(KTSG online) – Lãi suất đô la Mỹ, giá vàng tăng vọt và đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thô là những lý do quan trọng đẩy sức ép trên thị trường ngoại hối lên cao trong 3 tháng đầu năm. Giá đô la vẫn tiếp tục tăng cao kỷ…
(KTSG online) – Lãi suất đô la Mỹ, giá vàng tăng vọt và đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thô là những lý do quan trọng đẩy sức ép trên thị trường ngoại hối lên cao trong 3 tháng đầu năm.
Đà tăng tiếp tục
Áp lực của tỷ giá ngày càng lớn hơn khi đà tăng chưa dừng lại, đặc biệt là khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã vượt đỉnh lịch sử.
Trong phiên ngày 4-4, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank vào buổi sáng đã tăng lên mức 25.140 đồng/đô la ở chiều bán ra, tăng 170 đồng so với cuối tuần trước. Trước đó, mức đỉnh hồi tháng 10-2022 vào khoảng 24.872 đồng/đô la.
Trong hơn một tuần qua, giá chào bán niêm yết đã tiệm cận vùng đỉnh lịch sử quanh mức 25.000 đồng/đô la. Còn trên thị trường tự do, vùng này đã bị phá vỡ từ trước đó. Tính đến cuối giờ chiều qua, giá đô la chào bán trên thị trường phi chính thức lên đến 25.534 đồng/đô la ở chiều bán ra và 25.474 ở chiều mua vào.
Đà tăng của đô la tiếp tục diễn ra khá mạnh. Trong tuần trước, theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI, tỷ giá đã dao động ở trong vùng đỉnh lịch sử ở ngân hàng thương mại (Vietcombank) và thị trường phi chính thức, lần lượt đóng cửa ở mức 24.970 và 25.460 đồng/đô la, tức lần lượt tăng 2,3% và 2,8% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo này, một điểm đáng chú ý là tỷ giá thay đổi có sự phân hóa giữa các thị trường. Theo đó, tỷ giá thị trường liên ngân hàng kết tháng 3 dừng ở mức 24.790 đồng/đô la, chỉ tăng 2,15%, thấp hơn nhiều so với giá chào bán ở ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức.
Lý giải đà tăng nóng của đô la trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng áp lực từ thị trường quốc tế, bao gồm cả câu chuyện thảo luận liên tục về khả năng giảm lãi suất đồng đô la Mỹ của Fed trong thời gian tới.
“Số liệu về cán cân thương mại hay FDI giải ngân trong tháng 3 tích cực nhưng diễn biến tỷ giá kém tích cực do áp lực trên thị trường quốc tế vẫn rất mạnh”, báo cáo SSI đánh giá.
Thời gian qua, sức ép tỷ giá được các nhà phân tích đánh giá là do chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh lãi suất tiền đồng giảm sâu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, nhu cầu đô la trong nước có dấu hiệu tăng để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học UEH, dữ liệu cho thấy nhập khẩu nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng lên đáng kể. “Đây là tín hiệu tốt vì thường chúng ta phải nhập xong mới xuất khẩu được, nhưng tin xấu là sẽ gây áp lực đến tỷ giá ngân hàng”, ông Huân bình luận.
Trong khi đó, hiện tượng đầu cơ đô la cũng được các chuyên gia đặt vấn đề trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong những tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng, cùng với đó là sự bùng nổ của thị trường vàng.
Ghi nhận tính đến ngày 4-4, giá vàng thế giới và trong nước vẫn tiếp tục lập những mức kỷ lục mới. Trong một diễn biến khác, Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới đây vừa truy tố bị can trong vụ án nhập lậu 6,1 tấn vàng.
Chờ diễn biến tiếp theo
Trong đánh giá mới về tình hình vĩ mô Việt Nam quí 1, ông Brian Lee Shun Rong, Kinh tế gia của Tập đoàn MayBank Investment Bank cho rằng, việc bảo vệ tiền đồng đang trở thành ưu tiên ngày càng quan trọng. Theo đó, các biên pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm đến nay chủ yếu chỉ giới hạn ở việc phát hành tín phiếu kho bạc để hút thanh khoản và tăng lãi suất liên ngân hàng. Đây là giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách với lãi suất đồng đô la.
Từ giữa tháng 3, NHNN đã có động thái mới trên thị trường khi phát hành tín phiếu. Ước tính trong tháng 3, khoảng 164.300 tỉ đồng được NHNN “hút” về trên thị trường liên ngân hàng.
Diễn biến này được các chuyên gia đánh giá là một trong phương án “nhẹ nhàng” nhất để giảm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, cho đến nay hành động này có vẻ như vẫn chưa đủ mạnh để thị trường ngoại hối bớt căng thẳng.
Trong khi đó, tuần đầu tháng 4 cũng có những diễn biến mới đáng chú ý trên thị trường tiền tệ. Chẳng hạn, trong phiên ngày 2-4, NHNN ngừng phát hành tín phiếu, mà còn ngược lại mua gần 6.000 tỉ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4% từ một tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo chính phủ chiều ngày 3-4, lãnh đạo NHNN cũng nói rằng công cụ để giảm sức ép cho tỷ giá vẫn còn nhiều, trong đó có thể can thiệp để giữ ổn định nếu cần thiết. Thông tin thêm cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối năm 2023 ước khoảng 100 tỉ đô la.
Ngoài ra, trên thị trường liên ngân hàng cũng có diễn biến mới. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm trong phiên giao dịch 2-4 đa vọt lên mức 4,35%/năm, so với con số trên 3% trước đó.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn được đánh giá là chưa có biến động lớn. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng mức tăng này đang đưa lãi suất liên ngân hàng trở lại mức bình thường và không cho thấy sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của NHNN”, ông Brian của Maybank đánh giá.
Trên thực tế cho đến nay áp lực lên tỷ giá vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Ngay ở thời điểm quí 3-2023, có thời điểm tiền đồng giảm hơn 4% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Brian, NHNN hầu như không bán ra đô la để can thiệp.
Năm nay, dòng chảy vào của đô la vẫn tiếp tục được dự báo sẽ ổn định nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp, thậm chí gián tiếp và xuất khẩu, du lịch. Vì vậy, các định chế tài chính lớn hầu hết đều dự báo lãi suất khó có thể giảm thêm và cũng khó có thể tăng mạnh.
Chia sẻ tại một sự kiện gần đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VPBankS, đánh giá tỉ giá tăng nhanh trong những ngày qua nhưng theo giới phân tích, áp lực chỉ là ngắn hạn và sẽ dịu đi vào cuối năm khi FED bắt đầu giảm lãi suất.
Dù vậy, có lẽ cần phải quan sát thêm diễn biến của thị trường quốc tế, nơi có những lo ngại mới khiến giá vàng cứ liên tục phá kỷ lục, giá hàng hóa như dầu vẫn tăng trong bối cảnh địa chính trị vẫn tiếp tục bất ổn và khó dự đoán. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed mới đây cũng nói thêm rằng các dữ liệu gần đây về việc làm và lạm phát đều cao hơn dự báo, nghĩa là muốn giảm lãi suất thì vẫn phải cần thêm thời gian. Hiện nay, các nhà đầu tư đang dự đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 24-6.
Kinh tế Sài Gòn Online