Kim ngạch xuất, nhập khẩu có sự phục hồi từ tháng 5, trong 2 tháng 8 và 9 đã đạt mốc trên 60 tỷ USD/tháng. Điều này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác cảng và vận tải…
Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, HoSE: VCS) công bố kết quả kinh doanh tháng 8 đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 198 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 48,3 tỷ đồng, cùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả vượt trội so bình quân tháng ghi nhận trong nửa đầu năm.
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên, doanh nghiệp báo cáo doanh thu đạt 998 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng 166 tỷ đồng), tương đương cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 35% xuống 28,6% do một số chuyến tàu phải chuyển ra cảng ngoài do trùng lịch. Chi phí lãi vay phát sinh 71 tỷ đồng, chi phí quản lý và chi phí bán hàng đồng thời tăng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng và sau thuế đạt 77 tỷ đồng, lần lượt giảm 61% và 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II, Viconship đã hoàn tất mua 35% vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ và đang triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu huy động 1.334 tỷ đồng để mua thêm 44% vốn. Ban lãnh đạo cho biết cảng Nam Hải Đình Vũ đã bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho hệ thống (ghi nhận ở lãi liên doanh, liên kết).
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực khai thác cảng và vận tải biển cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng có sự khởi sắc so với các tháng đầu năm là Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH). Bình quân trong tháng 7 và 8, Hải An mang về 340 tỷ đồng doanh thu, tăng 61%; lợi nhuận ròng 36 tỷ đồng, tương đương bình quân tháng trong nửa đầu năm.
Lũy kế 8 tháng, doanh nghiệp đạt 1.947 tỷ đồng doanh thu và 288 tỷ đồng lợi nhuận ròng, cùng thực hiện 72% chỉ tiêu năm đã điều chỉnh (công ty điều chỉnh giảm 10% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận năm).
Kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp khai thác cảng và vận tải biển trong bối cảnh giao thương phục hồi. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 62 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước và ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng tính từ tháng 5. Đồng thời, giá trị 62 tỷ USD cũng rất vượt trội so với vùng 56 – 57 tỷ USD của 3 tháng trước đó và là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Qua tháng 9, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có sự giảm nhẹ so với tháng 8 nhưng vẫn duy trì trên mức 60 tỷ USD.
Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có tín hiệu tích cực trong tháng 8 khi đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 1 năm trở lại đây và tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp. Qua tháng 9 xuất khẩu cũng giảm 4,1% xuống 31,41 tỷ USD.
Tồn kho thị trường Mỹ được dự báo về 0 vào cuối năm
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, xuất khẩu giảm chủ yếu do cầu thế giới giảm trước ảnh hưởng của lạm phát và việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, qua đó khiến lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhưng từ tháng 4 đến nay, hàng tồn kho đã giảm mạnh. Tiêu biểu như thị trường Mỹ, 6 tháng đầu năm 2023, lượng hàng tồn kho lên tới 20% thì đến tháng 8 đã giảm chỉ còn 10%, dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%, nên đây là cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn.
SSI Research cũng dự báo việc xử lý hết hàng tồn kho của Mỹ có thể hoàn thành trước tháng 12, sau đó mới bắt đầu bổ sung hàng hóa. Đây là lý do tại sao hầu hết các hãng tàu container đều nhận thấy sản lượng vận chuyển tăng rất nhẹ trong nửa cuối năm 2023, theo đó mùa cao điểm quý III và IV năm nay cũng chỉ tăng nhẹ.
Theo dữ liệu của CTS, khối lượng container toàn cầu trong tháng 7 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là tháng tăng trưởng đầu tiên sau 17 tháng giảm liên tiếp. Trong đó, sự cải thiện về khối lượng đến từ các tuyến Nội Á (tăng 1,1% và Á-Âu (tăng 5,9%), trong khi châu Á-Bắc Mỹ vẫn giảm 10%. Dù vậy, SSI Research cũng lưu ý rằng nửa cuối năm 2022 có mức nền thấp nên cần có thêm dữ liệu mới có thể kết luận chắc chắn về xu hướng phục hồi.
Mới đây, Cục quản lý cảng biển và vận tải biển Việt Nam (Vinamarine) đã đăng tải dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm tại cảng biển, bao gồm nâng hạ container quốc tế và hướng dẫn tàu thuyền, đề xuất có hiệu lực từ năm 2024. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành hầu hết quan tâm đến việc tăng giá sàn đối với phí nâng hạ container, vốn thường chiếm 60-70% doanh thu cảng biển. Cụ thể, đối với hầu hết các cảng, giá sàn xếp dỡ container được điều chỉnh tăng 10% so với giá cũ (có hiệu lực từ năm 2019), còn đối với một số cảng nước sâu lớn (đón được tàu trọng tải trên 160 nghìn DWT) giá sàn được điều chỉnh tăng thêm thêm khoảng 10% (dẫn đến giá sàn thực tế có thể tăng 20%).
SSI Research cho biết theo cách hiểu thông thường thì nâng giá sàn sẽ làm giá tăng lên (khoảng 6-7% ở các cảng trung chuyển thông thường và hơn 10% ở các cảng nước sâu lớn) và do đó sẽ làm tăng biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng của các cảng này, với cùng một lượng container thông qua cảng. Đồng nghĩa với việc hầu hết các công ty cảng đã niêm yết (như GMD, VSC, DVP, PHP) và các công ty cảng chưa niêm yết như Tân Cảng Sài Gòn và VIMC đều được hưởng lợi. HAH sẽ không được hưởng lợi vì phần lớn sản lượng qua cảng của HAH đều là hàng nội địa.
Nhà Đầu Tư