(KTSG Online) – Chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra nhiều biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, buộc nhà đầu tư phải đánh giá lại danh mục và chọn chiến lược đầu tư trung – dài hạn,…
(KTSG Online) – Chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra nhiều biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, buộc nhà đầu tư phải đánh giá lại danh mục và chọn chiến lược đầu tư trung – dài hạn, theo các chuyên gia.
Ngày buồn của thị trường chứng khoán Việt Nam
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm mạnh ngay từ thời điểm mở cửa phiên giao dịch ngày 3-4. Đây là hiệu ứng tác động từ thông tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Mức thuế lên tới 46%, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng của giới đầu tư là 10% đã tạo tâm lý lo ngại về những ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025.
Kết quả, chỉ số VnIndex kết phiên ngày 3-4 với mức giảm gần 7% so với phiên liền trước, cùng lực bán trải đều trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 3.700 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, cổ phiếu của FPT – một doanh nghiệp lớn, chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm – giảm tới 7% (giảm sàn – PV), dù chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump không tác động đến sản phẩm của công ty này.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, diễn biến này cho thấy nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách này đến nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.
Còn ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), dự báo tâm lý nhà đầu tư toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì quyết định này có thể làm trầm trọng hơn các căng thẳng thương mại và gia tăng lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo đó, TTCK Mỹ có thể điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty đa quốc gia, có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nước bị áp thuế. Thực tế, chiều 2-4 theo giờ địa phương, TTCK Mỹ đã chứng kiến xu thế giảm điểm bao trùm ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế chiết khấu đối ứng nhằm vào hàng chục đối tác thương mại, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
Kết quả, chỉ số Dow Jones giảm 0,61%; S&P 500 giảm 1,69%; chỉ số Nasdaq-100 giảm 2,54%.
Với Việt Nam, TTCK có thể phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. “Chỉ số VnIndex có thời điểm giảm trên 80 điểm, khoảng hơn 6% so với phiên trước. Đây là áp lực ngắn hạn vì tâm lý lo ngại bao trùm, tuy nhiên, nếu Chính phủ có biện pháp ứng phó phù hợp, tâm lý thị trường có thể ổn định dần”, ông Ngọc nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI, cho biết thời điểm chiến tranh thương mại năm 2018 thì P/E của VnIndex ở mức 23-24x, trong khi định giá hiện nay chỉ bằng một nửa. Vì vậy, áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, với tỷ lệ giao dịch trên 90%, nên yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.
“Ngày 9-4 áp dụng chính sách thuế quan mới, cũng là ngày FTSE đánh giá thị trường Việt Nam, biết đâu sẽ có diễn biến ngược vào ngày đó. Tốt nhất, chúng ta có hai tin tốt vào giai đoạn này thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác ngày hôm nay”, ông Hưng nói.
Hành động ra sao trong thời gian tới?
Trong bối cảnh các chỉ số trên TTCK Việt Nam biến động với biên độ mạnh, ông Michael Kokalari cho biết đợt bán tháo này đã tạo cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn.
Theo đó, ông và các cộng sự tại VinaCapital đang đánh giá tác động của mức thuế với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn.
“Những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP. Trong tháng 2, Chính phủ đã công bố tăng kế hoạch tăng chi cho đầu tư công – vốn đã rất tham vọng trong năm nay, và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này”, ông Michael Kokalari nói.
Còn ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá thông tin Mỹ áp thuế cao ngay tức thì sẽ tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trên TTCK trong ngắn hạn. Nhưng không nên hoảng loạn và bán tháo, bởi thuế suất cao dù gây khó khăn, nhưng tác động thực sự đến doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, có nhiều ngành ít bị ảnh hưởng và có triển vọng tốt, như: bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, tiêu dùng nội địa… có thể là lựa chọn an toàn hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần theo dõi các động thái từ Chính phủ và thị trường quốc tế. Tâm điểm sắp tới sẽ là cách Việt Nam đối thoại với Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác để giảm thiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của mức thuế đối ứng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến công tác đến New York vào cuối tuần này.
“Nếu có tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, thị trường sẽ sớm phục hồi”, ông Ngọc nói.
Bên cạnh những yếu tố trên, ông Ngọc đánh giá TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ mang tính dài hạn như kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, sự hồi phục của doanh nghiệp… Hơn nữa thị trường vẫn đang kỳ vọng lớn vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống KRX.