Triển vọng chứng khoán vẫn tích cực

Với những nỗ lực đàm phán của Chính phủ, niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp chắc chắn sẽ được khôi phục Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 7-4) trước quyết định áp thuế cao của Mỹ và phản…

Fatz Admin lúc 2025-04-08
Triển vọng chứng khoán vẫn tích cực

Với những nỗ lực đàm phán của Chính phủ, niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp chắc chắn sẽ được khôi phục

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 7-4) trước quyết định áp thuế cao của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Thị trường Việt Nam cũng lao dốc rất mạnh vào cuối tuần trước nhưng các chuyên gia nhận định nguyên nhân chủ yếu do tâm lý.

Nhiều thị trường “ngắt cầu dao”

Theo đài CNBC, các chỉ số quan trọng đều đồng loạt giảm điểm như chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, chỉ số Kospi của Hàn Quốc, S&P/ASX 200 của Úc và Nifty 50 của Ấn Độ. Châu Á đặc biệt phụ thuộc vào xuất khẩu và một phần lớn là xuất khẩu sang Mỹ. Một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thậm chí đã phải áp dụng biện pháp tạm dừng giao dịch do áp lực bán khống quá lớn từ các nhà đầu tư.

QUẢNG CÁO

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng “đỏ lửa” khi các chỉ số DAX của Đức, CAC 40 của Pháp, FTSE 100 của Anh đều sụt giảm. Các hợp đồng tương lai S&P 500, Dow Jones, Nasdaq của Mỹ cũng đều giảm điểm.

Theo hãng tin AP, Tổng thống Donald Trump hôm 6-4 tuyên bố ông không muốn thị trường toàn cầu sụt giảm nhưng cũng không lo ngại về đợt bán tháo ồ ạt, vì các biện pháp này như “liều thuốc”. Đà bán tháo mạnh đã diễn ra sau khi Trung Quốc đáp trả mức tăng thuế của Tổng thống Donald Trump được công bố vào tuần trước, đòn trả đũa dẫn đến lo ngại cuộc chiến thương mại có thể châm ngòi cuộc suy thoái gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Triển vọng chứng khoán vẫn tích cực- Ảnh 1.

Giới đầu tư trong nước vẫn lo ngại về áp lực bán tháo của thị trường trước cơn sóng thuế quan chưa có dấu hiệu lắng xuống. Ảnh: QUỲNH TRÂM

Ông Johanna Kyrklund, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn Schroders (Anh) và nhà kinh tế cấp cao George Brown tại Schroders, nhận định các thị trường châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ ước tính rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu thiệt hại hơn 0,5% GDP trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản phải đối mặt với mức giảm khoảng 0,3% đến 0,4% GDP.

Dù vậy, các quan chức kinh tế hàng đầu của ông Donald Trump cũng bác bỏ mọi lo ngại về lạm phát và suy thoái, đồng thời tuyên bố rằng thuế quan sẽ vẫn tồn tại bất kể thị trường có ra sao. Các nhà quan sát thị trường dự báo giới đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều biến động mạnh hơn trong những ngày và tuần tới khi một giải pháp ngắn hạn cho cuộc chiến thương mại dường như bất khả thi.

Ông Nathan Thooft, Giám đốc đầu tư kiêm Quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Tập đoàn Tài chính Manulife Investment Management (Canada), nhận định việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa từ nhiều quốc gia có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa bằng thuế quan từ phía các nước bị ảnh hưởng. Với số lượng quốc gia liên quan lớn, quá trình đàm phán sẽ diễn ra phức tạp và kéo dài. Do đó, ông dự báo tình trạng bất ổn và biến động trên thị trường tài chính có thể còn tiếp diễn trong một khoảng thời gian đáng kể.

Trong khi đó, ông Stuart Kaiser, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Tập đoàn Tài chính Citi, cho rằng các dự đoán về lợi nhuận và giá trị cổ phiếu hiện tại vẫn chưa phản ánh hết tác động tiềm tàng của cuộc chiến thương mại. Ông nhận định thị trường còn khả năng giảm thêm dù đã sụt giảm mạnh.

Bán tháo do tâm lý

Ở Việt Nam, 2 phiên cuối tuần qua thị trường cũng giảm rất mạnh sau thông tin Mỹ dự tính áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam. Chỉ trong hai phiên giao dịch ngày 3 và 4-4, VN-Index đã mất tổng cộng hơn 107 điểm, lùi về gần mốc 1.210 điểm, có lúc giảm sâu về 1.160 điểm trong phiên. Thanh khoản 3 sàn tăng vọt lên tới 84.000 tỉ đồng, cao nhất trong nhiều năm.

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng nhà đầu tư có lý do để lo lắng, bởi thông tin Mỹ áp mức thuế lên đến 46% là quá sốc, có thể tác động tới kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường rõ ràng là thái quá, mang nặng yếu tố tâm lý. Bởi, không phải tất cả ngành nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề vì thuế quan mà do hiệu ứng lan truyền đã khiến hầu hết các mã cổ phiếu đều bị bán tháo, giảm sàn.

Theo TS Nguyễn Anh Vũ, các ngành có khả năng bị tác động trực tiếp là chế biến, xuất nhập khẩu – bao gồm thủy sản, dệt may, và bất động sản khu công nghiệp. Trong khi đó, các ngành như tài chính, chứng khoán, ngân hàng hay đầu tư công chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. “Hơn nữa, cần phân tích kỹ xem doanh nghiệp thuộc loại hình nào – nước ngoài (FDI) hay nội địa, có niêm yết hay không… Điều quan trọng là Việt Nam vẫn có thể trông đợi vào các cuộc đàm phán từ phía Chính phủ” – ông Vũ nói.

Giám đốc đầu tư của một công ty chứng khoán cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu trong hai phiên ngày 3 và 4-4 là do phản ứng thái quá từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, đặc biệt dưới tác động của các lệnh bán giải chấp do vay margin.

Chỉ trong hai phiên, cổ phiếu trên sàn TP HCM đã giảm gần 14%, còn sàn Hà Nội có mã giảm đến 18%. Những tài khoản vay margin cao chắc chắn bị ép bán. Số liệu cho thấy nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước là nhóm bán ròng chính, trong khi các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán, đã tranh thủ mua vào. Cụ thể, nhóm tự doanh mua ròng khoảng 2.100 tỉ đồng, trong khi nhà đầu tư cá nhân nước ngoài bán ra tới 6.500 tỉ đồng.

Triển vọng dài hạn vẫn tốt

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào cuối tuần 6-4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhận định chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ áp dụng với Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Điều này chắc chắn gây tác động đến môi trường đầu tư và kinh doanh toàn cầu. Tuy nhiên, ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế 46% với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, Chính phủ đã lập tức vào cuộc để đưa ra các giải pháp ứng phó. Dù vậy theo ông Trung, phản ứng của nhà đầu tư “thái quá”, đặc biệt trên thị trường chứng khoán mấy ngày qua. Chỉ qua 2 ngày, chỉ số của sàn HoSE đã mất hơn 100 điểm. Thứ trưởng khẳng định với những nỗ lực đàm phán của Chính phủ, niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp chắc chắn sẽ được khôi phục.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI, cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng từ đầu năm 2025 đến nay, dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, VN-Index vẫn vượt mốc 1.300 điểm nhờ sức mua mạnh mẽ từ nhà đầu tư trong nước. Sau thông tin Mỹ áp thuế cao, VN-Index điều chỉnh giảm sâu về lại mốc 1.200 điểm nhưng thanh khoản tăng mạnh – điều đó cho thấy niềm tin vào tiềm năng nội tại vẫn rất lớn.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Việt Nam có thị trường tiêu dùng lớn, dòng tiền nội dồi dào, tâm lý đầu tư ngày càng chuyên nghiệp. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nội địa tái định vị chiến lược sản xuất, cạnh tranh trên chính sân nhà – một động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), ông Huỳnh Anh Tuấn, nhận định chính sách thuế mới của Mỹ có thể tạo nên một cuộc chiến thương mại toàn cầu chưa rõ hồi kết. Khi thuế được áp dụng, mọi thứ có thể thay đổi theo hướng tiêu cực: giá hàng hóa tăng, giao thương đình trệ, nhu cầu sụt giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Do đó, việc thị trường chứng khoán giảm sâu là điều dễ hiểu. Đặc biệt, tâm lý bi quan, hoảng loạn xuất hiện khi nhiều nhà đầu tư đồng loạt giảm tỉ trọng cổ phiếu, cắt margin. Việc các công ty chứng khoán đồng loạt gọi ký quỹ (call margin) dẫn đến hệ lụy là giải chấp chéo. 

Dòng tiền nội phải đủ mạnh

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, động thái bán ra của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy họ đã có sự điều chỉnh dòng tiền. Điều này buộc dòng tiền của nhà đầu tư nội địa phải đủ mạnh và bền bỉ mới có thể trở thành lực đỡ cho thị trường. Ông khuyến cáo nhà đầu tư những yếu tố cần theo dõi thời gian tới gồm: xu hướng thị trường chứng khoán toàn cầu, tốc độ đàm phán chính sách, hành động của nhà đầu tư nước ngoài, nguy cơ call margin chéo và biến động tỉ giá. Những yếu tố này sẽ quyết định liệu VN-Index đã chạm đáy hay chưa, đồng thời nhà đầu tư cần quản lý tài khoản một cách linh hoạt để kiểm soát rủi ro.

Yếu tố vĩ mô vẫn ủng hộ tăng trưởng

Theo Công ty Chứng khoán DSC, VN-Index trong tuần này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua những nhịp rung lắc mạnh và vùng đáy của thị trường có thể hình thành trong khoảng 1.160 – 1.180 điểm. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư dài hạn nên tận dụng các phiên điều chỉnh sâu hoặc tâm lý hoảng loạn để giải ngân dần, ưu tiên nhóm cổ phiếu dẫn dắt thuộc ngành ngân hàng và chứng khoán.

Liên quan đến chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, chuyên gia của DSC đánh giá đây là cú sốc mang tính ngắn hạn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song không làm thay đổi triển vọng tích cực của nền kinh tế. Các yếu tố vĩ mô hiện tại vẫn đang ủng hộ tăng trưởng. Ngay cả trong kịch bản bất lợi nhất, GDP Việt Nam được dự báo vẫn giữ mức cao so với mặt bằng khu vực và toàn cầu.

Theo Sơn Nhung – Xuân Mai

Người lao động

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.