Đồng USD tăng vọt sau khi dữ liệu cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ trong tháng 1 đã tạo thêm nhiều việc làm hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế, điều có thể khiến Fed kéo dài thời gian tiếp tục tăng lãi suất. Báo cáo…
Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ – được thị trường đặc biệt chú ý theo dõi – cho thấy số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 517.000 trong tháng 1/2023. Dữ liệu việc làm mới của tháng 12/2022 cũng được điều chỉnh tăng lên mức 260.000 thay vì 223.000 được báo cáo trước đó.
Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1, sau khi tăng 0,4% trong tháng 12. Tỷ lệ tăng đó thấp hơn mức tăng 4,4% – 4,8% của tháng 12/2022 (so với cùng kỳ năm trước đó). Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã ước tính nền kinh tế Mỹ có thêm 185.000 việc làm và tiền lương tăng 4,3% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước.
Đó là một “con số quái vật”, Marc Chandler, giám đốc chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex ở New York, cho biết.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên làm đảo lộn dự đoán của thị trường, nơi các nhà giao dịch đã đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ ngừng tăng chi phí vay sau khi tăng 25 điểm cơ bản một lần nữa vào tháng Ba.
“Sau cuộc họp của Fed, có vẻ như thị trường gia tăng lạc quan về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất – điều khiến USD giảm giá. Tuy nhiên, chỉ 48 giờ sau cuộc họp của Fed, có vẻ như mọi thứ đã thay đổi”.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc tuần ở mức 102,92, tăng 1,12% so với đóng cửa phiên liền trước, mức tăng mạnh nhất kể từ 23/9 và kết thúc ở mức cao nhất kể từ 12/1.
Gần đây, đồng USD đã giảm giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mất dần vai trò dẫn dắt trên thị trường tiền tệ toàn cầu và nhà đầu tư hướng sự chú ý nhiều hơn tới chính sách của các ngân hàng trung ương khác.
Ngân hàng trung ương Mỹ hôm thứ Tư (1/2) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và cho biết họ giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát cao, khiến các nhà đầu tư nhận định Fed trong tương lai sẽ có thái độ ôn hòa hơn.
Các quan chức của Fed hồi tháng 12 cho biết họ dự kiến sẽ tăng lãi suất tham chiếu qua đêm của ngân hàng trung ương lên trên 5% và nhấn mạnh rằng sẽ cần giữ lãi suất ở mức cao đó trong một khoảng thời gian để giảm lạm phát một cách bền vững.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch đặt cược rằng lãi suất đỉnh sẽ ở dưới mức 5% và Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023 khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Các thương nhân hôm 3/2 dự kiến lãi suất chính sách của Fed sẽ đạt đỉnh 5,03% vào tháng 6, cao hơn chút ít so với mức 4,88% dự kiến hôm 2/2.
Đồng euro giảm 0,98% xuống còn 1,0840 USD. Trong khi đó, USD tăng 1,82% so với yen Nhật lên 131,20 JPY, cao nhất kể từ ngày 18 tháng 1 và là phiên tăng mạnh nhất kể từ 17/6.
Đồng bảng Anh suy yếu hơn 1% do tốc độ tăng việc làm mới ở Mỹ cao hơn nhiều so với dự kiến thúc đẩy USD mạnh lên. Theo đó, bảng Anh sau khi tăng và đầu phiên đã nhanh chóng quay đầu giảm vào cuối phiên, giảm 1,139 xuống 1,12050 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 6/1 và là ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 15 tháng 12. Trong phiên có lúc bảng giảm xuống chỉ 1,2 USD.
Bảng Anh cũng tiếp tục xu hướng giảm so với euro, theo đó cặp tỷ giá EUR/GBP đã tăng 0,1% lên 0,89365 GBP/EUR, song vẫn không xa mức thấp nhất 4 tháng chạm tới hôm 2/2, sau cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). BoE cho biết lạm phát của Vương quốc Anh có thể đã “đổi hướng”, báo hiệu rằng ngân hàng trung ương có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Tính chung cả tuần, bảng Anh giảm khoảng 2,2% so với USD, mức giảm hàng tuần nhiều nhất trong vòng hơn 4 tháng. Trái lại, bảng tăng 1,9% so với euro – mức twang hàng tuần so với euro mạnh nhất trong vòng 3 tháng.
Đồng rúp của Nga giảm trở lại so với đồng đô la Mỹ khi Bộ tài chính cho biết họ sẽ bán lượng ngoại tệ trị giá 2,3 tỷ USD trong tháng tới, cao hơn gấp đôi so với mức các nhà phân tích dự kiến trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá vào thứ Sáu từ mức cao nhất trong ba tuần, do đồng đô la Mỹ phục hồi so với các loại tiền tệ chính khác bởi triển vọng các nền kinh tế ngoài Mỹ có thể sẽ nới lỏng tiền tệ sau tín hiệu ôn hòa từ các ngân hàng trung ương ở châu Âu và các nước khác.
Nhân dân tệ giao ngay kết thúc phiên 3/2 giảm 82 pip xuống 6,7440 CNY.
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài cũng được giao dịch yếu hơn 0,03% so với đồng nhân dân tệ trong nước, ở mức 6,746 CNY/đô la.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm giá xuống 23.603 USD vào lúc kết thúc ngày 3/2 theo giờ Việt Nam. Mặc dù vậy, so với đầu năm, Bitcoin vẫn tăng gần 40%. Biến động mạnh là một đặc trưng của giá Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung. Trong lịch sử chưa lâu của tiền ảo, Bitcoin đã trải qua những đợt tăng bùng nổ tiếp nối bởi những giai đoạn giảm sâu chóng mặt.
Giá Bitcoin ngày 3/2.
Giá vàng giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong ba tuần vào thứ Sáu sau khi dữ liệu số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp vững chắc của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Vàng giao ngay kết thúc ngày thứ Sáu giảm 2,6% xuống còn 1.863,66 USD/ounce; so với đầu năm giảm khá nhiều. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 2,5% – mức giảm nhiều nhất kể tư đầu tháng 10 và đã giảm gần 100 USD chỉ trong 2 phiên. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đã giảm 2,8% xuống còn 1.876,6 USD.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, cho biết: “(Dữ liệu) việc làm sẽ hỗ trợ thêm lập luận rằng Fed có thể phải tiếp tục tích cực hơn một chút trong tương lai”.
Giá vàng giảm mạnh khi USD tăng vọt.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường