Ngày 05/10/2023, TTC AgriS đã thực hiện công bố thông tin về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ 2022-2023, dự kiến tổ chức vào ngày 26/10/2023 tại Trụ sở chính Tây Ninh. Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC…
Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS, mã chứng khoán: SBT) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên niên độ 2022-2023 vào chiều ngày 26/10/2023, theo đó TTC AgriS trình ĐHĐCĐ thông qua 9 nội dung tờ trình và 3 báo cáo.
Đáng chú ý, là nội dung trình ĐHĐCĐ thông qua phương án trả cổ tức với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt và/hoặc cổ phiếu, tương ứng số tiền ~300 tỷ đồng, qua đó tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ cổ tức với cổ đông đều đặn hằng năm kể từ khi niêm yết vào 2008.
Công ty cũng đề xuất phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của Công ty (ESOP) với tỷ lệ 5% tổng số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành nhằm tạo động lực, khuyến khích Người lao động gắn bó, tạo sự gắn kết bền vững giữa Công ty và Người lao động, từ đó tạo nguồn lực cho những bước chuyển dịch quan trọng của Công ty.
TTC AgriS cũng trình ĐHĐCD thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế Quản trị công ty và Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT. Luôn tiên phong trong việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp trên nền tảng phát triển bền vững, không ngừng cải thiện hoạt động quản trị trên cơ sở vận dụng linh hoạt các thông lệ tốt nhất trên thị trường và các chuẩn mực quốc tế tiên tiến vào toàn hệ thống quản trị, không chỉ đáp ứng quy định mới của pháp luật mà còn đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông cũng như nâng cao vai trò của Hội đồng quản trị.
Trước đó, ngày 2/10/2023 TTC AgriS đã thực hiện Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án chào bán 20% cổ phần ra công chúng và chủ trương cổ phần hóa, niêm yết/tái niêm yết công ty con.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, ngày càng nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm xuất khẩu, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa trên thế giới tiếp tục tăng cao. Thị trường đường cũng không ngoại lệ, mất cân bằng về nguồn cung – cầu, giá đường thế giới lập đỉnh ở mức 27,3 cent/lb, vượt đỉnh 10 năm và giá đường trong nước cũng tăng theo đà tăng của thế giới. Trước những cơ hội cũng như thách thức lớn của thị trường, TTC AgriS đặt mục tiêu giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh đã xây dựng với tổng doanh thu dự kiến đạt 20.622 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 850 tỷ đồng cho niên độ 2023-2024.
Giá đường thế giới tăng liên tục, thiết lập đỉnh 10 năm. Nguồn: International Sugar Organization
Kết thúc niên độ 2022-2023, TTC AgriS ghi nhận doanh thu thuần đạt 24.743 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, hoàn thành 145% kế hoạch đã đặt ra và tiếp tục duy trì với sản lượng đường tiêu thụ trên 1 triệu tấn, đây là lần đầu tiên doanh thu của TTC AgriS vượt mốc tỷ USD.
TTC AgriS khẳng định tầm vóc doanh nghiệp nông nghiệp đa quốc gia, khi liên tục thiết lập mối quan hệ chiến lược với các định chế tài chính hàng đầu thế giới
Tháng 6/2023 vừa qua, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cùng tham gia tài trợ vốn thương mại cho TTC AgriS, tổng mức tài trợ khoản vay vốn lưu động với quy mô 40 triệu USD. Thỏa thuận tài trợ vốn thương mại cho TTC AgriS nằm trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Kho hàng Toàn cầu (GWFP) của IFC. Theo đó, TTC AgriS là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mà IFC quan tâm và ưu tiên hợp tác lâu dài trong Chương trình Tài trợ này.
Tháng 7/2023, TTC AgriS tiếp tục chính thức ký kết nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD với nhóm 9 các định chế tài chính Đài Loan, trong đó First Commercial Bank (FCB) – Ngân hàng lớn thứ 3 của Đài Loan sẽ đóng vai trò Lead Bank (Ngân hàng đầu mối thu xếp và quản lý chính khoản vay hợp vốn). Đặc biệt, đây là khoản vay không tài sản đảm bảo, với tư cách là bên thu xếp, đứng ra quản lý chính cho khoản vay này, FCB cho biết, các bên cho vay kỳ vọng liên tục tái cấp vốn cho TTC AgriS trong vòng 3 năm.
Trong bối cảnh vĩ mô có nhiều biến động như hiện nay (lạm phát neo ở mức cao, suy thoái kinh tế ở các nước lớn, xung đột chính trị,…), việc TTC AgriS tiếp tục huy động thành công gần 140 triệu USD trong vòng 1 tháng từ các định chế tài chính lớn là một minh chứng khẳng định sự tin tưởng của các tổ chức tài chính vào TTC AgriS khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xét duyệt toàn diện khắt khe của các đối tác từ khung quản trị công ty, nền tảng kinh doanh vững chắc cũng như hồ sơ tín dụng uy tín.
TTC AgriS tận dụng lợi thế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu
Thị trường đường thế giới chứng kiến những sự thay đổi khó lường, nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan,… khiến sản lượng đường xuất khẩu bị sụt giảm, cung cầu mất cân bằng. Động thái tạm dừng xuất khẩu của Ấn Độ diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía. Lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu khiến giá đường tiếp tục neo ở mức cao nhất 10 năm.
Vùng nguyên liệu mía của SBT tại Tully, bang Queensland, Australia
Sở hữu lợi thế vùng nguyên liệu 70.000 ha ở 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc, TTC AgriS có thể duy trì được nguồn cung ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường trong thời gian sắp tới. Trong chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 của mình, TTC AgriS đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000 ha.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC AgriS – Bà Đặng Huỳnh Ức My, phát biểu khai mạc tại sự kiện TTC AgriS Innovation Day 2023 với định hướng tập trung vào phát triển nông nghiệp kinh tế bền vững.
Với vị thế doanh nghiệp nông nghiệp đa quốc gia, TTC AgriS luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược kinh doanh “xanh” làm nền tảng phát triển, tối đa hóa chuỗi giá trị cây trồng: mía, dừa,…, chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng hữu cơ, tối ưu hóa giá trị cây trồng khi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chủ động nghiên cứu và áp dụng giải pháp ong mắt đỏ phòng trừ sâu bệnh từ thiên địch, không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản,… Tất cả hành động trên vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại song song với bảo vệ môi trường xung quanh, đáp ứng các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), thúc đẩy chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp toàn cầu, từ đó, thu hút nhiều nguồn lực cộng hưởng đầu tư và chia sẻ thành quả với các bên liên quan.
Tổ Quốc