(KTSG) – Dù giữ được sự ổn định trong quí 1-2025, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đang đối mặt với những rủi ro mới từ các thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu và lộ trình lãi suất của Mỹ. Việc duy trì sự ổn định tỷ…
(KTSG) – Dù giữ được sự ổn định trong quí 1-2025, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đang đối mặt với những rủi ro mới từ các thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu và lộ trình lãi suất của Mỹ. Việc duy trì sự ổn định tỷ giá trong phần còn lại của năm nay đòi hỏi chính sách điều hành linh hoạt, sát sao và chủ động từ Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá ổn định trước nhiều áp lực
Tính đến cuối tháng 3-2025, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng khoảng 0,92% so với cuối năm 2024, cho thấy sự ổn định tương đối so với các đồng tiền trong khu vực. Chẳng hạn, rupiah của Indonesia đã tăng đến 2,9% trong cùng kỳ, trong khi nền kinh tế nước này cũng chịu các sức ép tương tự Việt Nam.
Sự ổn định tỷ giá phần nào phản ánh hiệu quả của chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông qua các công cụ như tỷ giá trung tâm và thị trường mở, đồng thời được hỗ trợ bởi điều kiện bên ngoài thuận lợi, đặc biệt là xu hướng yếu đi của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các yếu tố nền tảng vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được củng cố. Trong quí 1-2025, thặng dư thương mại đạt hơn 3,1 tỉ đô la, nhờ vào sự phục hồi của xuất khẩu, đặc biệt là các ngành chủ lực như điện tử, dệt may và chế biến gỗ. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 5 tỉ đô la, tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế lên đến hơn 6 triệu lượt, tăng gần 30%, một con số phản ánh sự khởi sắc mạnh mẽ của ngành du lịch.
Tuy nhiên, bức tranh tỷ giá trong phần còn lại của năm 2025 sẽ không chỉ phụ thuộc vào nội lực mà còn bị chi phối nhiều bởi các yếu tố từ bên ngoài, đặc biệt là diễn biến của chính sách thương mại toàn cầu và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Thương mại và tiền tệ toàn cầu tạo sức ép mới
Một trong những biến số lớn nhất hiện nay là chính sách thuế quan đang được thiết lập của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mục tiêu cốt lõi của các chính sách này là giảm thâm hụt thương mại, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác có thặng dư cao với Mỹ. Mặc dù Mỹ đã công bố mức thuế nhập khẩu sơ bộ, nhưng Việt Nam và Mỹ vẫn đang tiếp tục đàm phán và chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, thuế quan sơ bộ vẫn có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI, từ đó gây áp lực lên dự trữ ngoại hối và tỷ giá.
Không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương, những phản ứng dây chuyền từ các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Brazil và các nước khác có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một vòng xoáy chủ nghĩa bảo hộ mới. Trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, rủi ro này đặc biệt đáng lưu tâm.
Bên cạnh yếu tố thương mại, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài và tỷ giá. Dù kỳ vọng về việc hạ lãi suất trong năm nay vẫn còn, nhưng thời điểm thực hiện có thể bị đẩy lùi đến tháng 6-2025 hoặc muộn hơn. Điều này duy trì áp lực lên đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam, khi dòng vốn có xu hướng chảy ngược về các tài sản an toàn. Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm 2024 cho thấy mức vốn rút ra từ các hoạt động vay mượn và tiền gửi của tổ chức/cá nhân lên đến 21,7 tỉ đô la, tương đương với năm 2023, phản ánh xu hướng dòng tiền rút khỏi thị trường trong môi trường lãi suất cao và tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư quốc tế.
Yếu tố dòng vốn đầu tư nước ngoài, dù FDI vẫn duy trì ổn định trong năm qua (gần 19,5 tỉ đô la), dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) lại cho thấy xu hướng đảo chiều đáng chú ý. Lượng vốn rút ròng trong năm 2024 lên tới 5,11 tỉ đô la, tăng mạnh so với mức 1,21 tỉ đô la của năm trước. Điều này phần nào phản ánh lo ngại về rủi ro thị trường tài chính và triển vọng kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Một dấu hiệu khác cũng cần được lưu ý là khoản mục “lỗi và sai sót” trên cán cân thanh toán tổng thể, vốn được xem là một chỉ báo cho các giao dịch ngoại tệ phi chính thức như đầu cơ, găm giữ, chuyển tiền bất hợp pháp. Năm 2024, mục này tăng lên mức kỷ lục 26,9 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với mức 19,1 tỉ đô la của năm 2023. Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy dòng ngoại tệ đang bị thất thoát qua các kênh không chính thống, đòi hỏi tăng cường giám sát và kiểm soát hiệu quả hơn nữa.
Kịch bản tỷ giá trong thời gian còn lại của năm
Trong bối cảnh hiện tại, giới phân tích tài chính dự báo một số kịch bản diễn biến tỷ giá trong năm 2025.
Kịch bản cơ sở được nhiều tổ chức lựa chọn là tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong quí 2, dao động quanh mức 26.000-26.100 đồng/đô la, trước khi hạ nhiệt vào cuối năm nếu Fed bắt đầu nới lỏng chính sách. Đô la Mỹ suy yếu theo sau các chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiền đồng phục hồi nhẹ vào cuối năm.
Ở chiều ngược lại, một kịch bản bi quan hơn có thể xảy ra nếu thương chiến leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện. Khi đó, ngay cả khi Fed giảm lãi suất, NHNN có thể buộc phải nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu sức hấp dẫn của tiền đồng và tạo áp lực lên tỷ giá. Trong trường hợp này, tỷ giá có thể tăng lên vùng 26.500-27.000 đồng/đô la.
Tuy nhiên, nếu các nỗ lực đàm phán thương mại mang lại kết quả tích cực, đồng thời dòng vốn FDI và kiều hối tiếp tục mạnh, tỷ giá có thể dao động trong biên độ thấp hơn, về mức 25.000-25.500 đồng/đô la vào cuối năm, hỗ trợ ổn định lạm phát và tăng trưởng.
Thước đo cho năng lực điều hành vĩ mô
Tỷ giá không chỉ là chỉ số phản ánh quan hệ cung cầu ngoại tệ mà còn là một trong những thước đo quan trọng cho năng lực điều hành vĩ mô của một quốc gia. Trong bối cảnh mới với nhiều bất định, việc giữ tỷ giá ổn định không thể chỉ dựa vào yếu tố may mắn hay ngoại cảnh thuận lợi, mà cần sự chủ động, linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng giữa các công cụ chính sách tiền tệ – tài khóa.
Nếu duy trì được các yếu tố nền tảng ổn định và kiểm soát được các dòng vốn, đặc biệt là vốn rút ra không chính thức, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giữ tỷ giá trong tầm kiểm soát, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững và ổn định vĩ mô trong năm 2025 và những năm tiếp theo.