA

Ngoài ra, CTCP Đầu tư CMC (mã: CMC) cũng được biết đến là một “tay ngang” đầu tư chứng khoán. Tính đến hết ngày 30/6/2023, giá gốc khoản mục chứng khoán kinh doanh ghi nhận gần 30 tỷ đồng, không đổi so với cuối quý 1. Một số khoản đầu tư lớn nhất của CMC là GEX, EBS, HPG, VLC, LTC,.. trong đó, GEX có giá gốc gần 11 tỷ, HPG (3,2 tỷ), EBS (9 tỷ).

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 4.

Nguồn: BCTC quý 2/2023 của CMC

Nhắc đến tay ngang đem tiền đầu tư chứng khoán không thể thiếu các doanh nghiệp sách, thiết bị trường học, điển hình là CTCP Sách Giáo dục tại Tp. Đà Nẵng (mã DAE) . Khoản chứng khoán kinh doanh có giá gốc gần 5,7 tỷ đồng tại thời điểm 30/6, trong đó, danh mục đầu tư của DAE chỉ có duy nhất cổ phiếu HHS với khối lượng 564.753 đơn vị.

Tại thời điểm 30/6/2023, DAE phải trích lập dự phòng giảm giá gần 3 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ lên đến 52,6%. Con số này đã giảm đôi chút so với thời điểm đầu năm tuy nhiên vẫn còn rất “xa bờ” dù cổ phiếu HHS đang có xu hướng tăng khá mạnh thời gian gần đây.

Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản tay ngang đầu tư chứng khoán từng “bỏ cuộc” quý đầu năm đã trở lại với cuộc đua. Thời điểm cuối quý 2/2023, Licogi 14 (mã: L14) đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 32 tỷ đồng và dự phòng giảm giá đầu tư gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty không thuyết minh cụ thể.

Trước đó, cuối quý 1/2023, doanh nghiệp này không ghi nhận đầu tư vào chứng khoán kinh doanh. Một điểm lưu ý là việc trở lại đầu tư chứng khoán của L14 diễn ra trong bối cảnh ông Nguyễn Mạnh Tuấn (hay còn được biết tới với biệt danh A7) rút khỏi thành viên HĐQT tại công ty.

Đầy kinh nghiệm vẫn lỗ

Hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản, đầu tư chứng khoán có thể coi như “nghề tay phải” của Trí Việt (TVC) . Phần lớn tài sản TVC là các khoản đầu tư chứng khoán, chiếm gần 68% tổng tài sản (tính đến cuối quý 2/2023). Theo đó, TVC đang đầu tư hơn 1.220 tỷ đồng vào các mã cổ phiếu HPG (833 tỷ), FPT (273 tỷ), MWG (70 tỷ), TDH (11 tỷ), NKG (17,4 tỷ),… Nếu như hồi đầu năm, tất cả các cổ phiếu TVC đang nắm giữ đều đang tạm lỗ, đến hiện tại đã có FPT, NKG, DDV có lãi.

Trong nửa đầu năm, TVC cũng đã giảm bớt khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG, FPT, và mua thêm MWG. Tại thời điểm 30/6, TVC đang sở hữu khoảng 26,5 triệu cổ phiếu HPG; 4,1 triệu cổ phiếu FPT; 1,6 triệu cổ phiếu MWG; 5,2 triệu cổ phiếu MBB. Khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán ghi nhận 112 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho HPG đạt 107 tỷ đồng (giảm gần 252 tỷ đồng so với đầu năm).

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 5.

Nguồn: BCTC quý 2/2023 của TVC

Vẫn có những tay chơi khá “mát tay”

Bên cạnh hoạt động kinh doanh bất động sản, Nhà Đà Nẵng (NDN) còn được biết đến là doanh nghiệp ưa thích đầu tư chứng khoán. Thời điểm 30/6/2023, khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng có giá gốc đạt 367 tỷ đồng, giá trị hợp lý đạt 399 tỷ đồng. Trong khi cuối quý 1, giá gốc ghi nhận 365 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ ở mức 331 tỷ đồng.

Nhà Đà Nẵng đã khá “mát tay” khi mua thêm nhiều cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm như HPG, DGC, VND, SSI, MWG. Những khoản đầu tư này đều đang tạm lãi, riêng HPG đang lãi lên đến 47%. Tuy nhiên, VHM cũng là cổ phiếu khiến doanh nghiệp này phải dự phòng giảm giá lớn nhất với hơn 12 tỷ đồng. Trong khi đó, TCB đang là cổ phiếu lỗ nặng nhất trong danh mục với mức âm 37%.

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 6.

Nguồn: BCTC quý 2/2023 của NDN

Theo BCTC quý 2/2023 của Cơ điện lạnh (mã REE) , danh mục chứng khoán kinh doanh ghi nhận giá gốc hơn 933 tỷ đồng, tăng 143 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có giá trị 696 tỷ đồng, không đổi so với hồi cuối quý 1.

Đáng chú ý, thời điểm cuối quý 1, REE không trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào QTP, đồng thời cổ phiếu này đã tăng giá tới 21% trong quý 2. Nhiều khả năng, REE đã có động thái chốt lời cổ phiếu này.

VN-Index lên cao nhất 10 tháng, loạt doanh nghiệp "tay ngang" đem tiền đầu tư chứng khoán "thở phào" - Ảnh 7.

Cần nhìn nhận rằng, sau nhiều đợt giảm lãi suất liên tiếp của NHNN, thị trường chứng khoán càng trở nên hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư không chỉ cá nhân mà nhiều doanh nghiệp cũng hứng thú với đầu tư cổ phiếu.

Không ít doanh nghiệp “tay ngang” mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư kiếm lời ngắn hạn nhưng vẫn có cái tên gần như chấp nhận rời xa lĩnh vực cốt lõi để rẽ hẳn sang hướng đầu tư tài chính. Song, “cuộc chơi chứng khoán” của những tay ngang chưa bao giờ là dễ dàng. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không dám khẳng định tự tin chiến thắng bởi sự khó lường của chứng khoán, đặc biệt với thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán Việt Nam.

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.