Cổ phiếu CTD đã liên tiếp giảm mạnh sau khi liên danh do Coteccons đứng đầu không nằm trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu gói thầu số 5.10 sân bay Long Thành. CTD: VOF Investment Limited – quỹ thuộc VinaCapital…
VOF Investment Limited – quỹ thuộc VinaCapital quản lý vừa thông báo đã bán ra 600.000 cổ phiếu của CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) trong ngày 31/7/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm VinaCapital tại Coteccons đã giảm từ 6,07% xuống còn 5,26%, tương đương lượng nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu.
Tạm tính theo giá CTD đóng cửa phiên diễn ra giao dịch 31/7 (71.900 đồng/cp), VOF có thể thu về hơn 43 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu. Sau khi quỹ ngoại này giảm sở hữu, cổ phiếu CTD đã giảm mạnh thêm 2 phiên đầu tháng 8 trong đó có một phiên giảm kịch sàn. Dù vậy, cổ phiếu này hiện vẫn cao hơn gần gấp đôi so với đầu năm và đang dừng ở mức 63.300 đồng/cp.
Trước đó, CTD và nhiều cổ phiếu nhóm xây dựng khác đã nổi sóng cùng câu chuyện liên quan tới gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” thuộc đại dự án sân bay Long Thành với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Trước những luồng thông tin trái chiều gần đây, cổ phiếu của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cũng “đảo như rang lạc”.
Mới nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu gói thầu số 5.10 sân bay Long Thành nhưng không có tên của liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu.
Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu trên. Liên danh này còn có sự tham gia của nhiều nhà thầu trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp.
Trước khi đón tin không vui từ gói thầu lớn nhất sân bay Long Thành, Coteccons đã công bố BCTC hợp nhất quý 2 với kết quả tương đối khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý vừa qua đạt gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, khả quan hơn so với khoản lỗ gần 24 tỷ quý 2/2022 và cũng là mức cao nhất kể từ quý 3/2021.
Theo giải trình từ phía Coteccons, doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc, qua đó góp phần tối ưu hóa chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 240 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Coteccons còn có khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 195 tỷ đồng so với quý 2/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 6.749 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần quý 2/2022 qua đó hoàn thành vượt kế hoạch cả năm đề ra (44 tỷ đồng).
Nhịp Sống Thị Trường