(KTSG Online) – Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14-6, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn ở những tháng cuối năm nay. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày…
(KTSG Online) – Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14-6, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn ở những tháng cuối năm nay.
Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024, diễn ra sáng nay (19-6). Theo TTXVN, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến việc hướng dẫn điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng.
Chẳng hạn, về gói tín dụng lâm sản, thủy sản, quy mô gói được nâng lên thành 30.000 tỉ đồng. Cơ quan đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỉ đồng nhà ở xã hội theo hướng đưa ra nhiều ưu đãi hơn. Bên cạnh đó là tổ chức hội nghị kết nối với địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng dễ dàng.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở một số địa phương còn thấp. Thậm chí, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, hoặc tăng trưởng âm. Cả nước vẫn còn 23 tỉnh có tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh có tăng trưởng không quá 2%.
Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn ở những tháng cuối năm. Theo TTXVN, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục có phương án để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ.
Bên cạnh đó là khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản… Cơ quan chức năng rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng…
Kinh tế Sài Gòn Online