Tuần này sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện khi thị trường thế giới một lần nữa căng thẳng với dự đoán các ngân hàng trung ương lớn sẽ tăng lãi suất trong thời gian lâu hơn để kiềm chế lạm phát dai dẳng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên…
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội, trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có vẻ sắp đến lúc nghỉ hưu. Số liệu mới nhất về thị trường việc làm của Mỹ, cuộc họp bàn chính sách của Ngân hàng trung ương Úc và dữ liệu tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh cũng sẽ là những sự kiện đang được thị trường chờ đợi.
Dưới đây là những sự kiện kinh tế – tài chính đáng chú ý nhất trên thị trường thế giới trong tuần này:
1/ Dữ liệu thị trường việc làm của Mỹ có thể khiến Fed tăng lãi suất nhanh hoặc chậm
Báo cáo về thị trường việc làm tháng 2 của Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Sáu (10/3) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng do dữ liệu việc làm tháng 1 mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc – khiến thị trường phải xem xét lại những suy đoán rằng nền kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái, cũng như xem xét lại dự đoán về lộ trình tăng lãi suất của Fed.
Thị trường Mỹ đã tạo thêm 517.000 việc làm trong tháng 1. Nếu số việc làm mới trong tháng 2 tiếp tục cao có thể làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ hành động tích cực hơn trong việc thắt chặt tiền tệ.
Kết quả thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính số việc làm mới trong tháng 2 là 200.000.
Ông Powell sẽ có buổi điều trần trước Quốc hội vào thứ Ba (7/3). Mới đây, ông đã nói rằng báo cáo việc làm tháng 1 mạnh mẽ chính là lý do cho thấy tại sao cuộc chiến chống lạm phát sẽ “mất khá nhiều thời gian”.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong kỳ họp tháng 3, song thị trường cho thấy khả năng lãi suất sẽ tăng cao hơn mức đó. Lời bình luận của ông Powell và dữ liệu việc làm của Mỹ có thể sẽ là căn cứ chính để Fed đưa ra quyết định chính sách vào cuối tháng này.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ vẫn mạnh.
2/ Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản kết thúc nhiệm kỳ
Sau một thập kỷ giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), giám sát các biện pháp kích thích phức tạp hơn bao giờ hết, Thống đốc Haruhiko Kuroda cuối tuần này sẽ chủ trì cuộc họp chính sách cuối cùng của ông với cương vị này.
Mới cách đây một tháng, các nhà đầu tư đã nghĩ rằng BOJ có thể bước sang một “trang” mới, với việc giảm kiểm soát đường cong lợi suất. Tuy nhiên, thái độ ôn hòa của người kế nhiệm, ông Kazuo Ueda, khiến thị trường nghi ngờ những suy luận ban đầu của mình, và bắt đầu tin rằng những biện pháp hỗ trợ hiện nay sẽ còn tiếp diễn.
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Úc ((RBA)) sẽ họp vào thứ Ba (7/3), và các nhà đầu tư ở Úc cũng đang quay cuồng với sự đặt cược rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao.
RBA trong kỳ họp tháng trước đã gợi ý về việc sẽ thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Tuy nhiên, các dự liệu kinh tế công bố sau đó lại cho thấy sự ngược lại. Nền kinh tế Úc quý IV/2022 tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong một năm, và dữ liệu giá tiêu dùng tháng 1 cho thấy lạm phát có thể đã vượt qua mức đỉnh.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể sẽ vẫn kiểm soát chặt đường cong lợi suất dù dưới quyền ông Kuroda hay ông Ueda
3/ Kỳ họp quan trọng nhất trong năm của Trung Quốc
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ( NPC) – kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc – đã khai mạc vào ngày 4/3 tại Thủ đô Bắc Kinh. Kỳ họp này của Trung Quốc luôn thu hút sự chú ý của toàn thế giới, bởi là kỳ họp chính trị lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của nước này, ở đó các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đưa ra các mục tiêu kinh tế, điều sẽ cho thấy phần nào thực trạng kinh tế Trung Quốc hiện tại và triển vọng trong tương lai.
Kỳ họp quan trọng của Trung Quốc diễn ra khi các nhà đầu tư trên toàn cầu trở nên thận trọng trước những lo ngại về định hướng chính sách, kích thích kinh tế và các quy định tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các nhà đầu tư muốn xem loại Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP như thế nào, và liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có ưu tiên thịnh vượng chung hơn cải cách hay không.
Trung Quốc đang ngày càng trở nên tham vọng với mục tiêu tăng trưởng năm 2023, có khả năng cao tới 6%. Các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn cũng được thị trường dự đoán NPC sẽ nêu ra trong kỳ họp này. Những nội dung khác của kỳ họp – định hướng mà Quốc hội đặt ra cho thị trường bất động sản và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng là chìa khóa để kích thích nhu cầu đối với hàng hóa và thị trường trái phiếu lãi suất cao của Trung Quốc.
Cũng từ cuộc họp này, các nhà phân tích và nhà đầu tư sẽ có thông tin về những nhà lãnh đạo tiếp theo. Nói chung, thị trường đang theo dõi chặt chẽ những động thái của Trung Quốc.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc đang là vấn đề rất thu hút sự chú ý.
4/ Thị trường chứng khoán và trái phiếu tháng 3 có nhiều biến động.
Thị trường đã bước sang tháng ba trong một mớ hỗn độn. Sau đợt tăng ‘nóng bỏng’ vào tháng Giêng, trái phiếu và cổ phiếu đều lao dốc trong tháng Hai khi dữ liệu mạnh mẽ làm dấy lên lo ngại về việc Fed tăng lãi suất nhiều hơn. Trước cuộc họp tháng Ba của Fed (sẽ diễn ra vào ngày 22/3), thị trường trái phiếu và cổ phiếu có thể sẽ còn biến động mạnh hơn nữa.
Các thị trường tiền tệ đang ngày càng tin rằng Fed sẽ kéo dài chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương thống trị thế giới cũng có thể coi hiệu quả kinh tế mạnh mẽ gần đây là tạm thời, và vẫn duy trì dự báo về một cuộc hạ cánh nhẹ của nền kinh tế này.
Biến động hàng tháng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
5/ Kinh tế Vương quốc Anh lạc lõng một mình một đường
Nền kinh tế Anh, vốn đã suýt rơi vào suy thoái trong ba tháng cuối năm 2022, đang có những dấu hiệu hồi sinh.
Hoạt động kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng và doanh thu thuế đều tăng, đồng nghĩa với việc một số nhà phân tích đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế nước này.
Ngân hàng trung ương Anh, được nhiều người kỳ vọng trong tháng này sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt kéo dài 15 tháng, giờ đây có thể phải tiếp tục tăng lãi suất, nhất là khi người tiêu dùng và doanh nghiệp đang phải đối mặt với lạm phát hai con số.
Dữ liệu vào thứ Năm tới (9/3) về diễn biến của nền kinh tế Anh trong tháng 1 có thể mang lại tia lạc quan cho các nhà đầu tư. Điều đó sẽ cho thấy Anh là nền kinh tế G7 duy nhất vẫn chưa hồi phục trở về mức trước khi xảy ra đại dịch.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế tin rằng Anh sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất suy giảm trong năm nay.
Anh là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 bị dự doán sẽ tăng trưởng âm trong trong năm 2023.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường