Cổ phiếu Vietnam Airlines đã tăng gấp đôi từ cuối tháng 3 năm nay qua đó đẩy giá trị vốn hóa của hãng hàng không này lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 27 tháng. HVN: Bất chấp thị trường chứng khoán rung lắc, cơn sốt mang…
Bất chấp thị trường chứng khoán rung lắc, cơn sốt mang tên cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cổ phiếu này vừa có phiên tăng kịch trần “trắng bên bán” lên mức 26.900 đồng/cp, cao nhất trong vòng 27 tháng kể từ giữa tháng 2/2022.
Kể từ khi bắt đầu nổi sóng hồi cuối tháng 3/2024 đến nay, thị giá HVN đã tăng gấp đôi. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng gần 30.000 tỷ (1,2 tỷ USD) sau 2 tháng, lên mức xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN tăng nóng trong bối cảnh Vietnam Airlines đón nhận nhiều thông tin tích cực thời gian gần đây. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không này.
Theo Bộ trưởng Sơn, đây là nội dung rất quan trọng, cần xin ý kiến của Quốc hội. Nguyên nhân là tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Do vậy, Chính phủ xin Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines cũng đang có những chuyển biến khởi sắc. Quý 1/2024, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong một quý kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Trong quý đầu năm, giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp Vietnam Airlines lãi gộp 4.048 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận lợi nhuận khác lên đến 3.672 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, hãng hàng không này lãi ròng kỷ lục 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lỗ 103 tỷ đồng.
Theo giải trình, lợi nhuận quý này của Vietnam Airlines tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hãng bay có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý 1/2024, Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay (đây là quý đầu tiên sau đại dịch covid Pacific Airlines có kết quả kinh doanh lãi).
Thực tế, hoạt động vận tải hành khách của các hãng hàng không vẫn còn nhiều thách thức. Tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” do báo Thanh niên tổ chức ngày 17/5, ông Đặng Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, lợi nhuận quý 1 của hãng tăng tăng mạnh chủ yếu đến từ khoản thu nhập khác thay vì đến từ giá vé đắt đỏ như mọi người nghĩ.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh giá vé máy bay dù tăng nhưng vẫn cách rất xa mức trần theo quy định. Điểm đáng chú ý là 76% chi phí đến từ nhiên liệu và thiết bị bay, nhưng hãng bay lại không kiểm soát được 2 yếu tố này.
“Đối với ngành hàng không nói chung trên toàn thế giới, 1 khách chỉ lãi được 1 USD. Hàng không ở Việt Nam cũng tầm đó, chúng tôi cũng tương tự, thậm chí dưới 1 USD. Lãi mỏng như vậy nên chỉ cần bay vào Tân Sơn Nhất gặp một cơn mưa giông, chúng tôi phải vòng lại một chút, là 1 USD đó bay luôn”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 23/5 tới đây, Vietnam Airlines sẽ chốt danh sách đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 21/6/2024. Tài liệu họp hiện chưa được công bố.
Đời sống Pháp luật