Vì sao banker làm việc nhiều năm vẫn chưa lên chức?

Hình minh họa Là banker có bao giờ bạn tự hỏi rằng sao mình làm việc và cống hiến bao nhiêu năm mà…vẫn làm nhân viên hay không? Ngoài chuyện tiền lương, tiền thưởng cuối năm, có lẽ câu chuyện “bao giờ được lên chức” đều là nỗi niềm sâu…

Fatz Admin lúc 2022-12-26
Vì sao banker làm việc nhiều năm vẫn chưa lên chức?

Hình minh họa

Là banker có bao giờ bạn tự hỏi rằng sao mình làm việc và cống hiến bao nhiêu năm mà…vẫn làm nhân viên hay không? Ngoài chuyện tiền lương, tiền thưởng cuối năm, có lẽ câu chuyện “bao giờ được lên chức” đều là nỗi niềm sâu thẳm ở mỗi nhân viên ngân hàng.

Nhớ mới ngày nao, bạn vẫn là một cô bé, một cậu bé tuổi hai mươi hai bước vào nhà băng đầy hoa mộng. Cái thuở đi đâu cũng được cô chú, anh chị trong ngân hàng gọi là “con bé” “thằng bé”. Rồi miệt mài 5, 10, 15…năm; thoắt cái giờ có nhân viên mới vào gọi bạn là anh chị, cô chú mà không khỏi giật mình. Rồi không ít banker lại tâm tư ở tuổi U40, U50 vẫn mãi là nhân viên tại một ngân hàng.

Câu chuyện nhân viên ngân hàng làm lâu năm không thăng tiến được dường như là hình ảnh không xa lạ với nhiều người. Có thể các bạn không nói ra, nhưng chắc chắn không ít hơn một lần mỗi banker đã tự hỏi như thế?! Đi tìm nguyên nhân cho câu chuyện “làm mãi không lên chức” trong giới ngân hàng, qua nhiều năm công tác bộ phận quản lý nhân sự tại ngân hàng, người viết đúc kết lại một số lý do chính yếu như sau:

QUẢNG CÁO

Thứ nhất, bạn đừng nghĩ các bạn được bổ nhiệm khi còn rất trẻ đều là nhờ quen biết hay “con ông cháu cha”. Thật ra, cũng có một số ít trường hợp “sinh ra ở vạch đích” được bổ nhiệm sớm. Nhưng ngành ngân hàng là ngành cạnh tranh khốc liệt, nơi đó tài năng mới là điều quan trọng hơn. Vì trong hàng trăm ngàn nhân viên ngân hàng, không phải ai cũng được cất nhắc vì quen biết. Chính cái tư duy này của mỗi banker, cứ nghĩ dù có cố gắng cũng không “lên chức” được nên cứ tà tà làm việc. Và cứ thế tuổi đời già thêm và bạn hết tuổi được quy hoạch, chờ đến ngày nghỉ hưu.

Thứ hai, đối với các bạn chuyên môn, nghiệp vụ yếu không được bổ nhiệm là bình thường. Nhưng đôi khi bạn không được bổ nhiệm…vì bạn quá giỏi tác nghiệp! Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là thực tế ở không ít nơi. Ví dụ bạn đang là một nhân viên mảng kế toán nội bộ, lập báo cáo, chứng từ rất chỉn chu, nhanh chóng, chính xác…nói chung là quá xuất sắc. Như vậy, nếu Giám đốc Chi nhánh bổ nhiệm bạn làm Phó Phòng Kế toán chẳng hạn thì ai sẽ thay bạn làm tác nghiệp? Khi đó, Trưởng Phòng của bạn không tìm được người giỏi như bạn, mà cũng không thể phân công bạn làm công việc như khi bạn làm nhân viên. Và cứ vì vậy mà lãnh đạo Phòng sẽ “bàn ra” về việc bổ nhiệm, quy hoạch bạn. Lúc này, điều bạn cần là chia sẻ, hướng dẫn hết nghiệp vụ cho đàn em để giỏi như bạn để thay thế bạn thì bạn sẽ sớm được bổ nhiệm hơn.

Thứ ba, công việc quản lý ngân hàng ngày nay yêu cầu cao hơn. Làm quản lý tại ngân hàng, bạn không chỉ giỏi chuyên môn, biết quản lý nhân sự, biết phân công, giám sát công việc cấp dưới…mà bạn đôi khi còn phải biết bán hàng. Nghĩa là yêu cầu người lãnh đạo ngân hàng phải hội đủ các yếu tố đó. Nếu như trước đây bạn chỉ cần giỏi chuyên môn, giỏi quản lý là được. Nhưng ngày nay, quản lý nhà băng cũng phải biết làm sale. Ví dụ có 2 nhân viên kế toán có cùng chuyên môn như nhau, nhưng ai bán sản phẩm thẻ, huy động, dịch vụ, bảo hiểm,…tốt hơn thì sẽ ưu tiên hơn. Vì trong cấu trúc ngân hàng hiện đại đa phần hướng tới tập trung vào công tác bán hàng, giảm bớt các vị trí mang tính vận hành. Nhân viên vận hành ngày nay cũng phải bước vào “thương trường” cùng bộ phận tín dụng, phòng kinh doanh tại nhà băng.

Thứ tư, đó chính là thái độ làm việc của bạn. Nhiều nhân viên ngân hàng rất giỏi chuyên môn, bán hàng rất tốt nhưng thái độ làm việc không tốt nên chẳng bao giờ được bổ nhiệm. Có không ít bạn tỏ ra mình giỏi, bệnh ngôi sao, xem thường đồng nghiệp, cứ nghĩ không có mình…sẽ không ai làm được. Chính thái độ đó bạn đã bị “mất điểm” ngay trong mắt sếp của bạn. Có thể quản lý của bạn không nói ra, vẫn trọng dụng bạn để khai thác tài năng bạn, nhưng sẽ không có ý niệm về quy hoạch bạn phát triển vị trí cao hơn.

Thứ năm, đó là không ít nhân viên ngân hàng không được bổ nhiệm vì “không giữ được bí mật”, thậm chí là “nói xấu sếp” sau lưng. Là một banker, bạn sẽ hiểu banker thường hay bàn tán, nói này nói kia “ngoài hành lang” hoặc sau “trà dư tửu hậu” cùng với nhóm thân tín của mình. Thay vì có ý kiến ngay tại cuộc họp khi không đồng ý nội dung nào đó. Nhưng không, không ít nhân viên không hề có ý kiến trực tiếp mà đi bàn tán, nói xấu sếp sau lưng cho người khác nghe. Mà bạn biết đó, lãnh đạo luôn hơn chúng ta “một cái đầu”. Nên những gì bạn nói sau lưng sếp, có thể sếp cũng đều biết.

Dân banker hay nói kiểu “tui kể cái này bà nghe, bà đừng nói lại với ai nha”. Rồi cái điệp khúc đó nhân bản đến n lần cho nhiều người. Để quản lý nhân viên, các lãnh đạo nhà băng đôi khi “cài” một nhân viên nào đó chơi thân với bạn, với “nhóm chị nhóm em” của bạn mà bạn không hề biết. Vì hằng ngày, sếp vẫn không thân thiết hay ưu ái, thậm chí hay rầy nhân viên đó để dễ dàng cài vào chơi thân với bạn để dễ quản lý.

Thật ra, có nhiều cách quản trị nhân sự khác nhau, nhưng để quản được hàng chục hàng trăm nhân sự tại Chi nhánh ngân hàng, người quản lý luôn có cách để “đọc vị suy nghĩ” của từng nhân viên. Cho nên, tốt nhất là bạn nên trung thực, thẳng thắn và quyết đoán trong công việc, tuyệt đối không được nói xấu sếp dù đúng hay sai. Bạn nên có ý kiến trực tiếp với tinh thần xây dựng chứ không nên có tư duy và thái độ tiêu cực về sếp của mình. Vì như vậy con đường thăng tiến của bạn càng xa dần.

Thứ sáu, bạn cần xây dựng mối quan hệ thật tốt với tất cả đồng nghiệp trong và ngoài phòng bạn. Nghĩa là bạn nên giao lưu trong các buổi sinh hoạt, hội nghị, tiệc tùng, du lịch,…Nếu bạn sống khép kín, không chơi với ai, chỉ loay hoay chơi với một, hai người thì cũng khó để được sếp đánh giá cao. Ngoài ra, ở nhiều nơi còn có thủ tục lấy phiếu tín nhiệm tập thể, nếu bạn không có lối sống chan hoà, vui vẻ, cởi mở và thân thiện với mọi người sẽ rất khó.

Ngoài ra, bạn cũng cần biết quan tâm hơn với đồng nghiệp của mình. Ví dụ lễ tết, sinh nhật gửi lời chúc mừng, tặng quà nho nhỏ không cần đắt tiền mà quan trọng là sự quan tâm. Hay đi du lịch, về quê có gì biếu cho Phòng ăn chung cho vui,…đại loại như vậy. Bạn cần phân biệt rõ việc quan tâm chân thành khác với hành vi quà cáp, hối lộ. Nên đôi khi một sự sẻ chia công việc, một lời động viên, an ủi của bạn dành cho đồng nghiệp, cho sếp sẽ giúp hình ảnh bạn đẹp hơn trong mắt mọi người.

Sau cùng, nếu bạn hội đủ tất cả yếu tố trên, hội đủ cả về năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng quản lý, phân công, giám sát công việc, thái độ làm việc, mối quan hệ đồng nghiệp tốt, kết quả bán hàng tuyệt đỉnh…mà vẫn không được bổ nhiệm thì bạn cũng đừng buồn. Vì có thể do yếu tố khách quan như không còn một vị trí nào để cất nhắc bạn. Chứ bạn đừng suy nghĩ tại sếp thiên vị, hay không thích bạn nên “đì” bạn. Thật ra, ít có một người sếp nào không cất nhắc, bổ nhiệm một nhân viên hội đủ tất cả các yếu tố trên. Vì nếu không đề bạt bạn, chắc chắn ngân hàng sẽ mất một tài năng như bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bạn hãy chiêm nghiệm lại bạn có rơi vào một trong các khiếm khuyết nào hay không trước khi can thán và than thở. Và một khi bạn thật sự giỏi chuyên môn, giỏi quản lý, bán hàng chất mà vẫn không thăng tiến được; hãy mạnh dạn bước ra khỏi ngân hàng đó. Vì ngoài kia có rất nhiều ngân hàng đang chào đón những người quản lý có tố chất như bạn.

Trần Hoài Phong

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.