(KTSG) – Bất chấp nguồn cung ngoại tệ dồi dào, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn chịu áp lực khá lớn trong quí 1-2025 và đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4 này, bắt nguồn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ được Tổng thống Mỹ…
(KTSG) – Bất chấp nguồn cung ngoại tệ dồi dào, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn chịu áp lực khá lớn trong quí 1-2025 và đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4 này, bắt nguồn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2-4.
Cung ngoại tệ tích cực trong quí 1-2025
10,98 tỉ đô la Mỹ là tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31-3-2025, tăng mạnh 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 4,33 tỉ đô la, giảm 31,5% về số vốn đăng ký, ngược lại, vốn đăng ký điều chỉnh tăng 5,16 tỉ đô la, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tổng giá trị vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 1,49 tỉ đô la, tăng mạnh 83,7% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,96 tỉ đô la, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của ba tháng đầu năm trong năm năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỉ đô la, chiếm 81,7% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 387,7 triệu đô la, chiếm 7,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 193,3 triệu đô la, chiếm 3,9%.
Hiện giá bán ra đô la Mỹ tại Vietcombank đã tiến sát mốc 26.000 đồng/đô la, dù vẫn còn cách 170 đồng so với mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ở hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 202,52 tỉ đô la, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6% còn nhập khẩu tăng cao hơn – ở mức 17%. Cán cân thương mại hàng hóa vẫn ghi nhận xuất siêu 3,16 tỉ đô la, dù con số này chỉ tương đương 41% giá trị xuất siêu của cùng kỳ quí 1 năm trước.
Như vậy, tính chung tổng giá trị góp vốn mua cổ phần, vốn FDI giải ngân và xuất siêu đã mang lại nguồn cung ngoại tệ lên đến 9,61 tỉ đô la, chưa tính đến lượng tiền kiều hối và nguồn thu từ khách du lịch quốc tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tính chung quí 1-2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước và đây là số lượng khách vào nước ta trong một quí cao nhất từ trước đến nay.
Tỷ giá lại chịu áp lực
Bất chấp dữ liệu tích cực nói trên, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn chịu áp lực khá lớn trong quí 1-2025 và đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4 này. Sau khi tăng 2,06% trong ba tháng đầu năm thì chỉ trong ba ngày cuối tuần trước (ngày 2, 3 và 4-4), tỷ giá đã tăng nhanh thêm 51 đồng, nâng mức tăng so với đầu năm lên 2,26%. Tương tự, giá mua vào và bán ra đô la Mỹ tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước cũng tăng nhanh tương ứng 48 đồng và 54 đồng trong cùng khoảng thời gian, lên mức 23.692 đồng/đô la và 26.080 đồng/đô la tính đến cuối tuần qua.
Giá mua bán tại các ngân hàng thương mại thậm chí còn biến động mạnh hơn. Ngày 1-4, giá mua vào và bán ra của Vietcombank tăng đều 80 đồng, đến ngày 3-4 tăng vọt thêm 160 đồng, trước khi giảm nhẹ 20 đồng trong phiên cuối tuần trước (4-4). Hiện giá bán ra tại ngân hàng này cũng đã tiến sát mốc 26.000 đồng/đô la, dù vẫn còn cách 170 đồng so với mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá trên thị trường không chính thức cũng biến động mạnh theo giá giao dịch trên thị trường chính thức, dù lần này có độ trễ hơn. Ngày 2-4, giá mua đô la Mỹ trên thị trường không chính thức tăng 86 đồng, trong khi giá bán ra tăng mạnh hơn – lên đến 116 đồng. Hai ngày sau đó (ngày 4-4), giá mua vào và bán ra tăng đều 114 đồng, lên mức tương ứng là 26.050 đồng/đô la và 26.150 đồng/đô la, cao nhất từ trước đến nay. Sau thời gian duy trì ở mức thấp hơn, hiện giá bán ra đô la Mỹ trên thị trường không chính thức một lần nữa đã lên mức cao hơn 20 đồng so với mức trần của tỷ giá trung tâm.
Trong khi đó, giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế lại biến động rất khó lường. Chỉ số USD Index sau khi giảm mạnh trong ngày 3-4 và có lúc rớt về mức thấp quanh 101 điểm từ mức 104 điểm trước đó, ngay ngày 4-4 đã bật nhanh trở lại lên mốc 103 điểm. Phiên giao dịch đầu tuần này (7-4) tiếp tục mất ổn định khi có lúc rớt lại vùng 102 điểm rồi sau đó lại bật lên, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ có cuộc họp kín vào ngày 7-4 để xem xét về chính sách lãi suất chiết khấu.
Theo dữ liệu từ các hợp đồng hoán đổi lãi suất qua đêm, các nhà giao dịch hiện dự đoán Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất 125 điểm cơ bản trong năm nay, tương đương với năm đợt giảm, mỗi đợt giảm 25 điểm cơ bản. Tuần trước, thị trường chỉ kỳ vọng ba lần giảm lãi suất. Dữ liệu cũng cho thấy xác suất 40% Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần tới, tức trước thời điểm các nhà hoạch định chính sách tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 7-5.
Rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ
Mọi việc bắt nguồn từ chính sách thuế đối ứng được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2-4, với mức thuế suất cao bất ngờ có thể áp cho các đối tác thương mại lớn và cũng là những quốc gia mà Mỹ đang chịu thâm hụt thương mại cao. Trong số này, Việt Nam với mức thuế suất dự kiến lên đến 46%, nằm trong nhóm chịu thuế nặng nề nhất.
Hệ quả là các nhà đầu tư đang lo ngại kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ sụt giảm trong giai đoạn tới nếu mức thuế suất này chính thức được triển khai, dù những thông tin gần đây cho thấy Việt Nam đã cử đoàn đàm phán sang Mỹ và đề xuất hoãn thời hạn áp dụng loại thuế mới này mà theo dự kiến ban đầu là vào ngày 9-4, để hai bên có thêm thời gian thỏa thuận và tìm kiếm một phương án tốt hơn.
Theo đó, giải pháp tiềm năng là cùng với việc giảm thuế suất về 0% cho hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam, Việt Nam tăng cường mua hàng hóa của Mỹ để tìm kiếm điểm cân bằng thương mại tốt hơn. Tuy nhiên, việc tăng cường mua hàng hóa từ phía Mỹ, đồng nghĩa với việc giảm thặng dư thương mại hàng hóa với nền kinh tế số 1 thế giới, cũng sẽ tăng áp lực lên cầu ngoại tệ trong nước ở giai đoạn tới.
Không chỉ vậy, trước rủi ro bị áp thuế với hàng xuất khẩu sang Mỹ, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể chuyển dịch và đảo ngược trong thời gian tới. Điều này rõ ràng cũng sẽ gây áp lực lên thị trường ngoại hối. Những năm qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào nguồn cung ngoại tệ trong nước và giúp nhà điều hành kiểm soát tỷ giá khá thành công, cũng như cải thiện được nguồn dự trữ ngoại hối.
Cuối cùng, với việc Trung Quốc cũng đã trả đũa khi thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng hóa của Mỹ từ ngày 10-4, dẫn đến ông Trump dọa áp thêm thuế 50% với Trung Quốc, khả năng lượng hàng hóa của Trung Quốc khi không thể vào Mỹ sẽ tìm cách đổ sang các quốc gia lân cận. Từ đó, có thể làm gia tăng mức độ thâm hụt thương mại của những nước này với Trung Quốc, càng gây căng thẳng lên cầu ngoại tệ của những nước này.
Theo số liệu của GSO, trong quí 1-2025, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 27,3 tỉ đô la, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; ngược lại nhập siêu từ Trung Quốc 24,9 tỉ đô la, tăng mạnh 43,3%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tìm cách phá giá tiền tệ để hạn chế mức độ ảnh hưởng từ các hàng rào thuế quan mới của Mỹ, khiến đồng tiền của các nước trong khu vực cũng chịu áp lực giảm giá theo.