Đồng USD tăng mạnh so với tất cả các loại tiền tệ, lên mức cao nhất 7 tuần sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tăng tốc trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng trở lại – củng cố dự đoán Fed có thể sẽ…
Chỉ số Dollar index (DXY) kết thúc phiên thứ Sáu (24/2) ở mức 105,26, tăng 0,7% so với phiên liền trước, sau khi có lúc đạt 105,32, cao nhất trong vòng 7 tuần. Tính chung cả tuần, DXY tăng 1,32%, là tuần tăng thứ 4 liên tiếp, đưa mức tăng trong tháng 2 lên 3,52%.
So với yên Nhật , USD đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng, đồng thời cũng cao nhất trong vòng 7 tuần so với franc Thụy Sĩ.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) theo dõi chặt chẽ để làm cơ sở điều chỉnh chính sách tiền tệ, đã tăng 0,6% trong tháng 1/2023 (so với tháng liền trước) sau khi tăng 0,2% trong tháng 12/2022. Trong 12 tháng tính đến tháng 1/2023, chỉ số giá PCE đã tăng 5,4%, cao hơn mức tăng 5,3% của 12 tháng tính đến tháng 12/2022.
Bất chấp giá cả vẫn tăng nóng, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của nước này, đã tăng 1,8% trong tháng trước. Dữ liệu về tiêu dùng trong tháng 12 cũng được điều chỉnh tăng, ở mức -0,1%, thay vì -0,2% công bố trước đó.
Dữ liệu tuần trước cũng cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới bất ngờ giảm.
Ông Mazen Issa, chiến lược gia ngoại hối cấp cao của TD Securities ở New York, cho biết: “Dữ liệu kinh tế khá tốt và đáng ngạc nhiên khi tích cực trở lại. Và vì vậy, điều đó thực sự nói lên điều gì đó. Đối với đồng USD, nó đang ở vị trí của người điều khiển”. Và thêm rằng: “Tôi nghĩ (Chủ tịch Fed Jerome) Powell đã (tháng này) công bố hoàn thành nhiệm vụ quá sớm, ngay trước khi có báo cáo về thị trường việc làm. Có vẻ như nhận xét của ông ấy không được đặt đúng chỗ. Và có vẻ như thị trường đã xác định sẽ không có cơ hội nào để Fed giảm lãi suất trong năm nay. Đây là một sự thay đổi lớn khi mà chỉ cách đây 4 tuần, thị trường dự đoán Fed sẽ bắt đầu xem xét cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay. Những thay đổi đó là động lực tích cực đối với đồng USD”.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ và những lời hoa mỹ từ các quan chức Fed trong tháng này về việc sẵn sàng áp dụng lãi suất cao hơn nếu cần để giảm lạm phát vẫn còn cao đã giúp đồng USD xóa đi mức giảm từ đầu năm đến nay.
Thị trường hiện dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất lên 5,4% vào tháng 7, từ mức 4,75% hiện tại, rất ít khả năng giảm lãi suất trước cuối năm 2023 mà sẽ duy trì lãi suất trên 5% suốt năm 2023. Dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất liên tiếp trong 3 kỳ họp sắp tới.
Ông Mazen Issa của TD Securities nói: “Bây giờ việc dự đoán lãi suất đỉnh sẽ ở đâu là điều khá phức tạp. Nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm? Liệu có hạ cánh được không?” “Cuối cùng, chúng ta đã biết rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với dự đoán của thị trường. Và trong môi trường đó, lãi suất cuối cùng hoàn toàn có thể sẽ ở mức cao”.
Đồng euro trong phiên cuối tuần giảm 0,5% so với đồng bạc xanh, xuống 1,054 USD/EUR, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần, là 1,0536 USD.
Bảng Anh giảm 0,68% so với đồng USD, xuống mức 1,1938 USD/GBP, tính từ đầu tháng 2 đến nay giảm tháng đầu tiên kể từ tháng 9/2022.
Công ty nghiên cứu thị trường GfK cho biết người tiêu dùng Anh đã trở nên lạc quan hơn về tình hình tài chính cá nhân và triển vọng của nền kinh tế, nhưng tâm trạng của họ vẫn kém hơn rất nhiều so với trước đại dịch COVID-19.
Thị trường hiện dự đoán Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất lên mức đỉnh 4,6% vào tháng 8, từ mức 4,00% hiện nay, và sẽ giảm nhẹ xuống 4,5% vào cuối năm nay.
Đồng bạc xanh phiên 24/2 có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng so với yen, đạt 136,44 JPY/USD, kết thúc phiên vẫn tăng 1,2% lên 136,29 JPY. Thống đốc sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cảnh báo rằng những bất ổn liên quan đến sự phục hồi kinh tế Nhật Bản vẫn ở mức “rất cao”, khiến BOJ (Ngân hàng trung ương Nhật Bản) phải duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.
Lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản tháng 1 đã đạt mức cao mới chưa từng có trong 41 năm qua, làm gia tăng áp lực lên ngân hàng trung ương, khiến họ khó có thể loại bỏ chương trình kích thích khổng lồ của mình.
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Reuters, 2/3 số người được hỏi dự đoán BOJ sẽ bắt đầu giảm bớt chính sách cực kỳ nới lỏng của mình từ tháng 4 hoặc tháng Sáu. Tuy nhiên, đa số cho biết chính sách lãi suất âm của Nhật Bản có thể sẽ duy trì ít nhất cho đến nửa cuối năm 2024.
So với đồng franc Thụy Sĩ, USD tăng lên mức cao nhất 7 tuần, là 0,9390 CHF, kết thúc tuần ở mức 0,9386, cao hơn 0,5% so với phiên 23/2.
Đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 10 tháng do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo đó, rúp giảm 1,4% xuống 76,08 RUB/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 22/4/2022.
Đồng nhân dân tệ cũng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng, mất đi toàn bộ mức tăng hồi đầu năm, do những dấu hiệu gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Trong phiên 24/2, CNY giảm xuống 6,9442 CNY/USD, mức đóng cửa yếu nhất kể từ ngày 30/12/2022.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp Sống Thị Trường